Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bạo hành gia đình tại Việt Nam: Còn ít người dám tố cáo

Đăng ngày:

Nạn bạo hành gia đình là một vấn đề xã hội của cả thế giới, ngay cả tại một quốc gia văn minh như Pháp, nhiều phụ nữ cũng là nạn nhân, thậm chí tử vong do bạo hành gia đình.

Tại Pháp, cứ ba ngày lại có một phụ nữ qua đời do bạo hành của chồng hoặc chồng cũ.
Tại Pháp, cứ ba ngày lại có một phụ nữ qua đời do bạo hành của chồng hoặc chồng cũ. Martin BUREAU / AFP
Quảng cáo

Theo thống kê, mỗi năm, tại Pháp, có ít nhất 219 ngàn phụ nữ là nạn nhân bạo hành thân thể hoặc bạo hành tình dục. Chỉ tính từ tháng Giêng năm 2019, đã có 100 người bị chồng hoặc chồng cũ giết chết, riêng trong tháng 8 vừa qua đã có 15 người bị giết.

Hôm nay, 03/09/2019, tại Pháp, chính phủ khai mạc một hội nghị về chống bạo hành gia đình. Hội nghị sẽ kéo dài đến 25/11, tức là Ngày quốc tế loại trừ bạo lực đối với phụ nữ. Trong suốt hơn 3 tháng, tại Paris và các tỉnh, đại diện của nhà nước, các hiệp hội, các nhân viên y tế, các dân biểu địa phương, các thẩm phán, luật sư, thân nhân của các nạn nhân sẽ trao đổi với nhau về những phương tiện để hỗ trợ các phụ nữ nạn nhân của bạo hành gia đình.

Đúng vào ngày khai mạc hội nghị nói trên, chính phủ Pháp cũng phát động một chiến dịch truyền thông để công chúng biết nhiều hơn về số điện thoại 3919, tức là số điện thoại toàn quốc, nặc danh và miễn phí dành cho những phụ nữ nạn nhân cũng như các nhân chứng những vụ bạo hành gia đình. Nhân đây, hôm nay, toàn bộ đài RFI dành một chương trình đặc biệt, như là một hình thức tham gia vào chiến dịch nói trên.

Riêng ban Việt ngữ xin được đề cập đến tình hình tại Việt Nam, với sự tham gia của bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).

Tại Việt Nam, tình trạng nam giới có hành động bạo lực với nữ giới, đặc biệt là chồng đối với vợ, vẫn còn rất phổ biến. Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, trong 10 năm qua, có đến một phần ba người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Ngày nay, nhờ có mạng xã hội mà tình trạng này lại còn được phơi bày rõ nét hơn. Gần đây nhất, ngày 27/08 vừa qua, trên mạng mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài hơn 2 phút do camera an ninh trong một gia đình tại Hà Nội ghi lại, cho thấy cảnh, một phụ nữ trẻ bế con nhỏ còn đỏ hỏn, liên tục bị người chồng, là một võ sư, cao to, tát, đấm đá và ném sỏi vào người, khiến người mẹ trẻ cùng em bé nhiều lần ngã xuống nền nhà, vậy mà người chồng không buông tha.

Đoạn video này đã gây phẫn nộ dư luận, thế nhưng sau đó, người vợ lại rút đơn tố cáo và xin hòa giải, cho nên công an địa phương đã tạm thả người chồng về, chờ xử lý sau. Không biết là nhà chức trách sẽ xử lý trường hợp này như thế nào, nhưng vụ việc nói trên phản ánh một tình trạng đó là tại Việt Nam, ít có nạn nhân nào dám đi đến cùng trong quá trình pháp lý, để cho pháp luật trừng trị nghiêm khắc những kẻ gây ra bạo hành trong gia đình.

Theo tin từ báo chí trong nước, tại phiên thảo luận hôm 09/08, do bộ Tư Pháp Việt Nam phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh điều then chốt để phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới là « phá vỡ văn hoá im lặng đang cản trở nữ giới và trẻ em gái trong việc tố cáo các trường hợp bạo lực ». Đại diện UNDP đề ng hị là khi nạn nhân tố cáo vụ việc với các cơ quan chức năng, « cần đảm bảo rằng họ nhận được sự bảo vệ cần thiết thông qua các biện pháp khắc phục hiệu quả”.

Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ đài RFI ngày 28/08, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, phụ nữ và vị thành niên ( CSAGA ), cũng ghi nhận là ở Việt Nam, còn ít phụ nữ dám lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực của người chồng :

« Việt Nam đã có luật phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007, có hiệu lực từ năm 2018. Đó là một bước tiến tương đối đáng kể. Khi chúng tôi bắt đầu công việc của mình từ đầu những năm 2000, hầu hết mọi người không hiểu bạo lực gia đình là gì. Nhưng bây giờ có thể đã khác rất nhiều, tức là mọi người nay đã hiểu bạo lực gia đình là như thế nào, biết rằng có bốn loại bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề đó là làm sao khích lệ nạn nhân nói lên tình trạng của mình. Điều này có liên quan đến rất nhiều thứ. Thứ nhất là quan niệm « xấu chàng hỗ ai », sợ rằng nếu nói ra thì dường như là gia đình mình có một vết nhơ. Thứ hai, người ta vẫn cho rằng người phụ nữ phải như thế nào, có một lỗi nào đó, thì mới bị đánh, cho nên người ta vẫn sợ chuyện bị chê cười. Mặt khác, các khuôn mẫu về giới vẫn cho rằng người phụ nữ phải nhín nhịn. Quan niệm đó đã hạn chế việc lên tiếng của những người trong cuộc. Thêm một điều nữa là họ nghĩ rằng bằng mọi giá họ phải giữ gia đình cho con cái của họ, giữ cái bộ mặt sĩ diện gia đình cho bố mẹ của họ nữa. Tất cả những điều đó ngăn cản người phụ nữ nói lên tình trạng bạo lực.

Theo luật thì khi bị bạo lực gia đình, họ có thể gọi cho cảnh sát. Trước đây thì có thể cảnh sát chưa hiểu vấn đề này, nhưng bây giờ bộ Công an cũng đã có một dự án, một chương trình về vấn đề này. Từ khi chưa ra trường, cảnh sát cũng đã được học cách giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, cách phỏng vấn nạn nhân, cũng như phỏng vấn người gây ra bạo lực. Các ban ngành khác như Hội Phụ nữ hay Hội Nông dân cũng có các chương trình riêng của họ.

Tuy nhiên, đó là những quy định mang tính pháp luật. Trên thực tế, bởi những lý do như tôi nói như tôi nói ở trên, câu chuyện nói ra vẫn rất hạn chế. Hơn nữa, nếu có người tìm đến những cơ quan đó, có thể họ chưa nhận được sự đáp ứng kịp thời, một cách có kỹ thuật, của những người từ những cơ quan mà tôi vừa nhắc đến. Nói chung, Việt Nam vẫn còn thiếu những kỹ năng, còn thiếu ý thức, và các định kiến còn tồn tại trong cả những cán bộ thực thi pháp luật. »

Một vấn đề được đặt đối với các nạn nhân bạo hành gia đình, đó là bảo vệ sự an toàn của nạn nhân dám lên tiếng tố cáo, đưa vụ việc ra pháp luật, bà Nguyễn Vân Anh cho biết :

« Ví dụ như cái sự nguy hiểm của người phụ nữ khi ra tòa trong các vụ ly hôn hoặc ra tòa về chính cái vấn đề bạo lực mà mình mắc phải, thì họ phải tự làm việc bảo vệ. Nếu nhà nào có đông người thì họ đỡ sợ hơn, còn nếu không, thì nhiều khi họ phải ra tòa trong nỗi sợ hãi, mặc dù trước đó họ đã bị bạo hành rất là nhiều.

Thời gian gần đây mạng xã hội cũng đã tham gia vào vấn đề này khá là mạnh mẽ và sự lên tiếng của mạng xã hội cũng có một ảnh hưởng nhất định đối với công chúng về tình trạng bạo lực đối phụ nữ và trẻ em.

Ở Việt Nam, cách đây khá lâu rồi cũng đã có một nhà tạm lánh của Hội Phụ nữ và bây giờ thì số nhà tạm lánh cũng tăng thêm, nhất là ở Cần Thơ, Quảng Ninh. Tuy nhiên, số lượng nhà tạm lánh như thế vẫn chưa đủ. Họ có thể tìm đến những nhà tạm lánh ấy, nhưng các biện pháp bảo vệ an toàn khác cho những người không tạm lánh thì vẫn chưa được tốt lắm. Tôi nghĩ là sắp tới đây Việt Nam phải lưu ý hơn những vấn đề này. »

Cũng theo lời bà Nguyễn Vân Anh, Việt Nam hiện giờ có Cục trợ giúp pháp lý, mà trong đó phần trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo. Xét về lý thuyết, thì đây là một hệ thống rất tốt, nhưng trong thực hành thì còn nhiều cái cần phải xem xét thêm.

Nhưng vấn đề khác cũng quan trọng không kém, đó là việc thi hành luật pháp đối với những kẻ có hành vi bạo lực gia đình. Tại phiên thảo luận hôm 09/08, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, bộ Tư Pháp, nhìn nhận là « thực thi pháp luật về xử lý phân biệt đối xử, bạo lực với phụ nữ, trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao. »

Bà Nguyễn Vân Anh chia sẽ ý kiến nói trên :

« Tôi nghĩ là có một khoảng cách khá là lớn giữa luật và việc thực thi. Đúng là đến bây giờ chỉ khi sự việc xảy ra và được trình báo thì công an mới có thể can thiệp. Về nguyên tắc là như vậy. Tuy nhiên, nếu như người trong cuộc nhận thức được và báo cho các bên khác, ở nước ngoài đó là những người làm công tác xã hội, còn ở Việt Nam là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổ Hòa giải. Nếu những cơ quan này làm đúng chức năng, thì họ đã có thể ngăn chận những vụ nặng hơn. Chứ còn bây giờ nạn nhân chỉ gọi cảnh sát một khi sự việc đã xảy ra rồi.

Đã có những bản án nghiêm khắc rồi, chứ không phải là không có. Nhưng có bao nhiêu phần trăm các vụ đưa ra tòa trong số các vụ được phát hiện được, đấy lại là chuyện khác. Việc tố cáo người chồng của mình là một khó khăn về tâm lý đối với người trong cuộc, thế rồi sau đó là tâm lý của cộng đồng, của họ hàng, của làng xóm, đều nghĩ rằng « thôi thì chín bỏ làm mười », « bỏ qua đi cho yên ấm, rồi về sống với nhau ». Cho nên, số vụ việc được phát hiện khá là nhiều, nhưng tỷ lệ các vụ được đưa ra tòa thì chưa tương xứng cần thiết.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam đã liên tục có các cuộc hội thảo ở cấp quốc gia, cũng như cấp địa phương, hoặc là theo ngành, về vấn đề này. Tôi nghĩ là Việt Nam đã có cơ hội học khá nhiều kinh nghiệm của các nước. Nhưng  thực hành thì vẫn còn là một vấn đề, phải thúc đẩy nhiều hơn nữa ý thức của tất cả những người thực thi pháp luật, cũng như của người dân, để họ hiểu được vấn nạn này. Luật phải được thực thi một cách nghiêm khắc, vì nó l iên quan đến sự hạnh phúc, sự an nguy của người dân, đến cảm giác được bảo vệ của mọi người trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.