Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Lách kẽ hở trong luật pháp, tội ấu dâm chưa bị nghiêm trị

Đăng ngày:

Liệu trẻ em Việt Nam có được bảo vệ trước nanh vuốt của yêu râu xanh? Hiểm họa rình rập các em ngay tại những nơi được cho là an toàn nhất, như trường học, nơi sinh sống. Vụ ôm hôn, sàm sỡ một bé gái khoảng 6-7 tuổi trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào đầu tháng 04/2019 chỉ là giọt nước làm tràn ly.

Trẻ em cần được luật pháp bảo vệ trước nanh vuốt của yêu râu xanh - Ảnh minh họa.
Trẻ em cần được luật pháp bảo vệ trước nanh vuốt của yêu râu xanh - Ảnh minh họa. Wikimedia Commons
Quảng cáo

Công luận bức xúc vì trước đó một thời gian, trong một vụ « ép hôn » tương tự, nhưng xảy ra với một thiếu nữ, thủ phạm chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng. Phẫn nộ của các bậc cha mẹ còn chưa nguôi về vụ một ông lão ở Vũng Tầu, ở tuổi thất thập cổ lai hy, vẫn giở trò đồi bại với nhiều bé gái cùng chung cư và « suýt » được xử 18 tháng tù treo trước khi bị kết án 3 năm tù vào năm 2018.

Sự bất bình của họ hoàn toàn có thể hiểu được vì pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng về xâm hại tình dục trẻ em. Những người cầm cân nẩy mực loay hoay tìm điều khoản để áp dụng. Hình phạt chưa đủ nghiêm khắc nên không mang tính răn đe, hoặc kẻ phạm tội biết cách lợi dụng những mối quan hệ để được giảm án. Về phía gia đình nạn nhân, nhiều người để chìm vụ việc do thủ tục kiện tụng quá rườm rà, nhưng đặc biệt là vẫn tồn tại tâm lý sợ hãi, xấu hổ nên không dám tố cáo kẻ phạm tội.

Thực ra, tình trạng dâm ô trẻ em vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam nhưng thực sự được chú ý, đánh động và đưa ra ánh sáng nhiều hơn trong những năm gần đây nhờ phương tiện truyền thông.

Theo thống kê của bộ Công An, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em đã chiếm tới 82%, cụ thể là có 1.269 vụ (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô…) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc Hội vào tháng 06/2018, bộ trưởng Lao Động-Thương Binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung cho biết có tới 59,9% số người vi phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em lại chính là người thân, người quen.

Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước hành vi dâm ô ? Ai đứng ra bảo vệ các nạn nhân nhỏ ? Pháp luật Việt Nam cần sửa đổi như thế nào trước những loại tội phạm mới ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng chi hội Luật Sư - Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em thành phố Hồ Chí Minh.

06:35

P.V. Luật sư Ngọc Nữ_Sài Gòn

RFI : Thưa luật sư Ngọc Nữ, từ hai năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam và bị công luận phản đối gay gắt. Phải chăng khung hình phạt pháp lý ở Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe những ý đồ vi phạm ? Hành động như thế nào thì bị coi là quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em ?

Luật sư Ngọc Nữ : Trong pháp luật Việt Nam, để xử lý về các tội xâm hại tình dục trẻ em đều có các khung hình phạt, nhưng có thể tội dâm ô trẻ em có những khung hình phạt còn rất nhẹ. Hoặc khi đưa ra xử lý, ví dụ tội dâm ô, theo khoản I, khung hình phạt là « cải tạo không giam giữ từ 6 tháng cho đến 3 năm tù ». Nếu xử 3 năm tù về tội dâm ô thì chúng ta thấy là chưa đủ sức răn đe. Đằng này có khi khung hình phạt « cải tạo 6 tháng không giam giữ » đối với người phạm tội thì mình thấy quá nhẹ.

Về xử phạt hành chính, có những người có dấu hiệu nhưng chưa có chứng cứ gì, tôi lấy ví dụ cưỡng hôn trong thang máy, thì phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, nhưng cuối cùng chỉ phạt 200.000 đồng. Tại sao không phạt 300.000 mà lại là 200.000 đồng ? Những khung hình phạt đó chưa đủ sức răn đe. Theo kinh nghiệm làm công tác trẻ em từ nhiều năm nay, chúng tôi thấy là có những khung hình phạt đủ sức răn đe, nhưng cũng có những khung hình phạt rất nhẹ.

Về tội quấy rối tình dục, hiện chưa được đưa vào luật, chúng tôi đang kiến nghị để tội này sắp tới cũng đưa vào luật vì năm 2019 là « Năm An toàn Phụ nữ - Trẻ em ». Tất cả những vấn đề như đụng vào thân thể trẻ em đều là vi phạm pháp luật và xâm hại trẻ em. Tội quấy rối tình dục hiện nay mới chỉ áp dụng vào những nơi công sở, áp dụng cho người lao động, chứ chưa đưa vào luật.

Chính vì vậy, chúng tôi cũng kiến nghị những hành vi xâm hại trẻ em, tất cả phải đưa vào luật hết, cho dù là quấy rối tình dục hay dâm ô… Tất cả phải cụ thể, phải rõ ràng ! Ví dụ như dâm ô, hôn vào má, sờ mông mấy em… là đã vi phạm pháp luật rồi, chứ đừng nói chi là phải phân tích ra là sờ vào vùng kín hoặc là dựa vào lý thuyết. Trên thực tiễn, bất kỳ người lớn nào vi phạm như trên đối với những em dưới 13 tuổi đều phải xử lý rất nặng, như vậy mới đủ sức răn đe đối với tội phạm ngoài xã hội.

RFI : Khi trẻ em bị xâm hại tình dục, nhiều gia đình lặng lẽ dàn xếp, hoặc giữ im lặng để bảo vệ con em và sợ các em bị chấn thương tâm lý, như trường hợp ôm hôn em bé gái trong thang máy, ban đầu, gia đình bé gái định im lặng dàn xếp, theo luật sư, có nên làm như vậy không ?

Luật sư Ngọc Nữ : Không ! Đã nhiều lần khi đi tuyên truyền, chúng tôi đều nói rằng « im lặng là tội ác », « xâm hại tình dục trẻ em là tội ác ». Chúng ta phải mạnh dạn tố cáo để tiếp tục giữ cho các em. Ví dụ như vụ vừa rồi ở chung cư, nếu không mạnh dạn tố cáo, thì những em khác sẽ như thế nào ? Và trong trường hợp này, may mắn là có chứng cứ từ camera, còn nếu gia đình im lặng, tự dàn xếp, thì trong chung cư sẽ có em thứ nhất, em thứ hai, em thứ ba… Cho nên tất cả gia đình, tất cả các em đều phải tố cáo để đòi công bằng cho các em.

Khi các em bị xâm hại, các em dễ bị tổn thương, sang chấn tâm lý, các em sống khép kín, nhưng khi đưa một vụ ra ánh sáng, có thể đòi công bằng cho các em, thì có thể các em sẽ trở nên vui vẻ, trở nên hòa nhập. Cha mẹ gần gũi, thương yêu các em, bác sĩ tâm lý gần gũi với gia đình các em bị xâm hại, nên có thể các em cũng vượt qua được. Chính vì vậy, gia đình cũng nên hợp tác với tất cả các hội bảo vệ trẻ em hoặc là Sở Lao Động-Thương Binh hoặc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thành phố.

Khi trẻ em bị xâm hại thì nên mạnh dạn ra tố cáo để đưa kẻ ác ra ánh sáng và cũng phải bảo đảm cho các em sau này. Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em thành phố Hồ Chí Minh luôn hoạt động ở ba cấp độ : phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Nhưng chúng tôi luôn đặt vấn đề phòng ngừa lên trên hết. Vì thế, tôi yêu cầu các bậc phụ huynh, khi con em mình có vấn đề gì, có dấu hiệu gì, nên mạnh dạn tố cáo với các cơ quan chức năng.

RFI : Đề cập về vấn đề tình dục và tự bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục dường như vẫn là điều « cấm kị » ở Việt Nam. Vậy phải chăng đã đến lúc phá vỡ cấm kị đó ?

Luật sư Ngọc Nữ : Những điều đó đã được chúng tôi tuyên truyền từ trường học cho các em, chúng tôi tuyên truyền từ khu dân cư cho cộng đồng và các bậc phụ huynh. Thứ nhất, chúng ta phải bảo vệ con em của mình trước. Tức là cha mẹ phải luôn luôn gần gũi, chăm sóc con cái mình, đừng để đến khi xảy ra rồi mới hối hận.

Chúng tôi rất đau lòng khi tiếp nhận những vụ đó trên Hội và chúng tôi cảm thấy bức xúc. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị tất cả các phụ huynh hãy gần gũi, chăm sóc con mình. Và khi con mình gặp vấn đề đó, Hội Bảo Vệ Trẻ Em luôn giữ kín thông tin cho các em.

Thứ hai, chúng tôi luôn luôn mạnh dạn đưa những kẻ ác ra ánh sáng. Chúng tôi làm kịp thời trong mọi vấn đề về chứng cứ, về thủ tục và luôn có những đơn vị hỗ trợ rất nhịp nhàng, rất đúng lúc, kịp thời.

RFI : Dường như ở Việt Nam, tình trạng ấu dâm chưa thực sự được đánh giá đúng và chú ý để ngăn ngừa ? Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em giúp đỡ các nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục như thế nào ?

Luật sư Ngọc Nữ : Về tình trạng ấu dâm ở Việt Nam, có những cách hiểu khác nhau, sai lệch. Ví dụ, có một vụ mà chúng tôi nhận định là « dâm ô », nhưng những người khác lại cho rằng chưa có đủ cơ sở để kết luận « dâm ô », tại vì về « tội dâm ô », lý thuyết là một lẽ, rồi khi luật sư đưa ra lại là một lẽ.

Mỗi cơ quan chức năng phải nhận định rõ ràng : ví dụ đây là « vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi » hoặc đây là « vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi ». Tức là hiếp dâm, giao cấu, dâm ô… vẫn là những tội danh gần gần như nhau, chưa được phân biệt rõ ràng.

Chính vì vậy, những vấn đề liên quan đến ấu dâm hoặc xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi phải làm cho rõ. Tôi lấy ví dụ về vấn đề « dâm ô » : Không cần phải rờ vào vùng kín, có nghĩa là dù hôn môi cũng đã là nhạy cảm rồi ; sờ má, sờ mông đều là những vấn đề nhạy cảm và chúng tôi cũng kiến nghị khởi tố tội dâm ô. Về tội danh, chúng tôi muốn xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng tôi không muốn để kẽ hở, rồi tội danh này lẫn lộn qua điều khác và không để tạm đình chỉ hoặc là không thể đưa ra xử lý được.

Chúng tôi theo dõi vụ án và chúng tôi đề nghị xử lý như thế nào cho đúng pháp luật. Về khung hình phạt, ví dụ đối với tội dâm ô, nếu phạm tội một lần, thì theo khoản I, người phạm tội sẽ chịu « cải tạo không giam giữ 6 tháng cho đến 3 năm tù ». Nếu phạm tội nhiều lần, từ hai lần trở lên là nhiều lần, thì có thể bị kết án từ « 3 đến 7 năm tù ».

Thường thường, khi ra tòa, Hội Bảo Vệ Trẻ Em luôn luôn đề nghị khung cao nhất. Ví dụ về tội dâm ô có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ 6 tháng đến 3 năm tù, chúng tôi đề nghị mức án 3 năm trước. Nếu phạm tội dâm ô nhiều lần thì chúng tôi đề nghị 7 năm. Sau đó, cơ quan chức năm xem xét, chứ đó không phải là trách nhiệm của Hội Bảo Vệ Trẻ Em tại vì hội chỉ bảo vệ quyền hợp pháp cho bé và đòi lại công bằng cho bé.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn luật sư Ngọc Nữ, chi hội trưởng chi hội Luật Sư - Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ Em thành phố Hồ Chí Minh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.