Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Việt Nam : Ông Trọng có thực sự chủ trì quốc tang tướng Anh ?

Ngày mai, 03/05/2019, sẽ diễn ra lễ quốc tang dành cho cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, qua đời ngày 22/04 vừa qua. Theo thông báo của Ban chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 27/04, trưởng ban tang lễ ngày mai sẽ là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mặc dù ông đang bệnh.

Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị tiếp thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Hà Nội ngày 09/04/2019.
Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị tiếp thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Hà Nội ngày 09/04/2019. Manan VATSYAYANA / AFP
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/04/2019, trả lời câu hỏi của một phóng viên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết là “cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi” đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định là ông Trọng “sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có tin tức chính thức gì mới về tình trạng sức khỏe của chủ tịch Việt Nam.

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng có sẽ xuất hiện trong tang lễ Lê Đức Anh ngày mai hay không và nếu có thì ông sẽ chủ trì tang lễ như thế nào ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn nhận định về một số kịch bản có thể xảy ra trong ngày mai :

« Có thể coi ngày mai là một ngày ‘‘rất trọng đại’’ của chính giới Việt Nam, của 3 triệu công chức, viên chức Việt Nam, vì nhiều động cơ và tâm trạng khác nhau. Và đồng thời có lẽ có hàng chục triệu người dân Việt Nam cũng rất quan tâm. Những ngày qua, thông tin tràn ngập, báo chí quốc tế, giới quan sát quốc tế quan tâm đến sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng. Còn ở Việt Nam, có tới hơn 70% người dân dùng internet, mạng xã hội, nên họ nắm hết thông tin, cho dù báo chí Nhà nước gần như không đưa một thông tin thực chất nào liên quan đến chuyện này.

Việc ngày mai, ông Trọng có xuất hiện hay không và xuất hiện theo cách như thế nào sẽ ảnh hưởng đến vấn đề liệu có một sự đảo lộn, hoặc biến chuyển, hoặc chuyển giao quyền lực nào hay không trong chính trường Việt Nam.

Chỉ còn một cách là ông ta phải xuất hiện với một dáng vẻ, nếu không hồng hào thực sự, thì cũng phải làm sao trở nên hồng hào một chút, giống như khi ông ta tiếp xúc với các cử tri, thì mới có thể thuyết phục được giới quan chức và người dân, là ông ta vẫn còn đủ sức khỏe, để được coi là còn có thể cống hiến cho Đảng và cho dân tộc lâu dài.

Còn nếu ông ta không xuất hiện, thì đó là một điềm rất xấu đối với ông ta. Tất cả những thông tin về ông Trọng, lúc thì bị liệt nửa người, lúc thì bị xuất huyết não, lúc thì đang tập phục hồi chức năng, rồi tập đọc diễn văn, rồi đã xuất viện về nhà… đều là những thông tin không thể kiểm chứng được. Tôi cho rằng, nếu cho đến nay không thể trưng ra được bất cứ hình ảnh hay video về ông Nguyễn Phú Trọng, thì điều này chứng tỏ tình hình sức khỏe của ông ta không phục hồi nhanh chóng, như các ủy viên Bộ Chính Trị thông báo.

Tôi cho là việc thông báo ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang của ông Lê Đức Anh xẩy ra sau khi có sức ép rất lớn của dư luận trong nước và ngoài nước, buộc Bộ Chính Trị phải thông báo về điều đó. Nhưng làm trưởng ban lễ tang, có xuất hiện hay không, có đọc điếu văn hay không, là một chuyện khác.

Có khả năng ông Trọng sẽ làm trưởng ban lễ tang, nhưng sẽ không đọc điếu văn. Mà điếu văn sẽ được chuyển cho một người khác. Chẳng hạn như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Và cũng có một khả năng là ông Trọng không những không đọc điếu văn, mà còn không xuất hiện trong đám tang. Sau cú bạo bệnh ở Kiên Giang, chắc chắn rằng gia đình ông ta, người thân của ông ta, ban bảo vệ sức khỏe của ông ta chắc chắn sẽ đưa ra những lời can gián có thể là quyết liệt. Rằng ông ta phải giữ một mức độ làm việc nhẹ nhàng hơn nhiều so với trước đây. Nếu tiếp tục làm việc, thì có thể là đứt !

Theo cảm nhận của cá nhân tôi, thì hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đang trong cơn bạo bệnh, phải mất ít nhất từ một đến hai tháng, mới có thể tương đối bình thường trong sinh hoạt cá nhân. Sau đó, ông ta sẽ phải đối mặt với một tương lai đầy thách thức. Giữ được sinh mạng sinh học, hay là tiếp tục làm việc. Mà tai biến lần hai, hoặc ba thì sẽ nặng hơn nhiều, và có thể đi luôn. Bệnh tai biến mạch máu não thông thường, dù có nhẹ chăng nữa, phải mất ít nhất 6 tháng để hồi phục.

Có điều là cái không khí ở Việt Nam trong những ngày này, người ta chờ đợi quốc tang của ông Lê Đức Anh, với sự nôn nóng đặc biệt. Họ không quan tâm đến cá nhân ông Lê Đức Anh, mà đến trưởng ban lễ tang. Không khí này cũng giống như bầu không khí chờ đợi sự tái xuất của ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội Chính Trung Ương, cuối 2014 đầu 2015, khi được đưa từ một bệnh viện từ Mỹ về. Hoặc của bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, vào tháng 6/2015, khi ở Pháp về. Và của Trần Đại Quang, chủ tịch Nước, vào năm 2017 và 2018. Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu như không xuất hiện đủ sức thuyết phục bằng hình ảnh, để có thể chứng thực ông ta đang tồn tại, thì có thể có kịch bản… đóng thế…

Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng sau những phân tích, so sánh rất chi tiết (về gương mặt, về thể hình) trên mạng xã hội đối với những nhân vật đóng thế cho Phùng Quang Thanh, Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang, thì Đảng sẽ mạo hiểm để tạo ra một nhân vật đóng thế cho Nguyễn Phú Trọng. ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.