Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Biển Đông: Việt Nam lặng lẽ bồi đắp các đảo ở Trường Sa

Đăng ngày:

Không chỉ Trung Quốc mà Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã bồi đắp các đảo ở khu vực Trường Sa, Biển Đông, nhưng trong khi Bắc Kinh bị quốc tế chỉ trích kịch liệt, thì Hà Nội lại không bị chê trách gì nhiều, bởi vì nhịp độ xây dựng của Việt Nam chậm hơn nhiều và các công trình đó được xem là mang tính chất phòng thủ.

Ảnh vệ tinh ngày 18/03/2018 cho thấy rõ con kênh được nạo vét cắt ngang vỉa san hô của Đá Lát (Trường Sa), Biển Đông.
Ảnh vệ tinh ngày 18/03/2018 cho thấy rõ con kênh được nạo vét cắt ngang vỉa san hô của Đá Lát (Trường Sa), Biển Đông. AMTI/CSIS
Quảng cáo

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI), thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS của Mỹ, kể từ năm 2017, Việt Nam đã xây thêm các công trình trên một số trong 10 đảo nhỏ mà Hà Nội đang kiểm soát.

Theo lời ông Alan Chong, giáo sư tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (S. Rajaratnam School of International Studies) ở Singapore, Việt Nam hy vọng là với những công trình nói trên, cư dân trên các đảo nhỏ ở Trường Sa có thể sống mà không cần nhiều hỗ trợ từ đất liền. Nói chung là Hà Nội đang chuẩn bị việc định cư lâu dài trên các đảo này.

Còn theo lời ông Gregory Poling, giám đốc AMTI, Việt Nam nâng cấp các đảo nhỏ ở Trường Sa để cho Trung Quốc khó chiếm các đảo này hơn, chứ không phải là nhằm mục đích quân sự.

Việc Việt Nam cũng bồi đắp, cải tạo các đảo ở Trường Sa sẽ có ảnh hưởng gì đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hay không ? Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.

08:17

TS Lê Hồng Hiệp, Singapore

RFI : Kính chào anh Lê Hồng Hiệp, theo những thông tin mà anh nắm được thì cho tới nay, Việt Nam đã tiến hành bồi đắp, cải tạo các đảo ở Trường Sa như thế nào ?

TS Lê Hồng Hiệp : Thật ra thì không phải gần đây thông tin về việc Việt Nam bồi đắp, cải tạo các đảo ở Trường Sa mới được công bố, mà những thông tin này đã xuất hiện từ cách đây khoảng 4 năm. Từ năm 2015, đã có những thông tin về việc Việt Nam cải tạo các đảo như đảo Đá Lát chẳng hạn, nhưng gần đây sự chú ý được gia tăng lên có lẽ là vì các công việc này đã có một mức độ hoàn thiện nhất định. Sau một khoảng thời gian dài, kết quả bồi đắp của Việt Nam được thể hiện rõ ràng hơn.

Một số hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động cải tạo như là ở đảo Trường Sa đã mang lại kết quả: khu vực bồi đắp đã tương đối rõ nét, đường băng sân bay quân sự cũng được kéo dài. Việt Nam cũng đã xây dựng các cảng cho các tàu có thể cập vào những đảo này dễ dàng hơn.

Các hoạt động cải tạo của Việt Nam đã diễn ra gần như song song với quá trình xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng tiến độ thực hiện của Việt Nam chậm hơn, do Việt Nam sử dụng các công nghệ không được tiên tiến bằng Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một điểm khác cần lưu ý là, mặc dù Việt Nam cũng tiến hành các hoạt động này trong cùng khoảng thời gian với Trung Quốc, nhưng với quy mô nhỏ hơn rất nhiều và được nhiều nhà phân tích cho rằng nó mang tính chất phòng thủ, không tạo ra sự thay đổi nguyên trạng lớn như các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, cũng như không đe dọa an ninh các quốc gia khác như các đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc.

Đây là điều có thể dễ hiểu, vì nguồn lực của Việt Nam hạn chế hơn nhiều và ý định của Việt Nam cũng không giống ý đồ của Trung Quốc, chủ yếu là mang tính chất phòng thủ nhiều hơn và ở một khía cạnh nào đó, cũng là phản ứng của Việt Nam đối với hoạt động quy mô về xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Do hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng đến mức không thể đảo ngược được, cho nên, nếu bây giờ Việt Nam muốn cân bằng lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc ở Trường Sa, thì có lẽ chỉ có một cách duy nhất, đó là tự tăng cường sức mạnh của mình lên, do không thể đảo ngược được sức mạnh của Trung Quốc. Một trong những biện pháp để Việt Nam nâng cao sức mạnh phòng thủ ở Trường Sa, đó là nâng cấp các đảo của mình.

RFI : Vì sao Việt Nam tiến hành những hoạt động đó một cách lặng lẽ ? Phải chăng là vì Hà Nội sợ phản ứng của Trung Quốc cũng như các nước khác có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông ?

TS Lê Hồng Hiệp : Đúng là như vậy, tại vì ta cũng biết là lâu nay Việt Nam vẫn rất là mạnh mẽ chỉ trích các hoạt động xây đảo nhân tạo, cũng như quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Chính vì vậy mà Việt Nam phải tìm cách làm sao tiến hành các hoạt động, dù mang tính chất phòng thủ, một cách âm thầm nhất có thể, để tránh tạo ra sự ồn ào hay chú ý của quốc tế, cũng tạo ra sự hiềm khích với Trung Quốc và với các bên tranh chấp khác. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Cho nên là cho tới gần đây, khi được nghe các báo cáo như của tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải, chúng ta mới biết được nhiều hơn, còn không thì chúng ta cũng không có nhiều thông tin về các hoạt động này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy rằng sau khi Trung Quốc tiến hành xong các đảo nhân tạo quy mô lớn ở 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa thì có lẽ là việc xây dựng hay cải tạo biển đảo của các bên tranh chấp trở thành việc có lẻ là bình thường. Ngoài Việt Nam, trong thời gian qua, Philippines cũng có các hoạt động nâng cấp, như ở đảo Thị Tứ chẳng hạn.

Do cuộc chơi nay đã thay đổi rồi, Trung Quốc đã thay đổi nguyên trạng ở mức rất là lớn rồi, cho nên các nước khác phải tìm cách phản ứng lại sự thay đổi nguyên trạng ấy. Việc Việt Nam hay Philippines tiến hành các hoạt động đó một cách âm thầm là chuyện đương nhiên. Kết quả cuối cùng ra sao thì chúng ta còn phải chờ xem, nhưng rõ ràng những hoạt động đó là hoàn toàn có thể hiểu được.

RFI : Theo anh thì Trung Quốc có sẽ lợi dụng việc này để phớt lờ hơn nữa những chỉ trích của quốc tế đối với các công trình bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông ?

TS Lê Hồng Hiệp : Trung Quốc cũng phản đối các hoạt động của Việt Nam, cũng giống như Việt Nam phản đối các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trong cuộc chơi này thì tất cả đều biết luật chơi, đều biết là đối phương sẽ làm gì trong những tình huống như vậy. Có thể họ sẽ dựa vào cái gọi là sự “khiêu khích”, “vi phạm” của Việt Nam để biện minh cho việc quân sự hóa hơn nữa các đảo nhân tạo của họ. Nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là một phần thôi, vì kể cả không có các hoạt động cải tạo của Việt Nam, thì mục đích của Trung Quốc vẫn là kiểm soát Biển Đông nói chung và Trường Sa nói riêng, tức là họ sẽ vẫn có những biện pháp để củng cố sự hiện diện ở Trường Sa và quân sự hóa các đảo nhân tạo họ đã xây dựng.

Trong thời gian tới, liệu Trung Quốc có sẽ tăng cường hơn nữa hay không, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ngoài việc xây dựng của Việt Nam. Việc xây dựng của Việt Nam đã kéo dài từ 4, 5 năm nay, như vậy nó không phải là nguyên nhân trực tiếp của việc gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc. Quan trọng hơn đó là sự can dự của Mỹ vào Biển Đông, vì nó có thể có tác động mạnh hơn đối với xu hướng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa và Biển Đông nói chung.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.