Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - VIỆT - MỸ - TRUNG

Biển Đông : Chiến hạm Mỹ lại thách thức Trung Quốc ở Trường Sa

Một chiến hạm Mỹ ngày 28/08/2019 đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn ở Trường Sa, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang xung đột gay gắt về thương mại.

Khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Khu trục hạm USS Wayne E.Meyer của Mỹ trên Thái Bình Dương. vWikipedia
Quảng cáo

Trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters, khu trục hạm USS Wayne E.Meyer đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc cụm Nam Yết, và Đá Vành Khăn (Mischief Reefs) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.

Bà Mommsen cho biết hoạt động này nhằm « thách thức các yêu sách quá đáng trên biển, và bảo vệ tuyến đường hàng hải theo luật lệ quốc tế ».

Hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) lần này diễn ra một hôm sau khi Trung Quốc từ chối cho một chiến hạm Mỹ thăm Thanh Đảo (Qingdao), và năm ngày sau khi tổng thống Donald Trump tăng thuế hải quan lên toàn bộ 550 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Trước đó vào ngày 06/05, hai khu trục hạm tên lửa dẫn đường của Mỹ, Preble và Chung Hoon, đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Gaven (Gaven Reefs) thuộc cụm Nam Yết, và Đá Gạc Ma (Johnson Reefs) thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đây là các đảo đá ngầm bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988.

Quân đội Mỹ xưa nay vẫn chủ trương có quyền hoạt động trên toàn thế giới, kể cả những khu vực do các đồng minh yêu sách, tách biệt khỏi các quan điểm chính trị.

Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bên cạnh chiến tranh thương mại và vấn đề Đài Loan. Washington tố cáo Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển chiến lược này qua việc xây dựng các cơ sở phục vụ quân đội trên các đảo nhân tạo và rạn san hô.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.