Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Suzucho-Karatedo: ''Tâm thức Núi'' trong võ đạo

Đăng ngày:

Suzucho-Karatedo là đạo đường Không thủ đạo do võ sư Suzuki Choji, tên Việt là Phan Văn Phúc, sáng lập vào đầu thập niên 1960 tại Huế. Võ đạo truyền thống tiếp tục được duy trì trong tinh thần núi thiêng Bạch Mã, ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên.

Luyện Karatedo trên núi Bạch Mã, Huế.
Luyện Karatedo trên núi Bạch Mã, Huế. Ảnh do môn phái Nghĩa Dũng cung cấp
Quảng cáo

Trong Tạp chí thể thao tuần trước, võ sư Nguyễn Văn Dũng một trong những cao đồ của chưởng môn, giới thiệu nhân duyên và thành tựu của môn phái. Từ gần 60 năm qua, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, Suzucho-Karatedo tiếp tục lớn mạnh với nhiều hệ phái, đặc biệt nhất là Nghĩa Dũng-Karatedo gắn liền với thiên nhiên và Bạch Mã sơn.

Năm 1978, do thời cuộc, chưởng môn Suzuki Choji về nước và qua đời vào năm 1995. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, các cao đồ đầu tiên đưa Karatedo từ võ đường mẹ dưới chân cầu Đông Ba tỏa ra khắp bốn phương.

Tại Việt Nam, người giữ lửa cho « ân sư » Suzuki Choji là võ sư Nguyễn Văn Dũng. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1941, nguyên là giáo sư quốc văn, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế. Ông sáng lập đạo đường Nghĩa Dũng-Karatedo,với tâm nguyện không thể thao hóa võ đạo, nỗ lực thắp sáng tâm thức tuổi trẻ, tinh thần dấn thân và trách nhiệm. Võ đạo truyền thống tiếp tục được duy trì trong tinh thần núi thiêng Bạch Mã, ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên. Trân trọng gửi đến quý thính giả phần hai của cuộc phỏng vấn.

******

Tinh thần Bạch Mã sơn

Kính chào sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, trong phần một, võ sư có dịp nói qua về vai trò của núi Bạch Mã "vị thầy vĩ đại thứ hai" (sau ân sư Suzuki) của môn sinh Suzucho-Karatedo và đặc biệt là giới trẻ thuộc Nghĩa Dũng Karate-Do. Xin võ sư giải thích thêm về « đường lên ngọn núi thiêng », một trong những quyển sách của võ sư ?

Hồi trước, tôi đi tập với thầy Suzuki thì phòng tập của chúng tôi rất là nhỏ. Ngày nay, tôi muốn mở rộng không gian giảng dạy cho các em mà thiên nhiên là một yếu tố ưu tiên hàng đầu. Ở Huế, có một ngộn núi nổi tiếng là núi Bạch Mã, cao gần 1500 mét. Tôi thường đưa môn sinh của tôi lên rèn luyện ở đó. Các em mang ba lô nặng 15 kí lô. Đoạn đường đi lên là 19 cây số, cộng thêm sinh hoạt trên đó, cả đi và về cũng 50 cây số.

Đây thực chất là một cuộc hành hương, nhưng về mặt tổ chức thì coi đó như một cuộc hành quân đầy gian khổ, đầy thử thách, đầy hiểm nguy.

Tôi muốn thông qua đó để giúp cho các em biết mình là ai và tự hào về bản thân mình. Giúp cho các em ý thức kỷ luật, đúng giờ, cái tinh thần hợp tác, tính năng động, quyền biến và đặc biệt là những kỹ năng để mưu sinh trong tình huống ngặt nghèo.

Cho các em được ngắm hoàng hôn trên núi Bạch Mã, thức dậy lúc 4 giờ sáng để ngắm bình minh ở biển Đông, đêm ngửa mặt ngắm sao trời… tôi cho đó là những yếu tố bồi dưỡng cho tâm hồn các em. Đó cũng là một yếu tố để các em thấy quê hương, đất nước của mình đẹp quá và từ đó nẩy sinh tấm lòng yêu nước và ý thức bảo vệ đất nước mình.

Sau chuyến đi, các em phải viết một bản thu hoạch thường là khoảng 15 trang. Trong mấy ngàn bản thu hoạch đó, gần đây, tôi chọn một số để in thành một quyển sách và được nhiều người yêu mến. Tên quyển sách đó là Tâm Thức Núi.

Thế nào là « tâm thức núi » ? Phải chăng võ sư không có chú trọng nhiều về « võ nghệ », mà đặt nặng phần « võ đạo » nhiều hơn?

Núi cao là nơi hun đúc những giá trị tâm linh. Ví dụ như Bạch Mã Sơn chẳng hạn, tôi nghiệm ra rằng khí thiêng của trời đất, năng lượng của trời đất đã đúc kết ở nơi đó. Cho nên, lên Bạch Mã và nếu biết mở rộng cái tâm văn hóa , mình sẽ thấy tâm hồn mình cao rộng hơn, trái tim của mình chan chứa yêu thương và độ lượng hơn, sự suy nghĩ của mình nó minh triết hơn. Bạch Mã Sơn, ngọn núi tâm thức của thầy trò chúng tôi cũng là nơi để chúng tôi vọng về. Rất nhiều em môn sinh đến đó, bây giờ ra đời gặp những lúc khó khăn thì các em tưởng về Bạch Mã để tìm thấy một sự bình an trong tâm hồn các em. Cũng có nhiều em đã thành đạt nhưng mà năm, mười năm, các em trở về Bạch Mã đôi ba ngày để hấp thụ năng lượng đó, tìm thấy sức mạnh cho mình để tiếp tục đi vào đời. Đối với thầy trò chúng tôi thì núi Bạch Mã là linh điạ, là thánh địa của Nghĩa Dũng - Karatedo.

Sống thật, nhân ái không một dạ hai lòng

Được biết võ sư còn có tâm nguyện là đào tạo cho môn sinh karatedo, một tinh thần hào hiệp, trách nhiệm với bản thân và xã hội, đa năng đa hiệu, thông thạo văn võ, cầm kỳ thi họa. Thụ giáo Nghĩa Dũng Karatedo, môn sinh được đào luyện theo những phương pháp nào ?

Tôi nghĩ « Văn không võ là văn nhu nhược. Võ không văn là võ bạo tàn ». Bởi vậy cho nên tôi mới có ý muốn đào tạo cho những người học trò của tôi trở thành con người toàn diện, về tính cách, về nhân cách và đặc biệt là trong cách ứng xử ở đời. Làm thế nào để được sự hài hòa giữa tình và lý, giữa cương và nhu, giữa văn và võ.

Muốn được hài hòa và toàn diện như vậy thì tôi mở rộng không gian tập luyện, không phải chỉ giới hạn trong võ đường mà mở rộng ra bên ngoài. Ví dụ, tôi kêu gọi các em mỗi tháng đóng góp hai lon gạo, rồi mỗi năm nhịn một bữa ăn sáng. Tất cả góp lại, sau đó giúp đỡ người nghèo, các cô nhi viện, xây những ngôi trường cho trẻ em vùng cao, làm cây cầu bắc qua suối để trẻ em không bị lũ cuốn.

Đó là những hoạt động bồi dưỡng cho tâm hồn các em, để các em trở thành những người có lòng nhân ái, biết cảm thông, biết sẻ chia và có tinh thần trách nhiệm.

Đó là những điều mà tuổi trẻ hiện nay rất là thiếu.

Chúng tôi cũng coi trọng việc đọc sách. Chúng tôi nói với các em, sách là người thầy vĩ đại và thông qua sách, các em học hỏi được rất nhiều điều hay.

Tôi bắt buộc mỗi võ đường phải có một tủ sách. Trong chương trình tập luyện, phải dành thời gian cho các võ sinh trao đổi sách để đọc và làm thế nào có các nguồn cung cấp cho tủ sách ngày càng phong phú.

Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em tham gia những hoạt động xã hội, nhặt rác, vệ sinh môi trường. Hiện nay, chúng tôi đang đăng ký để bảo vệ và làm đẹp một khoảng sông Hương.

Theo quan điểm giáo dục của tôi, tất cả những giá trị tinh thần mà chúng tôi muốn hun đúc thì không phải qua cái rao giảng của người thầy, mà thông qua cái quá trình rèn luyện của các em.

Bên Thiền học người ta gọi là Tu và Chứng. Phải có tu mới có chứng. Trong tập luyện Karate, các em được tập đòn đánh ra là phải qua quá trình « điều hơi, tụ khí và phát lực ». Một đòn đánh phải là kết tinh của tất cả khí lực của mình. Tập luyện một thời gian dài, các em sẽ ngộ, sẽ nhận ra rằng muốn làm cái gì cũng phải làm hết sức mình chứ không bầy hầy làm nửa chừng. Dần dần các em ngộ ra, sẽ nhận ra là sống với ai phải sống hết mình chứ không phải một dạ hai lòng. Từ kỹ thuật tập luyện, các em sẽ đạt tới những giá trị tinh thần mà các em ngộ ra. Đó là đặc điểm mà võ đường Nghĩa Dũng -Karatedo đào tạo cho các võ sư của mình.

Xin đặt câu hỏi cuối, từ Huế, Nghĩa Dũng-Karatedo đã phát triển khắp nước và ra nước ngoài như thế nào ?

Sau khi thầy tôi về Nhật năm 1978, tôi thành lập võ đường lấy tên là Nghĩa Dũng-Karatedo. Dũng là tên người đứng đầu, còn Nghĩa là tôn chỉ của võ đường. Từ đó đến nay đã phát triển hơn một ngàn võ đường Nghĩa Dũng trong phạm vi toàn quốc và thêm sáu võ đường ở nước ngoài : Úc, Canada, Nga, Slovakia, Cộng hoà Séc và Mỹ.

Có một điều là dù các em võ sư mở võ đường ở những nước hiện đại, các em đó cũng vẫn duy trì truyền thống và tôn chỉ mục tiêu của võ đường Nghĩa Dũng ở Huế.

Xin cám ơn võ sư, sư trưởng Nguyễn Văn Dũng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.