Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Jacques Chirac, người góp phần thắt chặt quan hệ Pháp-Việt

Đăng ngày:

Chuyến thăm Hà Nội năm 1993 của tổng thống François Mitterrand xúc tiến nhanh hơn quá trình bình thường hóa quan hệ Pháp-Việt. Bốn năm sau, năm 1997, tổng thống Jacques Chirac (1932-2019) tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ song phương thông qua chính sách mở cửa của Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (Organisation internationale de la Francophonie).

Tổng thống Pháp, Jacques Chirac bắt tay trẻ em Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, ngày 07/10/2004.
Tổng thống Pháp, Jacques Chirac bắt tay trẻ em Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, ngày 07/10/2004. AFP PHOTO PATRICK KOVARIK
Quảng cáo

Quan hệ với Pháp là một niềm hy vọng đối với Hà Nội vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, ba năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi Mới. Paris đã không ngừng nỗ lực giúp Việt Nam hội nhập cộng đồng quốc tế. Đầu thập niên 1990, Việt Nam gần như trong tình trạng vỡ nợ. Nhờ khoản vay gối 85 triệu đô la mà Ngân hàng Ngoại thương Pháp cấp vào tháng 09/1993, cùng với khoản tài trợ 55 triệu đô la của Nhật, Hà Nội đã có thể trả 140 triệu đô la đến kỳ thanh toán cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tính đến cuối năm 1992, Việt Nam nợ các nước không thuộc khối Cộng sản 4,2 tỉ đô la (1).

Đến tháng 12/1993, Pháp đã thuyết phục được Câu lạc bộ Paris miễn 50% số nợ của Việt Nam đối với các khoản tín dụng thương mại và giãn thời gian trả trong vòng 30 năm đối với các khoản tín dụng ưu đãi. Nhờ đó, nợ nước ngoài của Hà Nội được giảm bớt. Tháng 02/1994, Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, các nhà cung cấp tín dụng, như Ngân hàng Thế giới, có thể đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Năm 1995, Việt Nam gia nhập khối ASEAN và năm 1996, Việt Nam tham gia thượng đỉnh đầu tiên của ASEM (Đối thoại Á-Âu) được tổ chức tại Bangkok.

Chirac : Người đưa thượng đỉnh đầu tiên đến Việt Nam

Năm 1997, hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức ở Việt Nam và đây cũng là lần đầu tiên, thượng đỉnh Francophonie được tổ chức ở châu Á. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hai ngày (12-13/11/1997), trước phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Jacques Chirac khẳng định mong muốn phát triển « đối tác ưu tiên » giữa hai nước. Thông qua Pháp, Việt Nam có thể tiếp cận được châu Âu cũng như những định chế tài chính quốc tế. Còn nhờ Việt Nam, Pháp có thể thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á đang trỗi dậy và thị trường Việt Nam còn nhiều cơ hội, với sức tăng trưởng 9% trong những năm 1990.

Trong chuyến công du đầu tiên của ông Jacques Chirac, hai bên đã ký kết khoảng 4 tỉ franc hợp đồng thương mại. Nhật báo kinh tế Les Echos (ngày 12/11/1997) từng đánh giá tổng thống Chirac đã biết sử dụng đòn bẩy chính trị của thượng đỉnh Pháp ngữ để thu về một số lợi nhuận trong thương mại. Vì trên thực tế, chưa đầy 1% dân số Việt Nam nói tiếng Pháp vào thời kỳ đó, và chủ yếu là người cao tuổi, từng sống dưới thời thuộc địa.

Đặc phái viên của đài truyền hình Pháp France 2 nhận định trong bản tin thời sự ngày 14/11/1997 : « Đối với Việt Nam, tổ chức thành công thượng đỉnh Pháp ngữ là cơ hội quý giá để có được vị trí trên trường quốc tế. Còn đối với Pháp, thành công này sẽ khẳng định Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ vẫn tồn tại và vẫn có ích ».

Trước tiên là có ích cho Paris, vì thượng đỉnh tại Hà Nội giúp Pháp mở rộng ảnh hưởng và bảo tồn tiếng Pháp trong khu vực. Theo đánh giá của hãng tin Mỹ AP, dù được thành lập trên cơ sở ngôn ngữ, thượng đỉnh của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ngày càng đề cập nhiều đến các vấn đề kinh tế và chính trị. Đây là một khía cạnh được tổng thống Chirac đề cập trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 ở Hà Nội :

« Tôi thấy trong số các nước đang họp tại đây, có những nước thịnh vượng, nhiều nước khác đang trên đà phát triển, kể cả những nước ở phía nam (so với Pháp, về địa lý), có những nhu cầu cơ bản về giáo dục, đào tạo, trang thiết bị và về vốn, mà lại không được thỏa mãn. Đây là điều vô cùng bất công. Và đây cũng là nhiệm vụ của cộng đồng Pháp ngữ, phải đáp ứng những vấn đề mà tình trạng này gây ra, bởi vì khối Pháp ngữ là lòng tương ái. Và tinh thần tương ái này phù hợp với đòi hỏi cấp bách về đạo đức đối với các nước phát triển, và cũng phù hợp với lợi ích của họ ».

Ngay đầu những năm 1990, tại Việt Nam, việc giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông đã được đầu tư nhiều hơn với việc mở nhiều lớp song ngữ, đầu tư thiết bị nghe nhìn phục vụ giảng dạy. Trong chyến thăm Việt Nam năm 1997, tổng thống Chirac đã khánh thành một lớp song ngữ tại trường trung học cơ sở Chương Mỹ, Hà Nội. Vào thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 491 lớp song ngữ tại 71 trường, với khoảng 14.000 học sinh. Các lớp được tài trợ các thiết bị nghe nhìn hiện đại để học tiếng Pháp.

Trong hai nhiệm kỳ kéo dài 12 năm, tổng thống Jacques Chirac hai lần đến thăm Việt Nam. Lần thứ hai diễn ra vào năm 2004 trước khi ông tham dự Đối thoại Á-Âu lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội (ASEM, 07-09/10/2004). Ông Chirac luôn tin rằng « Pháp và Việt Nam, vì biết đối thoại và hiểu nhau để vượt qua gánh nặng quá khứ, nên có tính chính đáng để gửi đến thế giới thông điệp hòa bình và bác ái » (2). Trước đó, trong chuyến thăm Pháp của chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương (28-31/10/2002), lãnh đạo hai nước nhất trí kỉ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Trong giai đoạn này, Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường hợp quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc niên khóa 2008-2009. Pháp trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá trao đổi thương mại hai chiều là 1,7 tỉ đô la vào năm 2003.

Văn hóa : Trục thứ ba trong hợp tác song phương

Nổi tiếng là người thân thiện, gần gũi, là vị tổng thống được người dân Pháp yêu quý nhất, ông Jacques Chirac còn được biết là người đam mê những nền văn hóa nguyên thủy. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, dự án được thông qua ngày 14/12/1987, đã được phó chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Bình và tổng thống Pháp Chirac cắt băng khánh thành ngày 12/11/1997 nhân dịp hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội. Kiến trúc sư người Pháp Véronique Dollfus tham gia thiết kế phần nội thất.

Là người phiên dịch cho tổng thống Pháp nhân sự kiện này, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Trung nhớ lại phát biểu của ông Chirac :

« Trong bài phát biểu của mình, ông nói về nhiều thứ, nhưng ông nhấn mạnh đến văn hóa, cốt cách văn hóa là tinh hoa của một dân tộc. Và ông nói một dân tộc có 54 dân tộc như đất nước Việt Nam mà có được một bảo tàng ghi lại nền văn hóa của từng ấy dân tộc là một điểm sáng, một viên kim cương lưu giữ lại được của văn hóa dân tộc Việt Nam. Cho nên, từ điểm đó, ông đúc kết rằng văn hóa là nền tảng, là cốt cách của một dân tộc và mỗi dân tộc phải nên giữ lại cốt cách đó. Yếu tố văn hóa, vai trò của văn hóa rất là quan trọng ! »

Phải chăng bảo tàng Dân tộc học Việt Nam góp phần tạo nguồn cảm hứng cho tổng thống Chirac thành lập bảo tàng Quai Branly, được khánh thành năm 2006, dành riêng cho nghệ thuật và các nền văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ ? Mang tên bảo tàng Quai Branly, nằm ngay cạnh tháp Eiffel, đến năm 2016, bảo tàng mang tên người sáng lập, Musée du Quai Branly - Jacques Chirac. Và đây cũng là lần cuối, cựu tổng thống Pháp xuất hiện trước truyền thông.

Cũng trong nhiệm kỳ của tổng thống Chirac, Pháp và Việt Nam gia tăng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, như tổ chức triển lãm di sản văn hóa Chàm tại Paris năm 2005. Một ví dụ điển hình là Festival Huế, lần đầu tiên được chính phủ Việt Nam chính thức cho phép tổ chức vào năm 2000.

Thực ra, trước đó, cả phái đoàn Việt Nam tại UNESCO , cộng đồng Pháp ngữ và Pháp đã nỗ lực để có thể hình thành một đề án về Huế với tên gọi « Huế, toujours recommencé ». Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Lân Trung nhớ lại :

« Huế ngay từ những năm đó đã được phía Pháp và cộng đồng Pháp ngữ nhìn nhận là một di sản rất lớn. Phát huy di sản đó, chúng tôi đã cố gắng làm được những sự kiện về Huế và sau này, Festival Huế là tiếp nối được tư tưởng từ đề án của UNESCO về “Huế, toujours recommencé”. Phải nói rằng tổng thống Jacques Chirac rất là thích thú với đề án này, rất quan tâm và với uy tín của mình, ông đã thúc đẩy.

Để xây dựng một Festival Huế không đơn giản chút nào, làm sao phải có một điều gì đó rất đặc trưng của một nước Đông Nam Á, của một nước có nền văn hóa như thế, của một cố đô như thế mà lại mở rộng hơn, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở trong khu vực và quốc tế. Tổng thống Jacques Chirac đã quan tâm và đã có quyết định cùng với chính phủ Việt Nam để xây dựng những chương trình của Festival.

Tôi cho rằng Festival Huế, mỗi lần, đã để lại tình cảm rất sâu đậm cho người Việt Nam, và đặc biệt đó cũng là một trong những cầu nối, một trong những yếu tố văn hóa rất quan trọng đã gắn kết lịch sử phải nói là lâu đời giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam. Festival  Huế phát huy được truyền thống lâu đời đó trong xã hội hiện đại, trong bối cảnh mới của hai nước Pháp-Việt ».

Trong bài diễn văn tại tiệc chiêu đãi năm 2004 do chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương tổ chức, tổng thống Chirac phát biểu : « Nếu như Việt Nam và Pháp duy trì được mối quan hệ đặc biệt đến như vậy, đó là nhờ vào di sản của Lịch sử, thêm vào đó là những hy vọng cho tương lai và tấm lòng. Nhờ đó mà niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau được tôi luyện. Tin vào đất nước Việt Nam, vào sự năng động và tuổi trẻ Việt Nam ; tôn trọng những khác biệt của chúng ta làm chúng ta gần nhau, cũng như làm chúng ta coi trọng nhau ».

*****

(1) Pascal Bergeret, Paysans, Etat et marchés au Vietnam: dix ans de coopération agricole dans le bassin du Fleuve Rouge (Nông dân, Nhà nước và thị trường ở Việt Nam : 10 năm hợp tác nông nghiệp trong lưu vực sông Hồng), NXB Karthala (01/11/2003), 291 trang.

(2) Bài phát biểu của tổng thống Pháp Jacques Chirac tại tiệc chiêu đãi do chủ tịch nước CHXH Việt Nam tổ chức ngày 06/10/2004.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.