Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Luật dẫn độ Việt – Trung: ‘‘Tị nạn chính trị’’, điều đáng lo trước tiên

Ngày 26/08/2019, hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, cơ quan đứng đầu lập pháp Trung Quốc, thông qua một dự luật về dẫn độ với Việt Nam. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.

Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul yêu cầu Bắc Kinh không trả về Bắc Triều Tiên 7 người tị nạn, Seoul, le 27/03/2012.
Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul yêu cầu Bắc Kinh không trả về Bắc Triều Tiên 7 người tị nạn, Seoul, le 27/03/2012. REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc gây nhiều lo ngại trong công luận. RFI đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (TP Hồ Chí Minh), ít ngày sau khi có tin phía Trung Quốc thông qua Hiệp định này.

Theo Luật sư Mạnh, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người « tị nạn chính trị », chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc. Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam « khước từ một phần chủ quyền quốc gia », khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một điều căn bản khiến « luật dẫn độ » ở Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ Luật Hình sự « hết sức khe khắt » của Việt Nam (và Trung Quốc) khiến cho hiệp ước dẫn độ càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ Luật Hình Sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.

06:24

Luật sư Đặng Đình Mạnh (Sài Gòn)

***

RFI : Xin Luật sư cho biết sơ bộ về thông tin này.

LS Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là một luật sư, tôi quan tâm đến các vấn đề luật pháp, chính trị xã hội ở nước nhà, khi đọc tin này, tôi hết sức là bất ngờ. Tại vì hầu như là trong nước, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến Việt Nam và Trung Quốc từng ký một hiệp ước về vấn đề dẫn độ. Vậy thì cái văn bản đó như thế nào ? Nội dung thế nào ? Ký vào thời điểm nào ? Đến bây giờ mới biết hóa ra có một văn bản như vậy và Quốc Hội bên phía Trung Quốc họ đã thông qua.

Tình hình một điều ước mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý (đối với Việt Nam) mà chúng tôi là người làm công tác pháp luật trong nước, mà không hề biết, không hề được thông tin, thì đây là một điều hết sức đáng nói.

RFI : Luật sư nhận định ra sao về sự im lặng của phía chính quyền Việt Nam ?

LS Đặng Đình Mạnh : Tôi cho rằng luật về dẫn độ đối với các quốc gia là điều bình thường, thế nhưng một luật dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chính trị hiện nay nói chung là khá tế nhị, trong đó có các tác động của câu chuyện Hồng Kông , nhất là khi người Hồng Kông vừa có các cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài, chưa từng có tại vùng lãnh thổ Hồng Kông. Cũng liên quan đến luật về dẫn độ.

Tôi nghĩ là do tác động về chính trị nên phía Việt Nam đã có một sự dè dặt nhất định trong việc công bố thông tin về hiệp ước ký với Trung Quốc. Tôi tin là như vậy.

RFI : Luật dẫn độ giữa các quốc gia, nếu thực thi theo đúng luật pháp quốc tế, là một bước tiến. Như vậy trong trường hợp của Việt Nam, điều gì khiến trong dư luận có nhiều lo ngại ?

LS Đặng Đình Mạnh : Theo tôi, vấn đề lo ngại là chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, chuyện này không đáng lo. Lý do là thế này : Để thực hiện quyền tài phán của mình, quốc gia mà không có điều kiện thực hiện, họ phải đặt ra vấn đề dẫn độ. Và thường là, đối với những người mà có yêu cầu dẫn độ, thì thường là đã có hành vi vi phạm pháp luật tại Trung Quốc. Thế thì vấn đề này không phải là điều đáng lo đối với người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước.

Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý khác, mà đáng lo, thường là liên quan đến vấn đề chính trị. Ví dụ như đàn áp về dân tộc, về tôn giáo… Mà theo tiêu chuẩn chung của thế giới, người ta không cho đó là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.

Vì Trung Quốc là nước quá khắt khe đối với các vấn đề đó, nên những người (Trung Quốc) khi bị áp bức như vậy họ có thể chạy sang nước khác, để lẩn tránh. Mà chúng ta gọi là « tị nạn chính trị ». Thế thì trong vấn đề tị nạn chính trị, chính quyền Trung Quốc có thể áp dụng luật dẫn độ này, mà Việt Nam đáp ứng, thì rõ ràng sẽ vi phạm quy định về nhân quyền của quốc tế. Lẽ ra là Việt Nam phải che chở những người này, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền, cụ thể nhất là vấn đề tị nạn chính trị. Nếu lo thì chỉ nằm trong phạm vi đó mà thôi.

RFI : Thế còn một lo ngại khác, liên quan đến việc người Trung Quốc phạm luật hình sự Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng, với luật dẫn độ này, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng không xét xử những người Trung Quốc phạm tội trên đất mình. Như vậy luật dẫn độ có thể khiến số vụ phạm tội hình sự của người Trung Quốc trên đất Việt Nam gia tăng.

LS Đặng Đình Mạnh : Điều đó có thể cũng đáng lo ngại. Nhưng sự lo ngại là không cần thiết. Bởi vì thật ra, dù có lo ngại hay không, thì điều đó đã từng xảy ra rồi, ngay cả trước khi chúng ta có thông tin về việc Quốc Hội Trung Quốc thông qua điều ước dẫn độ (với Việt Nam). Tức là, trong khi chưa có luật này, Việt Nam đã rất « hào phóng » thả những công dân Trung Quốc, khi họ vi phạm pháp luật Việt Nam, lại thả về Trung Quốc.

Chúng ta không thể biết được những người này khi trở về Trung Quốc có bị xét xử hay không. Ví dụ như trường hợp khoảng 300 người Trung Quốc bị bắt, vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở một tỉnh phía bắc. Diễn biến sau đó, chúng ta hoàn toàn không biết. Cái việc đó gọi là « dẫn độ », theo tôi, là không chính xác.

Hành vi của họ là vi phạm pháp luật, theo luật pháp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Và nếu như vậy, quyền tài phán thuộc về Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền xét xử những người này, để tuyên xử, chế tài họ. Chúng tôi đã từng có ý kiến : Chúng tôi rất bức xúc là không biết tại sao chúng ta lại đi khước từ cái quyền tài phán của mình, trong khi cái quyền tài phán đó là một trong các phần quyền thể hiện chủ quyền quốc gia.

Việc chúng ta thả tội phạm về chính quốc của họ rõ ràng là như vậy chúng ta đang khước từ một phần của chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

RFI : Trở lại với vấn đề trung tâm của luật dẫn độ này, thưa luật sư, như thế nào thì một luật về dẫn độ đi đúng theo các công ước quốc tế, bảo vệ nhân quyền, và như thế nào thì luật dẫn độ đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý này?

LS Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là những người làm công tác pháp luật, chúng tôi rất tán thành nên có những hiệp định về dẫn độ. Điều này hết sức tốt, phù hợp với các hoạt động về tư pháp, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng tôi e rằng có những hiệp định dẫn độ đi ngược lại với sự tiến bộ chung.

Thực ra vấn đề không phải nằm ở việc dẫn độ, đến hiệp định dẫn độ, mà liên quan đến luật hình sự của một quốc gia. Do Bộ Luật Hình Sự, của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, có những điểm tương đồng. Đó là hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền tham gia vào các hoạt động củng cố chính quyền (của mỗi công dân). Do chính quyền có cái nhìn hết sức khe khắt, ảnh hưởng đến việc thực thi điều ước dẫn độ, khiến điều ước về dẫn độ bị lạm dụng để đi đến chỗ bảo vệ chính quyền hơn là bảo vệ người dân. Như vậy đó là thêm một biện pháp của chính quyền làm tăng ảnh hưởng, tính hà khắc của đạo luật hình sự.

Với tư cách là luật sư, chúng tôi rất mong muốn được thấy hình hài thực sự của điều ước về dẫn độ Việt Nam và Trung Quốc, bằng giấy trắng mực đen, để xem nội dung cụ thể là về vấn đề gì.

RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.