Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

“Lưỡi bò” trong phim Abominable: Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông

Kể từ hôm 14/10/2019, rất nhiều phương tiện thông tin quốc tế đã đồng loạt đưa tin : Việt Nam đã cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ) của hãng phim Mỹ Dreamworks vì một cảnh trong phim cho thấy tấm bản đồ có “đường chín đoạn” – gọi nôm na là “đường lưỡi bò” - mà Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Poster quảng cáo cho phim Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ) của hãng DreamWorks bị gỡ xuống ở một rạp chiếu phim tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 14/10/2019.
Poster quảng cáo cho phim Abominable (Everest: Người Tuyết bé nhỏ) của hãng DreamWorks bị gỡ xuống ở một rạp chiếu phim tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 14/10/2019. REUTERS/Thinh Nguyen
Quảng cáo

Báo chí đã không quên nhắc lại một diễn biến tương tự mới đây khi kênh thể thao Mỹ ESPN cũng đưa lên truyền hình tấm bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong một chương trình nói về bóng rổ Mỹ tại Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là các hãng truyền thông Mỹ đã vô tình hay cố ý quảng bá cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông vốn đã bị Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye phán quyết là không có cơ sở pháp lý – tức là phi pháp – vào năm 2016.

Về câu hỏi này, báo mạng Quartz, có trụ sở tại New York (Mỹ) và Luân Đôn (Anh) ngày 15/10/2019 đã cho rằng trong trường hợp của đài truyền hình ESPN, đó có thể là một “sai lầm ngớ ngẩn”, nhưng trong trường hợp của Dreamworks, thì việc đưa bản đồ “lưỡi bò” ở Biển Đông lên màn bạc là một hành động cố ý.

ESPN đã “sử dụng nhầm” tấm bản đồ lưỡi bò ?

Quartz đã giải thích cho suy đoán của mình bằng phản ứng của ESPN khi được hỏi về vụ tấm bản đồ. Theo phóng viên tờ báo, phát ngôn viên của kênh thể thao Mỹ dù không bình luận, nhưng đã gợi lên một bản tin ngắn ngày 10/10 trên tờ báo Mỹ Sports Business Daily Issues, cho rằng ESPN đã “sử dụng nhầm – mistakenly used” tấm bản đồ.

Theo Sports Business Daily Issues, trước các phản ứng bất bình về việc trương lên tấm bản đồ “lưỡi bò”, kênh ESPN đã không bình luận về việc sử dụng đồ họa gây tranh cãi, nhưng vào trước đó, trong chương trình SportsCenter của Scott Van Pelt cũng trên kênh ESPN, một tấm bản đồ Trung Quốc hoàn toàn khác đã được sử dụng, không bao gồm các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Theo tờ Sports Business Daily Issues, tân chủ tịch của ESPN kể từ năm ngoái Jimmy Pitaro, đã nhấn mạnh rằng khi phát sóng, các phóng viên hay người dẫn chương trình của đài phải tránh thảo luận về chính trị trừ phi có liên quan trực tiếp đến thể thao.

Việc sử dụng hai tấm bản đồ với những phản ứng tất yếu đi kèm theo, theo Sports Business Daily Issues, đã minh họa cho việc tại sao ông Pitaro và các nhà điều hành ESPN khác lại muốn đứng ngoài chính trị mà chỉ tập trung trên thể thao.

Đối tác Trung Quốc của DreamWorks cố ý đưa “lưỡi bò” vào phim

Còn về trường hợp tấm bản đồ có đường lưỡi bò trong phim Abominable, Quartz cho rằng đó là một hành động cố ý, đến từ đối tác Trung Quốc của Dreamworks trong bộ phim.

Đối với Quartz, khó có thể nghĩ rằng việc đưa tấm bản đồ lưỡi bò vào trong phim Abominable là một nhầm lẫn của nhà sản xuất. Là phim hoạt hình đầu tiên của Hollywood mà các nhân vật thuộc một gia đình Trung Quốc ngày nay, bộ phim là một công trình hợp tác giữa hãng phim Mỹ DreamWorks và công ty sản xuất Trung Quốc Pearl Studio, trụ sở tại Thượng Hải, thuộc sở hữu của China Media Capital, một nhà đầu tư có ảnh hưởng của Trung Quốc vốn nuôi tham vọng xây dựng một đế chế truyền thông toàn cầu.

Và bộ phim được thiết kế tỉ mỉ cho hợp với khán giả Trung Quốc : ngay cả phần hội thoại cũng đã được dịch sang tiếng Hoa sao cho cách máy môi sẽ đồng bộ với kịch bản gốc tiếng Anh ban đầu, trong lúc các chi tiết hình ảnh được đưa vào sao cho đúng nhất với thực tế tại Trung Quốc.

Căn cứ vào mức độ chú ý đến từng chi tiết đó, có rất nhiều khả năng là quyết định đưa tấm bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò vào phim rõ ràng đã được tính toán cẩn thận.

Lợi dụng quan hệ kinh doanh để quảng cáo ý đồ chính trị

Theo báo Quartz, Trung Quốc hiện đang tung toàn bộ sức lực vào việc truyền bá thông điệp dân tộc chủ nghĩa của họ ra ngoài biên giới bằng biện pháp tuyên truyền và trong trường hợp này, thông qua quan hệ đối tác kinh doanh.

Theo giáo sư Cổ Cử Luân (Julian Ku) thuộc trường luật Đại Học Hofstra ở New York : “Vì không biết, hoặc không quan tâm nhiều đến các tranh chấp chủ quyền liên quan đến đường 9 đoạn (ở Biển Đông), các cá nhân và doanh nghiệp ngoại quốc đã tự động chấp nhận những quan điểm tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa (của Trung Quốc) mà không biết nhiều về các quan điểm này”.

Giáo sư Cổ Cử Luân cho rằng hai ví dụ mới nhất về việc sử dụng tấm bản đồ “lưỡi bò” rất có thể là đã xuất phát từ việc các doanh nghiệp phương Tây vừa không biết gì, vừa thờ ơ trước những vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Dẫu sao thì theo báo Quartz, thì nhờ sự đồng lõa bất ngờ và có lẽ là không mong muốn của các doanh nghiệp Mỹ, tấm bản đồ mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông đã đi vào dòng chính của truyền thông.

Gậy ông lại đập lưng ông : “Lưỡi bò” gắn liền với phi pháp

Khi cố tình mượn phim Abominable để phô trương tấm bản đồ “lưỡi bò”, Bắc Kinh muốn quảng bá cho chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông. Những phản ứng đầu tiên cho thấy là Trung Quốc đã bị lâm vào tình thế “gậy ông lại đập lưng ông” vì hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều nêu bật tính chất phi pháp của đường lưỡi bò khi nhắc lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Báo mạng Quartz chẳng hạn, đã không ngần ngại xác định rằng tấm bản đồ Trung Quốc đã bị “bác bỏ trên bình diện quốc tế - rejected internationally”, và giải thích thêm rằng: “Đường (gián đoạn) đó xuất hiện lần đầu tiên trên một tấm bản đồ chính thức của nước Trung Hoa thời những năm 1940, sau đó được chế độ Cộng Sản Trung Quốc chấp nhận. Vào năm 2016, một tòa án quốc tế phán quyết rằng đường (gián đoạn) đó về căn bản là bất hợp pháp”.

Đài CNN cũng không nói gì khác hơn khi nhắc lại : “Vào năm 2016, một tòa án quốc tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết rằng đường 9 đoạn không có giá trị về mặt pháp lý”.

Ngay cả những tờ báo chuyên về phim ảnh như Variety, The Hollywood Reporter, Movie Web cũng nói đến tính chất phi pháp của đường lưỡi bò, hay nhẹ hơn thì gọi đó là một hành động đơn phương của Trung Quốc, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng.

Âm mưu áp đặt đường lưỡi bò

Đài Truyền hình Mỹ CNN ngày 15/10, khi đưa tin về vụ phim Abominable của hãng Dreamworks bị cấm chiếu tại Việt Nam đã không quên nhắc lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm buộc các nước khác phải chấp nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo ghi nhận của CNN, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành một vấn đề tế nhị đối với các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ hoạt động trong khu vực : Nếu không gộp đường chín đoạn vào bản đồ Trung Quốc thì phải đối mặt với sự chỉ trích từ Bắc Kinh, nhưng nều chiều ý Trung Quốc thì vấp phải cơn thịnh nộ từ các láng giềng của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, du khách Trung Quốc chẳng hạn, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trước vấn đề yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Vào năm ngoái 2018, thông tin báo chí cho biết là một nhóm 14 người đã bị buộc phải cởi bỏ các áo phông bên trên có in tấm bản đồ Trung Quốc với đường 9 đoạn.

Bắc Kinh đã cho in tấm bản đồ gây tranh cãi này trên hộ chiếu Trung Quốc từ năm 2012. Vào năm 2016, một phụ nữ Trung Quốc đã cáo buộc rằng hộ chiếu của bà bị một công an biên phòng Việt Nam viết một chữ thô tục trên hai trang có in tấm bản đồ hình lưỡi bò. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, thì lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đã cực lực phản đối sự cố này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.