Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Trịnh Công Sơn, một cõi tình

Đăng ngày:

Mấy mùa mưa nắng đi qua, mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lặng lẽ rời xa đường trần. Còn cái vòng quay của cõi tạm thì vẫn tiếp tục, chở những tình khúc mang tên anh trao tặng cho đời này, đời khác. Chúng miệt mài thay anh gieo hạt giống yêu thương cho nhân gian. Trịnh Công Sơn yêu tất cả mọi người, « yêu cuộc sống và cuộc sống cũng mở hết vòng tay » cho anh.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở Sài Gòn  ( Ảnh chụp không ghi chú thời điểm)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở Sài Gòn ( Ảnh chụp không ghi chú thời điểm) AFP FILES / AFP
Quảng cáo

Tình yêu của « người ca thơ » họ Trịnh cũng rộng dài lắm. Anh yêu quê hương, yêu hàng mưa bay, ngọn nắng, cơn gió, hay từng cành cây, lá cỏ… Anh muốn ôm trọn trái tim mọi người, và dành tình cảm riêng biệt đối với phái nữ. Có vậy dịch giả Bửu Ý, bạn tâm giao của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói :

« Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, nhưng mà không phải là một con người của riêng một phụ nữ nào khác hết. Tại vì đây là một con người sống rất vội, cảm xúc nó tràn trề, không thể giới hạn vào một con người được. Vì vậy cho nên phụ nữ khi gần Trịnh Công Sơn đều cảm thấy rằng là mình cũng không thể là riêng của Trịnh Công Sơn được mà đến với Trịnh Công Sơn phải nhiều người khác nữa ».

Thế nên mới có « Diễm của những ngày xưa », « Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho » về một cô gái trẻ chưa hề gặp mặt, rồi thì « Nguyệt ca » hay « Như cánh vạc bay » vân vân… Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã hát lên những phút giây « khổ đau và cả niềm hoan lạc » về những cuộc tình của mình bằng một trái tim thật thà có thể :

« Tôi thực sự không thể viết lời cho những bài tình khúc khác hơn. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa, dường như cả thế hệ tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. “Diễm xưa” cũng là một loại tình yêu như vậy. » (Trịnh Công Sơn ).

Những tình nhân trong lời hát của anh phần nhiều là những bóng hình mờ mờ nhân ảnh, mong manh xa vợi. Một đôi vai gầy, một mái tóc thề thảng trầm hương, nụ cười e ấp hay « một bờ môi thơm ». Họ đều đẹp như một bài thơ.

Tình khúc nhạc Trịnh phần lớn gói ghém vạn nỗi sầu nhưng không bi lụy, tuyệt vọng. Bởi anh biết rằng cuộc đời rất ngắn và vốn dĩ hữu hạn. Tình yêu như cuộc đời, chỉ là một giấc mộng đến rồi đi.  « Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách » (Trịnh Công Sơn). Thật là:

« …Như cánh vạc bay theo

Tình thiên thu ru về cõi thiền di

Đậm nhạt dày thưa bổng trầm thanh cao đêm trở

Nghe rầm rì lá tình ôi đầy vơi mộng mị

Miên man, tình sắc sắc không không… » (Đức Sơn)

Hơn 600 ca khúc mang tên Trịnh là hơn 600 trang nhật ký mà anh đã ghi lại khi đang rong chơi trên cõi đời và lang thang trong cõi tình. Nỗi đau có và niềm hân hoan cũng có, đã làm thành « bào thai sinh nở » ra những ca khúc để đời của anh.

Đối với Trịnh Công Sơn: « âm nhạc như thể là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh, bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời ». Bài hát « Ru Tình » phôi thai từ mối duyên đó.

Ca khúc này ra đời trước năm 1975, theo lời mời của một đài truyền hình Nhật Bản, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được đặt bài viết cho một cô ca sỹ Nhật lúc đó chỉ mới 16 tuổi, sắp sang Việt Nam hát. Dù cho hai người chưa gặp mặt nhau, nhưng nhịp tim của chàng nhạc sỹ trẻ thời ấy đã lăn tăn những lời sóng vỗ về cô nhân tình « bé dại ».

Ca khúc Ru Tình quay vòng theo nhịp điệu khá chậm, câu nhạc ngắn, như lời mẹ ru : bình yên, lặng lẽ. Nhạc sỹ sử dụng giọng thứ nhưng pha trộn nhẹ nhàng hơi nhạc ngũ cung của đất nước hoa anh đào, nếu nghe kỹ ta có thể thấy ở câu : « a a a á a a a à, ru người ngồi mãi cùng tôi ». Giai điệu ấy, âu yếm như níu giữ em, níu giữ cuộc đời, hãy ngồi lại thêm chút nữa và ngắm nhìn nhau lâu hơn.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và cõi nhạc của anh tồn tại nhờ tình yêu. Thân thể ta một ngày nào đó có thể mất đi. Núi vàng, núi bạc đấy rồi cũng tiêu tan. Nghĩ cho cùng thì chỉ còn tình yêu là điều an ủi duy nhất và cuối cùng ở lại trên thế gian này. Nên vậy, anh dành gần hết thời gian sống để yêu : yêu đời, yêu người.  « Hãy yêu nhau đi » là bản tụng ca tình yêu ra đời trên tinh thần đó. Niềm hân hoan thấy rõ qua vũ điệu valse và giọng trưởng tươi sáng.

Mặc dù Trịnh Công Sơn vẫn trung thành với phong cách tối giản về mặt cấu trúc âm nhạc, nhưng « với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ, hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi » (Văn Cao), « Hãy yêu nhau đi » từ bao giờ đã trở thành nguồn năng lượng tích cực cho bao kiếp người.

Và cứ như vậy, người ca thơ ấy đã thế chấp chuyến đi về của mình bằng những bản Trịnh ca thật thà và rung động nhất. Như lời anh đã nói : « Tôi yêu đời và yêu tất cả mọi người. Tôi không có ý đối kháng tấm lòng và ngọn gió, gió không phải hư vô, mà gió là sự quên đi. Nghĩa là đã làm điều tốt thì phải biết quên việc mình làm. Ðó là điều kiện tự nhiên như là ngọn gió, như là khí trời vậy… Tôi muốn sống cùng cuộc đời, cùng mọi người bằng tất cả tấm lòng tôi có… » (Trịnh Công Sơn). Rồi anh đi, để lại cõi nhạc, cõi tình và một cõi Trịnh xưa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.