Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Học bổng Erasmus tăng cường hợp tác Pháp-Việt tại đại học Aix-Marseille

Đăng ngày:

Thành phố Aix-en-Provence những ngày giữa tháng 05/2019 dường như vắng vẻ hơn một chút vì sinh viên đã gần như kết thúc năm học, trong khi mùa du lịch chưa tới. Jade Thau, nữ nghiên cứu sinh năm thứ nhất đại học Aix-Marseille, đến trường làm những thủ tục cuối cùng chuẩn bị cho chuyến du học tại đại học Khoa học Xã học Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội, vào cuối tháng 08/2019.

Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Phương Ngọc - giám đốc Viện IrAsia, bà Sylvie Daviet - phó chủ tịch đại học Aix-Marseille và ông Michel Dolinsky - trưởng khoa Trung Quốc.
Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Phương Ngọc - giám đốc Viện IrAsia, bà Sylvie Daviet - phó chủ tịch đại học Aix-Marseille và ông Michel Dolinsky - trưởng khoa Trung Quốc. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á ở trường Louvre và có bằng tiếng Việt của trường Inalco, Jade Thau là nghiên cứu sinh đầu tiên nhận được học bổng Erasmus sang Việt Nam tìm tài liệu cho luận án về « áp phích tuyên truyền của Việt Nam từ 1945 đến ngày nay ».

Jade Thau giải thích với RFI tiếng Việt về chương trình du học 5 tháng, cho đến cuối tháng 01/2020 :

« Trong thời gian lưu học ở Việt Nam, tôi sẽ có những buổi học về lịch sử và quan hệ quốc tế của Việt Nam. Phần lớn những buổi học của tôi sẽ bằng tiếng Việt, như vậy sẽ cho phép tôi trau dồi kiến thức về ngôn ngữ.

Tại đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, tôi cũng sẽ tham gia tổ chức một hội thảo diễn ra vào tháng 10/2019. Ngoài ra, tôi còn trợ giúp một giảng viên tiếng Pháp trong việc chuẩn bị kĩ năng tiếng cho một nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ theo học một học kỳ ở trường Aix-Marseille, ngay sau chuyến du học của tôi.

Ngoài ra, tôi sẽ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tìm tài liệu cho luận văn của mình. Thời gian nghiên cứu của tôi cũng được tính trong chương trình làm việc mà tôi thực hiện trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác này ».

Năm 2018, lần đầu tiên, đại học Aix-Marseille đã nhận được một khoản ngân sách từ chương trình Erasmus+ của Liên Hiệp Châu Âu (có tổng ngân sách lên đến 14,7 tỉ euro) để tài trợ dự án trao đổi sinh viên và giảng viên trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam, một trong các đối tác chiến lược của trường.

Để hiểu rõ hơn chương trình học bổng trao đổi Pháp-Việt, RFI tiếng Việt gặp bà Nguyễn Phương Ngọc, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (IrAsia), đại học Aix-Marseille, và là một trong số các nhà điều phối dự án :

« Học bổng của Erasmus đi sang Việt Nam nằm trong chương trình đặc biệt, gọi là MIC (Mobilités Internationales de Crédits, tạm dịch : Trao đổi quốc tế theo tín chỉ) năm 2018. Trong chương trình này, phía Việt Nam nhận được một số học bổng.

Điều kiện về phía sinh viên từ Pháp, tức là từ trường Aix-Marseille sang Việt Nam, thì phải đang làm nghiên cứu sinh, tức là đã đăng ký chính thức tại trường Aix- Marseille, làm nghiên cứu sinh từ năm thứ nhất đến năm cuối cùng và nghiên cứu về Việt Nam, hoặc ít nhất có liên quan tới Việt Nam.

Điều kiện cho sinh viên từ Việt Nam sang, tức là từ trường đại học Quốc gia, nhất là trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, phải là sinh viên đang học thạc sĩ, tức là đã đăng ký học thạc sĩ năm thứ nhất hoặc năm thứ hai của trường. Sinh viên phải dùng được tiếng Pháp và đang học trong một khoa có hợp tác với phía Pháp ».

Erasmus : Từ trao đổi nội bộ Liên Hiệp Châu Âu hướng ra thế giới

Erasmus là chương trình trao đổi sinh viên nổi tiếng của Liên Hiệp Châu Âu từ hơn 30 năm nay, có nghĩa là sinh viên một nước thành viên nhận được học bổng để sang theo học một kỳ hoặc một năm ở một nước thành viên khác. Trong giai đoạn 2014-2020, Erasmus mở rộng đối tượng được hưởng học bổng, từ sinh viên đến giảng viên, thực tập sinh và thanh niên có hoặc không có bằng cấp.

Ngoài ra, Erasmus còn mở rộng cả phạm vị địa lý, hợp tác với các đối tác không thuộc Liên Hiệp Châu Âu và nhằm vào ba loại dự án chính, được gọi là « hành động chủ đạo » : trao đổi học tập ; hợp tác vì sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm ; hỗ trợ cải cách chính trị.

Tiếp RFI tiếng Việt giữa hai buổi họp, bà Sylvie Daviet, phó chủ tịch trường đại học Aix-Marseille, phụ trách quan hệ đối ngoại, giải thích thêm về chương trình Erasmus :

« Chương trình này mang tên MIC và là một chương trình mang tính cạnh tranh, có nghĩa là có nhiều trường nộp hồ sơ ứng viên cho cùng một khoản ngân sách dành cho học bổng MIC này. Đại học Aix-Marseille đã gửi hồ sơ và đã nhận được một khoản ngân sách, trong đó có chương trình trao đổi với Việt Nam.

Ngân sách này cho phép trao một số học bổng trao đổi, phối hợp với thành phố Hà Nội, nơi tập trung nhiều đối tác của chúng tôi, đặc biệt là trường đại học Quốc Gia Hà Nội. Vì thế, tôi rất vui về chương trình hợp tác đã được hai trường đại học khởi động nhân chuyến công tác của trường Aix-Marseille ở Hà Nội vào tháng 01/2018. Tôi cũng rất mừng vì chúng tôi đã nhận được khoản ngân sách để tài trợ cho chương trình hợp tác mà chúng tôi đã khẳng định và cam kết nỗ lực hành động trong đợt công tác năm 2018.

Chương trình trao đổi được thực hiện theo hai chiều. Một mặt, chúng tôi đón sinh viên Việt Nam, đặc biệt là từ những trường đối tác của chúng tôi ở Hà Nội. Mặt khác, cũng có những giảng viên của trường Aix-Marseille sang Việt Nam để tham gia tổ chức « Trường học hè » cùng với đối tác Hà Nội ».

Erasmus khuyến khích trao đổi giảng viên đại học

Đây là trường hợp của giảng viên Cam Anh Tuấn, phó chủ nhiệm Khoa Lưu trữ, đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn, đại học Quốc gia Hà Nội và giảng viên Hye Gyeong De Crescenzon-Kim, trưởng khoa tiếng Hàn, Viện Nghiên cứu châu Á, đại học Aix-Marseille.

Từng là du học sinh tại đại học Aix-Marseille, giảng viên Cam Anh Tuấn giải thích là đã biết đến chương trình trao đổi Erasmus, nhưng khi đó chỉ dành cho sinh viên thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Trở về nước sau 4 năm du học, anh Cam Anh Tuấn nỗ lực thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hai trường. Kết quả là hai thỏa thuận hợp tác đã được ký kết vào năm 2014 và 2017, thông qua chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên :

« Học bổng Erasmus đến với tôi rất tình cờ bởi vì trường đại học Aix-Marseille, cụ thể là Viện Nghiên cứu châu Á, muốn có một nhân sự từ Việt Nam biết tiếng Pháp, đi sang để trao đổi, học tập các kinh nghiệm từ phía trường đại học Aix-Marseille.

Đợt thực tập của tôi kéo dài trong vòng một tuần, từ 06-13/03/2019. Đây là đợt thực tập mà tôi nghĩ là rất thú vị. Ví dụ tôi đã được tham gia tổ chức một chương trình ngoại khóa dành cho học sinh phổ thông và cha mẹ khi họ muốn tìm hiểu về trường đại học, giống như « chương trình hướng nghiệp ». Tôi đã tham gia chương trình hướng nghiệp mang tên « Làm việc với và ở châu Á » (Travailler avec et en Asie).

Đây cũng là chương trình mà trường Khoa học Xã hội Nhân văn, trường đại học Quốc Gia chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức. Nhưng cách thức tổ chức, rồi cách chuẩn bị từ phía trường đại học Aix-Marseille, có nhiều thứ mà tôi có thể học tập và tôi sẽ áp dụng trong trường đại học của tôi.

Điểm thứ hay là đợt này sang, tôi cũng có may mắn được tham gia tổ chức một hội thảo khoa học nhỏ do Viện Nghiên cứu châu Á đồng tổ chức liên quan đến người lao động châu Á trên các vùng thuộc địa của Pháp ở châu Á-Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ XX. Với cá nhân tôi, đây là một hoạt động rất sát thực vì tôi cũng đang phụ trách về vấn đề này ở Việt Nam ».

Hợp tác vì sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm là một trong ba « hành động chủ đạo » của chương trình trao đổi Erasmus. Sau giảng viên Cam Anh Tuấn, đến lượt giảng viên Hye Gyeong De Crescenzon-Kim, trưởng khoa tiếng Hàn, Viện Nghiên cứu châu Á (IrAsia), đại học Aix-Marseille, đã sang đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội.

RFI tiếng Việt đã không gặp được bà Hye Gyeong tại Aix-en-Provence vì lúc đó bà đang ở Việt Nam. Nhưng qua điện thoại, bà giải thích về chuyến công tác hai tuần ở Hà Nội :

« Tôi dạy tiếng Hàn và nói về văn học Hàn Quốc cũng như vấn đề dịch thuật và sự tiếp nhận tại Pháp. Ngoài lên lớp dạy tiếng Hàn, tôi còn thảo luận rất nhiều với các đồng nghiệp Việt Nam về phương pháp giảng dạy.

Tôi biết rằng ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động hơn là ở Pháp. Vì thế, sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhiều khả năng làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam. Các em sinh viên rất hào hứng với khóa học này. Tôi lưu lại Việt Nam 15 ngày và dạy sinh viên ngôn ngữ, văn minh Hàn Quốc, từ năm thứ nhất đến năm thứ ba ».

Sau Jade Thau, nghiên cứu sinh chuẩn bị sang Việt Nam, sẽ có một sinh viên của trường Khoa học Xã hội Nhân văn, đại học Quốc Gia Hà Nội, sang Aix-en-Provence vào năm 2020, theo giải thích của giảng viên Cam Anh Tuấn.

« Sắp tới, về góc độ sinh viên, có một sinh viên của trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn sẽ tham gia khóa học thạc sĩ (master) trong một học kỳ tại chính trường đại học Aix-Marseille. Chúng tôi đã có những ứng viên ban đầu và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau để tìm ra được những ứng viên tốt nhất, gửi sang đào tạo tại đại học Aix-Marseille trong một học kỳ ».

« Trường học hè » (Ecole d’été), được bà Sylvie Daviet, phó chủ tịch trường Aix-Marseille, phụ trách quan hệ đối ngoại, đề cập ở trên, sẽ dành nói về « Văn hóa Pháp : Văn học, Nghệ thuật và Xã hội », diễn ra trong 20 ngày từ 15/07 đến 06/08/2019 tại Viện Quốc tế Pháp ngữ, đại học Quốc Gia Hà Nội.

Nhờ hỗ trợ tài chính từ chương trình Erasmus+ MIC, khoảng vài chục giáo viên Pháp ngữ từ các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Singapore…) sẽ theo học các lớp bồi dưỡng phương pháp sư phạm do giảng viên của trường Aix-Marseille đảm nhiệm. Ngoài nhận được bằng do trường Aix-Marseille cấp, các học viên còn có cơ hội khám phá Việt Nam, một thành viên quan trọng trong vùng của Cộng đồng Pháp ngữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.