Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Việt Nam, một trong số đối tác quan trọng nhất của Đại học Aix-Marseille

Đăng ngày:

Việt Nam là một trong ba đối tác châu Á quan trọng nhất của trường đại học Aix-Marseille (Aix-Marseille Université, AMU), được xếp hạng top 4 các trường tốt nhất tại Pháp và thứ 112 trong bảng xếp hạng Thượng Hải. Được chính thức thành lập năm 2012 sau khi sáp nhập ba trường trước đó, đại học Aix-Marseille có số lượng sinh viên đông đảo, hơn 75.000 người, trong đó có khoảng 10.000 sinh viên quốc tế.

Áp phích triển lãm "Đông Dương và biển, 1858-1954" tháng 09-11/2018 do Viện IrAsia và ANOM đồng tổ chức, Aix-en-Provence, Pháp.
Áp phích triển lãm "Đông Dương và biển, 1858-1954" tháng 09-11/2018 do Viện IrAsia và ANOM đồng tổ chức, Aix-en-Provence, Pháp. IrAsia
Quảng cáo

Aix-Marseille Université là đại học Pháp ngữ lớn nhất và luôn chú trọng đến chính sách sách tiếp đón sinh viên nước ngoài « Bienvenue en France ». Có thể nói, Aix-Marseille Université phát triển một chính sách hợp tác quốc tế đầy tham vọng, tập trung vào đào tạo, sáng tạo, nghiên cứu và tỏa sáng danh tiếng của trường.

Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Sylvie Daviet, phó chủ tịch đại học Aix-Marseille, phụ trách quan hệ đối ngoại, cho biết :

« Đại học Aix-Marseille có mạng lưới đối tác trên toàn thế giới. Chúng tôi đã cố gắng phân tích các thỏa thuận đã ký kết để chú trọng vào một số đối tác ưu tiên. Đại học Aix-Marseille có đến 350 thỏa thuận hợp tác và đối với chúng tôi, xác định một số đối tác ưu tiên là điều quan trọng để chúng tôi có thể đưa ra một số phương tiện đối với họ. Vì phải nói rằng trong số 350 thỏa thuận, chúng tôi không thể tài trợ cùng mức ngân sách cho tất cả các trường. Việt Nam nằm trong số những nước được ưu tiên về hợp tác quốc tế của trường AMU và trong khu vực châu Á ».

Chỉ tính riêng năm 2018, trường có 15 chương trình Erasmus+ Trao đổi Quốc tế theo tín chỉ (Mobilité internationale de crédits, MIC), do Liên Hiệp Châu Âu đồng tài trợ, với tổng chi phí lên đến hơn 68 triệu euro. Ông Michel Dolinsky, trưởng khoa Trung Quốc, kiêm cố vấn về châu Á cho chủ tịch đại học Aix-Marseille, giải thích thêm :

« Ở châu Á, chúng tôi có ba đối tác ưu tiên. Đó là những nước mà chúng tôi đã có quan hệ hợp tác từ khá lâu và chúng tôi tiếp tục muốn phát triển thông qua kế hoạch MIC. Ngoài ra, trường chúng tôi còn có chương trình học bổng riêng, với ngân sách khoảng 1 triệu euro/năm, dành cho giáo viên và sinh viên sang giảng dạy ở các trường đối tác. Đây là khoản ngân sách đáng kể, được chia thành hai đợt, theo hai học kỳ. Các đối tác ưu tiên của đại học Aix-Marseille là những trường mà chúng tôi sẽ huy động các loại học bổng trên.

Trong số các đối tác ưu tiên châu Á, chúng tôi có quan hệ rất chặt chẽ, lâu năm với Việt Nam trên các lĩnh vực đào tạo khác nhau của trường, như Khoa học, Luật, Y, Dược, Quản lý… Chúng tôi chú ý tăng cường giúp đỡ thông qua các chương trình học bổng « vào », có nghĩa đón sinh viên từ Việt Nam sang, và « ra », sinh viên và giảng viên của đại học Aix-Marseille sang Việt Nam. Đối tác châu Á ưu tiên thứ hai hiện nay là Trung Quốc và nước thứ ba là Nhật Bản ».

Gần 200 du học sinh Việt Nam học tại AMU

Chuyến công tác Việt Nam vào tháng 01/2018 của đoàn giáo sư trường Aix-Marseille đã thắt chặt thêm quan hệ hợp tác toàn diện và lâu dài với các đối tác ở Việt Nam, ví dụ một thỏa thuận về đào tạo và nâng cao chuyên môn của lưu trữ viên được ký với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vào tháng 07/2017, cùng với Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM) trong việc triển khai Dự án Trung tâm Tư liệu nghiên cứu Việt Nam học tại ĐHQGHN.

Phó chủ tịch đại học Aix-Marseille Sylvie Daviet cho biết thêm về những đối tác Việt Nam của trường :

« Ở thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đào tạo Quản lý Pháp-Việt hợp tác với trường Quản lý của chúng tôi. ở Hà Nội, trường Đại học Quốc gia là đối tác của chúng tôi, đặc biệt là trường Khoa học Xã hội-Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia hợp tác với Khoa Lịch sử của Aix-Marseille đào tạo cấp bằng về ngành Lưu trữ.

Trong số những cơ sở hợp tác với đại học Aix-Marseille còn có trường đại học Y Hà Nội, trường đại học Bách khoa (Politech) của Aix-Marseille hợp tác với đại học Bách khoa Hà Nội và đại học Bách khoa Đà Nẵng. Năm 2018 đã có rất nhiều trao đổi hiệu quả giữa hai bên. Chúng tôi rất hài lòng về kết quả hợp tác khoa học, công nghệ với Đà Nẵng ».

Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên, đại học Aix-Marseille nhận được một khoản ngân sách từ chương trình Erasmus+ của Liên Hiệp Châu Âu để tài trợ dự án trao đổi nghiên cứu sinh và giảng viên trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến 185 du học sinh Việt Nam theo diện tự túc trong giai đoạn 2016-2018, tập trung chủ yếu vào hai ngành Khoa học và Quản lý Kinh tế.

Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam

Bà Nguyễn Phương Ngọc, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (IrAsia), cho biết các lớp tiếng Việt được tổ chức từ năm 2000 tại đại học Aix-Marseille. Đến năm 2018 có thêm các lớp dạy về văn hóa Việt Nam. Hiện có khoảng 40 sinh viên theo học tiếng Việt ở ba cấp độ từ đại học đến nghiên cứu tiến sĩ.

« Ở đại học Aix-Marseille có truyền thống lâu đời là nghiên cứu về Việt Nam và về Đông Dương nói chung. Viện Nghiên cứu châu Á (IrAsia), ngay từ ngày đầu thành lập, tức là tính đến nay đã hơn 20 năm, có một nhóm nghiên cứu khá mạnh về Việt Nam.

Một trong những thành viên sáng lập của Viện, lúc đó là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Irsea), là giáo sư Trịnh Văn Thảo. Cách đây mấy năm, giáo sư được trao giải thưởng Phan Chu Chinh và ông là một nhà khoa học có tiếng ở Pháp, cũng như trên thế giới và Việt Nam. Vì vậy, trong các hoạt động của viện IrAsia, nghiên cứu khoa học về Việt Nam và tổ chức hội thảo, cũng là một trong những hoạt động chủ yếu ».

Tổ chức hội thảo, sự kiện về Việt Nam và Đông Dương

Một lợi thế của đại học Aix-Marseille là nằm ngay cạnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp (ANOM), nơi lưu trữ tài liệu về Đông Dương thời thuộc Pháp. Vì vậy, Viện IrAsia thường xuyên kết hợp với ANOM để tổ chức hợp tác với Việt Nam cũng như các hội thảo liên quan đến Đông Dương và Việt Nam. Bà Olivia Pelletier, phụ trách fonds Đông Dương ở ANOM cho biết :

« Đại học Aix-Marseille thường xuyên đề xuất ANOM tham gia các cuộc hội thảo, seminar hoặc là ngày nghiên cứu về nhiều chủ đề khác nhau. Mới đây, ANOM cũng đón một buổi seminar trong khuôn khổ hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) và đại học Aix-Marseille về vấn đề di cư trong đế quốc thực dân Pháp, từ các vùng đất ở châu Á-Thái Bình Dương sang Pháp lục địa. CNRS và IrAsia cũng đề nghị ANOM tham gia vào hội thảo được tổ chức trong hai ngày 24-25/10/2019, về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực lưu trữ liên quan đến Đông Dương ».

Hội thảo mang tên « Ký ức và Tài liệu lưu trữ » được Viện Nghiên cứu châu Á đồng tổ chức với trường Khoa học Xã hội-Nhân văn (ĐHQGHN) và trường đại học Texas.

Trước đó, ngày 26/04/2019, Viện IrAsia tổ chức hội thảo « Người châu Á và người ở vùng Provence » (Asiatiques et Provençaux : Regards croisés). Theo bà Nguyễn Phương Ngọc, hội thảo này là bước chuẩn bị cho một hội thảo có tầm cỡ hơn, dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11/2020 cũng về vấn đề người châu Á ở vùng miền nam nước Pháp. Đây sẽ là hội thảo quốc tế với sự tham gia của rất nhiều học giả, không chỉ nghiên cứu về Việt Nam mà còn về các nước châu Á nói chung.

Năm 2018, ANOM và IrAsia tổ chức một cuộc triển lãm ấn tượng về « Đông Dương và biển » (L’Indochine et la mer, 1858-1954). Bà Olivia Pelletier cho biết :

« Vào tháng 09/2018, một triển lãm về chủ đề « Đông Dương và biển » đã được tổ chức tại ANOM trong vòng hai tháng (14/09 đến 14/11/2018), cùng với sự hợp tác của lưu trữ Vincennes và Viện IrAsia. Triển lãm gồm những tấm bảng mang tính chuyên môn về lịch sử hải dương của Việt Nam, Cam Bốt, bên cạnh những tủ kính trưng bày tài liệu được lưu ở ANOM về chủ đề trên.

Khách tham quan là dân vùng Aix-en-Provence, độc giả của ANOM… Chúng tôi hài lòng về triển lãm đó. Ngoài ra, còn có một danh mục nhỏ về triển lãm « Đông Dương và biển » sắp được tải lên website của ANOM ».

Với thế mạnh gần 30 năm nghiên cứu về Việt Nam, cùng lợi thế nằm sát Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, đại học Aix-Marseille sẽ còn tiếp tục thúc đẩy chương trình hợp tác với các đối tác Việt Nam. Ngoài ra, nhờ tài trợ của dự án Erasmus+, cũng như ngân sách hợp tác riêng của trường, trong tương lai có thể sẽ còn có nhiều chương trình hội thảo khác, cũng như việc nhiều nghiên cứu sinh và giảng viên của cả hai bên được hưởng học bổng trao đổi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.