Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam cần ngày càng nhiều than để sản xuất điện

Đăng ngày:

Việt Nam đang phải nhập thêm nhiều than cho các nhà máy nhiệt điện trước nguy cơ sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong những năm tới, vì nhu cầu về điện tăng nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không thể một sớm một chiều từ bỏ hay hạn chế sử dụng than cho nhiệt điện.

Ảnh minh họa: Một nhà máy điện chạy than tại Cộng hòa Séc. Ảnh chụp ngày 09/02/2019.
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện chạy than tại Cộng hòa Séc. Ảnh chụp ngày 09/02/2019. Reuters
Quảng cáo

Vấn đề là các nhà máy điện than phải sử dụng những công nghệ tiên tiến để hạn chế tác hại đến khí hậu, môi trường và sức khỏe của người dân. Đó là ý kiến của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 13/08/2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu của năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 17,34 triệu tấn than đá, trị giá khoảng hơn 2 tỷ đôla, tăng gần 49 % về lượng và tăng khoảng hơn 71% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo số liệu này, Úc, Trung Quốc và Indonesia là ba thị trường cung cấp than đá nhiều nhất cho Việt Nam. Nhưng nay, Việt Nam cũng đang xem xét khả năng nhập than từ thị trường Hoa Kỳ.

Theo tin từ báo chí trong nước, vào đầu tháng 8, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa thảo luận với Tập đoàn Xcoal (Mỹ) về khả năng nhập khẩu than trực tiếp từ Hoa Kỳ về Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội cũng muốn tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giúp thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế hàng đầu thế giới và như vậy tránh bị chính quyền Trump áp thuế lên hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Thật ra, Việt Nam buộc phải tìm thêm nguồn cung cấp than đá để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Theo dự báo của bộ Công Thương, than đá sẽ chiếm khoảng 42,6% công suất nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030, tăng so với mức 38,1% ở thời điểm hiện tại. Cũng theo dự báo của bộ Công Thương, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2021, vì tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Như vậy, Việt nam sẽ phải nhập khẩu 680 triệu tấn than để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016 - 2030.

Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, do đ ã bỏ dự án nhà máy hạt nhân, và cũng do không thể nhanh chóng phát triển các loại năng lượng tái tạo ( Mặt trời, gió… ), nên Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc gia tăng sử dụng than:

“ Trước đây, theo Quy hoạch điện 7, Việt Nam tính đủ các nguồn cung cho phát triển kinh tế cho đến năm 2020 và bây giờ tính tiếp Quy hoạch 8 cho đến năm 2030. Thế nhưng, trong quy hoạch đó thì trước đây có chủ trương hẳn hoi về làm điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân có công suất rất lớn. Cho nên nếu làm vài nhà máy hạt nhân trước năm 2030 theo như quy hoạch cũ, thì rõ ràng là ta sẽ không thiếu nguồn điện sử dụng, đến mức phải dùng than đá.

Nhưng bây giờ quy hoạch đó đã bỏ điện hạt nhân rồi, tức làm một mãng lớn không còn nữa, trong khi thủy điện của ta thì thực chất đã khai thác gần hết. Trong những năm gần đây có phát triển thêm thủy điện nhỏ, nhưng cũng không đáng kể. Nhưng dù sau thủy điện vẫn là nguồn phát điện chính ở Việt Nam hiện nay.

Một nguồn phát điện nữa là dầu và nhất là khí đốt, thì phụ thuộc vào việc khai thác dầu khí ở ngoài khơi, mà tình hình hiện nay, với sự quấy phá của Trung Quốc như thế, thì việc khai thác rất là bấp bênh, không thể được coi như là một nguồn chủ lực như đối với một số nước khác. Nhiều người cũng nói đến năng lượng tái tạo, nhưng cũng không dễ gì phát triển. Vậy thì còn cách gì khác ngoài sử dụng than?”

Vấn đề là tại hội nghị về khí hậu ở Paris năm 2015, chính phủ Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính từ đây đến năm 2030, trong khi đó việc gia tăng sử dụng than đá cho nhà máy nhiệt điện sẽ kéo theo việc gia tăng lượng khí CO2 và khiến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn càng nặng nề.

Giáo sư Phạm Duy Hiển giải thích cụ thể hơn về tác hại của các nhà máy nhiệt điện đối với khí hậu và môi trường không khí:

“ Thứ nhất, đó là một nguồn phát ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tương đối nặng nề. Đấy là một nhược điểm lớn. Nhiều nước trên thế giới đang muốn từ bỏ điện than vì lý do đã cam kết giảm khí thải CO2.%

Tại hội nghị COP 21 ở Paris, Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng khí phát thải CO2. Nếu như được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế hay các nước phát triển, thì Việt Nam sẽ phát triển các năng lượng tái tạo nhanh và do đó cam kết sẽ giảm đến 20%.

Đấy là những cam kết mà bây giờ rất khó thực hiện, bởi vì lúc đưa ra những cam kết thì ( trong quy hoạch ) còn điện hạt nhân. Nếu có điện hạt nhân thì cam kết như thế là tương đối dễ, bởi vì điện hạt nhân không phát ra CO2. Bây giờ là rất khó, vì bỏ điện than không phải là đơn giản.

Một lý do chính khác mà nhiều người phản đối và nay cũng đang gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất, đó là các nhà máy điện chạy than gây ra ô nhiễm môi trường khí, vì phát ra các bụi, các khí độc như SO2, Nox. Ngoài ra còn có nhiều tạp chất độc hại trong than phát ra ngoài như thủy ngân…

Cho nên, ô nhiễm môi trường do các nhà máy điện chạy than ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta phản đối điện than mạnh nhất là ở chổ đó. Như trường hợp của Trung Quốc chẳng hạn. Đúng là các nhà máy điện than của Trung Quốc đã gây ô nhiễm môi trường khí rất nặng nề tại rất nhiều vùng của nước này, thậm chí gần như toàn bộ, nhất là về mùa đông. Ở Việt Nam, kịch bản cũng gần giống như thế.

Có điều là có những phát biểu trên báo chí rằng điện than ở Việt Nam giết chết hàng năm 4.300 người. Các chuyên gia của EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ), các chuyên gia về ngành điện, ngành năng lượng đã bức xúc phản đối ( phát biểu đó ). Với tư cách chuyên gia nghiên cứu môi trường từ nhiều năm nay, tôi thấy là không nên phát biểu như thế, vì nó không dựa trên một cơ sở khoa học nào, mặc dù có trích các chuyên gia của Havard nói chung cho cả vùng Đông Nam Á.”

Tuy nhiên, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, có thể giảm thiểu những tác hại đến khí hậu và môi trường bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than:

“ Hiện nay, các công nghệ điện than đã phát triển rất mạnh để vừa nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện than, đồng thời giảm bớt các ô nhiễm đấy. Do đó, dùng điện than là phải dùng các công nghệ tương đối hiện đại để giải quyết cả hai bài toán, từ khí CO2, cho đến các khí gây ô nhiễm, cho đến nâng cao hiệu suất.

Hiện nay, ở Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy Vĩnh Tân 4, công suất 600 megawatt, lần đầu tiên sử dụng công nghệ tương đối là hiện đại, đó là công nghệ hơi nước siêu bảo hòa, nâng hiệu quả của sản xuất điện than, đồng thời giảm bớt các khí phát thải.

Ngoài ra, ta bắt buộc phải đầu tư vào các hệ thống làm giảm bớt bụi, hút bụi, làm sạch khí CO2, khí NOx. Làm như thế thì sẽ nâng giá thành đầu tư của nhà máy điện than lên cao, ví dụ từ mức trung bình là 1.000 đôla/kw công suất chạy điện than tốt, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, thì phải tăng thêm vài trăm đôla nữa. Nhưng như thế thì nó gặp vấn đề là giá thành điện năng, ảnh hưởng đến giá bán điện. Giá bán điện hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu này."

Cái nan giải đối với chính phủ Việt Nam hiện nay chính là ở chổ đó. Muốn có thêm vốn đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than thì phải tăng giá điện bán ra. Nhưng tăng giá điện thì dân chúng sẽ bất bình phản đối vì vật giá hiện đã quá cao rồi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.