Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Không Thủ Đạo đất Thần kinh: Cầu Đông Ba, núi Bạch Mã

Đăng ngày:

Karatedo, Không Thủ Đạo Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu của hậu bán thế kỷ 20. Trong hơn 60 năm qua, Karate với tôn chỉ đào luyện tâm hồn giới trẻ, được tiếp nối tại đất Thần kinh và phát triển mạnh nhờ công lao của các cao đồ thế hệ đầu tiên.  

Cố đại võ sư Suzuki Choji (phải).
Cố đại võ sư Suzuki Choji (phải). Ảnh do Võ sư Nguyễn Văn Dũng cung cấp
Quảng cáo

Võ sư Hồ Cẩm Ngạc sau 7 năm luyện tập tại Nhật, đem Judo, Karate, Kendo và Aikido về Sàigòn vào năm 1947. Trong khi đó, tại Huế, võ sư Suzuki Choji, một sĩ quan Nhật nhận Việt Nam làm quê hương, truyền dạy Karate cho một số đệ tử chọn lọc tại đạo đường nằm cạnh cầu Đông Ba.

Rất nhiều thanh thiếu niên được đào tạo tại đạo đường Suzucho-Karatedo là những bậc tài hoa của đất Thần kinh. Karateka Nguyễn Văn Dũng, 7 đẳng, nguyên là giáo sư quốc văn, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, sư trưởng Nghĩa-Dũng Karatedo, là một trong những người nuôi dưỡng ngọn lửa lý tưởng này, theo nhiều bài báo võ thuật trong nước.

Trong thời lượng hạn hẹp, RFI hân hạnh được võ sư nhận trả lời phỏng vấn dưới đây. Xin trân trọng giới thiệu đến quý thính giả bốn phương đôi nét về đạo đường và những nỗ lực của hệ phái Suzocho-Karatedo, Huế với chủ đề « Karatedo từ chân cầu Đông Ba đến núi Bạch Mã ».

*****

Tháng 8/2019, võ sư Nguyễn Văn Dũng, sư trưởng Nghĩa-Dũng Karatedo « gác kiếm » và tâm sự « muốn bé lại » như ngày xưa. Là một trong những đại đệ tử của võ sư Suzuki Choji, võ sư cho biết nhân duyên nào cách nay hơn 60 năm đã thúc đẩy ông đến với môn võ Không Thủ Đạo :

« Ban đầu tôi đến với Karate là để trả thù những kẻ đã đánh thầy dạy Văn của mình. Nhưng mà sau khi khổ luyện, thấy có thể thực hiện ý đồ của mình thì tôi lại nghĩ là tha cho kẻ thù của mình là cách trả thù tốt nhất. Tôi chủ động đến và kết thânvới những người đó và chúng tôi trở thành bạn bè với nhau cho đến bây giờ. Người thầy của tôi là một thầy dạy Văn, là một linh mục. Vào năm 1963, khi xảy ra cuộc đảo chính ông Ngô Đình Diệm, thì ban đêm có một toán thanh niên vào trong nhà thờ, lôi ông thầy đó ra rồi hành hạ ông. Còn tôi, tôi bảo vệ ông. »

Trong một bức thư gửi thầy, Hạ Quốc Huy, một trong những trưởng tràng đã viết một câu rất cảm động « … dù trên đường lưu lạc, con được gặp nhiều danh sư, diện kiến nhiều cao nhân, nhưng hình ảnh thân kính của thầy vẫn là chân dung lớn trong hồn con và đạo đường thân yêu ngày trước, nhìn về như một ước mơ » (ghi lại theo trí nhớ).

Xin võ sư Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm cố đại võ sư Suzuki Choji là một nhân vật như thế nào ? Vì sao ông chọn Huế làm quê hương ?

Thầy Suzuki Choji là một sĩ quan trong quân đội Nhật hoàng. Thầy ở lại Việt Nam sau năm 1945 và tham gia mặt trận Việt Minh…. Đến sau năm 1954, theo lời mời của một người bạn, thầy về định cư ở Huế. Khi người bạn này trở thành trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên-Huế thì ông mời thầy Suzuki dạy nhu đạo cho lính. Lúc đầu thầy dạy nhu đạo, cho đến 1963 thì dạy Karate và lập hệ phái Suzucho-Karatedo của thầy.

Thầy Suzuki Choji là một người rất nghiêm. Nhưng bên cạnh thầy, vợ của thầy là một người rất nhân từ. Chúng tôi kính và sợ thầy nhưng mà chúng tôi rất yêu thương cô. Chúng tôi coi thầy như người cha và cô như một người mẹ và võ đường ở số 8 đường Võ Tánh của thầy như một ngôi nhà.

Võ đường số 8, Võ Tánh rồi núi Bạch Mã là nơi mà mỗi cuối tuần khi trời đẹp, từ suốt mấy chục năm nay,võ sư Nguyễn Văn Dũng dẫn học trò lên núi tập luyện. Bạch Mã là một địa danh cốt lõi, là một bước thứ hai trong dòng sông phát triển Karate tại Huế từ chân cầu Đông Ba. Và cũng từ tổ đường, Không Thủ Đạo phổ biến ra khắp nơi với những môn sinh đầu tiên được chọn lọc. Võ sư Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng :

Thầy Suzuki rất trọng trí thức, trân trọng và đặc biệt đầu tư sâu cho những môn sinh của thầy có trí thức. Vì vậy cho nên những môn sinh đầu tiên đều là những người khoa bảng : anh Nguyễn Nhuận là giảng sư Đại học Huế, anh Ngô Đồng, giảng viên Đại học Huế, anh Hạ Quốc Huy là một họa sĩ tài danh của miền Nam trước đây cũng như anh Nguyễn Xuân Dũng, Hồ Văn Ngọc…

Trước 1975, phong trào Karate của thầy Suzuki chỉ phát triển ở phạm vi Huế mà thôi. Và có một lò võ Karate ở Đà Nẵng của anh Hạ Quốc Huy và hai Câu lạc bộ ở Sài gòn của anh Ngô Xuân Dũng. Mãi đến sau năm 1975, phong trào mới phát triển khắp cả nước.

Thế hệ môn sinh thứ hai của thầy sau này cũng đều là những người trí thức, có văn hóa………….. Có thể nói hệ phái Suzucho-Karatedo phát triển rất mạnh, mạnh nhất trong làng Karate và trong làng võ ở Việt Nam nói chung… ».

Từ cố đô, một số cao đồ của đạo đường « dưới chân cầu Đông Ba » đã đưa môn phái phát triển tại Bắc Mỹ và Châu Âu.

Riêng tại Việt Nam, với sở nguyện đào luyện tâm hồn tự hào cho giới trẻ, võ sư Nguyễn Văn Dũng chọn núi Bạch Mã làm người thầy thứ hai cho môn đệ ? Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn chủ nhật tuần sau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.