Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam : Giảm rác thải nhựa, cần thay đổi thói quen của người dân

Đăng ngày:

Hiện tại, Việt Nam phát sinh thêm 12,8 triệu tấn rác mỗi năm từ các hoạt động y tế, sinh hoạt. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines) về khối lượng rác thải nhựa xả ra biển, lên tới 0,5 triệu tấn/năm, chiếm 6% toàn thế giới.

Rác thải nhựa được thu gom để tái chế. Ảnh minh họa.
Rác thải nhựa được thu gom để tái chế. Ảnh minh họa. pxhere.com
Quảng cáo

Mỗi ngày, Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó có túi nylon. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, được trang Siamactu.fr trích dẫn, vào năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg nhựa ; 25 năm sau, con số này đã tăng lên hơn gấp 10 lần, khoảng 41 kg. Mỗi một phút có đến 1.000 túi nylon được sử dụng và chỉ có 27% trong số này được xử lý và tái chế.

Rác thải nhựa, đặc biệt là túi nylon, mất đến ít nhất hơn 100 năm để tự phân thủy. Do không được tái xử lý hoặc bị vất bừa bãi, tại nhiều vùng biển, người dân bất lực nhìn túi nylon dính đầy trên những cành cây, mỏm đá ; rác thải nhựa trôi lềnh bềnh ở nhiều bãi biển hoặc bị chìm dưới nước. Tại một số vùng biển Việt Nam, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có một phần rác thải nhựa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nhựa tràn lan ở Việt Nam là do việc quản lý và xử lý rác thải còn rất lỏng lẻo, chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Các nhà chức trách chưa kiên quyết đề ra những chính sách hạn chế, thậm chí là cấm sử dụng túi nylon. Người dân vẫn « vô tư » sử dụng túi nylon dùng một lần mỗi khi đi chợ vì « tiện lợi ».

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chị Đỗ Vân Nguyệt, giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn for Environment and Community), ở Hà Nội, về thói quen của người tiêu dùng Việt Nam và một số sáng kiến giảm rác thải nhựa hiện được cộng đồng chấp nhận.

RFI : Hiện Việt Nam sử dụng chủ yếu ba công nghệ xử lý rác thải đô thị. Tuy nhiên, do không phân loại rác đầu nguồn, nên các loại nhựa khi chôn xuống thì phải mất hàng trăm năm với có thể phân hủy được hoặc đốt rác trong đó có cả nhựa và nylon thì sẽ sản sinh ra hai loại khí độc hại (furan và dioxin). Tại sao Việt Nam không khuyến khích, áp dụng, bắt buộc phân loại rác thải như nhiều nước trên thế giới đang làm ?

Đỗ Vân Nguyệt : Thực ra khi tôi ra trường vào khoảng những năm 2000, Hà Nội đã có những chương trình phân loại rác thải tại nguồn do các tổ chức quốc tế hỗ trợ và áp dụng cho một số khu vực ở Hà Nội.

Vào bấy giờ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ví dụ người dân nói rằng khi họ phân loại rác, họ lại nhìn thấy tất cả các loại rác của họ đều được đổ vào chung một thùng nên họ không có động lực để phân loại nữa. Phía công nhân thu gom thì nói rằng rất khó khăn trong việc thuyết phục người dân phân loại rác cho đúng. Những chương trình như vậy, trong quá trình áp dụng, gặp rất nhiều vấn đề khó khăn và không tạo ra được niềm tin, không tạo ra được một hệ thống gom.

Chúng tôi được biết rằng hiện nay những công ty thu gom rác cũng là một dạng công ty độc quyền. Chính vì không có sự cạnh tranh thì thứ nhất, sẽ làm cho các công ty nhận lượng rác thải ngày càng nhiều lên, thứ hai là những nguồn thu, nguồn chi không rõ ràng, không minh bạch và người ra không tạo ra được nhiều lợi nhuận, lợi ích từ rác.

Về câu chuyện của rác, luôn có một câu nói của nước Nhật được đưa vào Việt Nam từ khá lâu, cho rằng « Rác là tài nguyên ». Từ rác có thể phân ra rất nhiều loại rác khác để có thể làm phân bón hữu cơ chẳng hạn, nếu chất lượng tốt thì có thể bán được. Nhưng nếu như phân hữu cơ đó vẫn có tạp chất, thì cho nông dân, người ta cũng không nhận. Vì thế rác không tạo nên những nguồn thu, giá trị khác nhau. Vì vừa không có sự cạnh tranh, vừa không tạo nên giá trị, nên hệ thống của các công ty thu gom và xử lý cứ trì trệ ở chỗ đó.

Một ví dụ khác, gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh, mọi người thu gom vỏ hộp sữa, trong đó các trường học vào cuộc rất mạnh mẽ, bởi vì họ nhìn thấy những vỏ hộp sữa sau đó được tái chế, được tạo thành những sản phẩm rất hay nên có rất nhiều người tham gia.

Câu chuyện ở đây là người dân cần được nhìn thấy, cũng như là cùng tham gia trong việc phân loại và nhìn thấy được các sản phẩm phân loại là có ích.

RFI : Khi đi chợ hay siêu thị, người ta thấy tình trạng túi ni lông được sử dụng ở khắp nơi. Nhiều người tiêu dùng, cũng vì tiện, chỉ dùng túi một lần rồi vất sọt rác. Phải giải thích hiện trạng này như thế nào ? Và nên làm gì để giảm bớt lượng túi ni lông tràn lan ?

Tôi lấy một ví dụ, lần đầu tiên khi sang Hà Lan học, khi ra siêu thị, nếu như thói quen ở Việt Nam, lấy một túi nylon, thì lập tức bị tính chi phí.

Túi nylon ở Việt Nam quá nhiều và quá rẻ. Khi có nhiều và rẻ, không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở Thái Lan hay Đài Loan, rất nhiều sản phẩm nhựa đã được sử dụng và dần dần thay thế những chiếc cốc, chiếc bát, rồi đồ bọc khác nhau.

Nhựa hiện chưa bị tính chi phí xử lý. Có rất nhiều hàng hóa ở những nước đang phát triển, như Việt Nam, không bị tính chi phí xử lý, thu gom, chúng ta mới chỉ tính chi phí sản xuất ra một túi nylon, cho nên giá rất rẻ. Và khi giá rẻ thì sẽ tràn lan, tiện lợi, đựng gì cũng gọn, có vẻ sạch hơn, có thể đựng thịt, cá, tôm… rồi tất cả lại được bọc thêm một túi nylon. Ngay cả trong siêu thị, có rất nhiều đồ bọc khác nhau. Và khi dễ dàng sử dụng quá, tràn lan quá thì cuối cùng mọi người quen sử dụng. Thậm chí, khi đi mua, người bán hàng còn cho thêm túi để đựng cho chắc hoặc cho có vẻ sang hơn.

Bên cạnh đó, đời sống xã hội phát triển lên thì làm tăng thêm những loại mặt hàng tiện ích và các dịch vụ giải trí khác nhau. Tôi lấy ví dụ quán trà sữa hay quán cà phê, khi đến rất nhiều quán, lập tức người ta phải choáng luôn vì rất nhiều cốc, đĩa, thìa bằng đồ nhựa thay thế cho đồ sứ, thủy tinh. Cuối ngày, người chủ đóng quán thì chỉ việc quẳng tất cả những đồ nhựa đó ra ngoài đường : không tốn nước, nhân công làm việc dễ hơn, tiện lợi hơn. Thế là, các hệ thống nhà hàng càng ngày càng ỷ lại vào đồ nhựa.

RFI : Theo thống kê năm 2018, Việt Nam là một trong bốn nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Vậy chất thải nhựa, túi nylon, tác động như thế nào đối với môi trường, hệ sinh thái biển ?

Tôi nghĩ đây là việc nhìn thấy được rất dễ khi nghe những câu chuyện gần đây là ngư dân khi đi đánh bắt thì trong lưới của họ toàn là đồ nhựa, hoặc là câu chuyện về những con cá, sinh vật biển bị chết khi mổ ra trong bụng chúng có rất nhiều đồ nhựa khác nhau.

Nhựa, khi phân hủy, không biến mất hoàn toàn mà trở thành những hạt vi nhựa và những hạt vi nhựa đó lắng trong nước biển, nằm trong chuỗi thức ăn của động thực vật và cuối cùng nó trở lại cơ thể con người.

Vì thế, việc chiếm mất chỗ sống, ảnh hưởng nguồn thức ăn và gây ra những tổn thương cho các loài sinh vật biển, cũng như là làm thay đổi những chuỗi mắt của hệ sinh thái…, tất cả những vấn đề đó, chúng ta sẽ nhìn thấy và càng ngày chúng ta càng cảm thấy nó rất kinh khủng. Những bãi biển hoặc là những đảo bằng rác nhựa chẳng hạn, hiện tượng này càng ngày càng xuất hiện nhiều. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngay một nguy cơ, gọi là « ô nhiễm trắng » là như vậy.

Tôi cũng muốn quay lại con số vừa đưa ra. Con số đó dựa trên những khảo sát về mặt mô hình và đó cũng là một nguồn tham khảo thôi. Tại những nước như Việt Nam và bất kỳ quốc gia nào, cần phải có những khảo sát rất cụ thể và kỹ lưỡng về việc chôn lấp, bởi vì rác có thể được chôn lấp, đốt và khoảng 30% nhựa trên thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam, là khi không có chỗ nào nữa thì vất ra sông, ra biển.

Thế nên, phải thực sự tính xem lượng rác đó, đang bị quản lý không tốt ở Việt Nam, ở Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Thái Lan, thì mỗi quốc gia có những cách nào để có thể không đẩy rác ra biển và có cách xử lý rác, cũng như là, để rác nhựa có thể được tái chế và trở lại vòng đời như thế nào nữa.

RFI : Xin chị cho biết tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng hoạt động từ khi nào ? Và theo kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của tổ chức, nên làm thế nào để có thể hạn chế rác thải và quản lý việc xử lý rác thải ?

Chúng tôi xây dựng tổ chức của mình vào năm 2009. Ngay từ những ngày đầu tiên, một trong những điều chúng tôi đưa ra, bất kể chúng tôi nói về thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, thì một trong những hành động cụ thể và đơn giản nhất mà mọi người có thể làm, đó là hạn chế rác thải, tiêu dùng bền vững.

Một trong những điều mà tôi quan sát được ở Việt Nam, đó là tránh sa đà vào những công việc tuyên truyền mà thực sự, mình phải tin và thực hành điều đó. Trong cộng đồng những người làm công việc này, bản thân chúng tôi thực hành và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực hành. Khi làm được rồi, mình sẽ chia sẻ giá trị đó, thì sẽ có sức truyền tải, cảm hứng để được thực hiện nhiều hơn.

Trong những năm đầu tiên, lúc đó khi nói về không sử dụng ống hút nhựa, không sử dụng túi nylon, hoặc là may những tấm bạt, băng rôn thành túi đựng đồ, hồi đó chuyện này nghe rất là nhỏ, có vẻ rất xa vời. Sau 10 năm, có rất nhiều bạn, các nhóm sinh hoạt với chúng tôi từ những năm đầu tiên, đã trở thành những doanh nghiệp và những người truyền cảm hứng cho những việc như tìm ra ống hút cỏ tự nhiên, quay lại làm những sản phẩm xà phòng tự nhiên, cổ vũ mọi người hoặc chia sẻ những cách tiêu dùng để có thể giảm thiểu rác thải nhựa một cách tốt nhất.

Trong xã hội, có nhiều lúc họ nghĩ rằng những việc đó rất buồn cười, nhưng hiện nay đi các quán cà phê mà từ chối dùng ống hút hoặc rất nhiều các quán cà phê thay thế các sản phẩm nhựa chẳng hạn, đã xuất hiện nhiều hơn và trở thành một lối sống đối với người trẻ hiện nay.

Tôi vẫn nghĩ rằng Việt Nam đang ở trạng thái không tồi tệ quá và tất nhiên là cũng không tốt quá. Điều quan trọng là chúng ta tin vào điều mình thực hiện và cứ đi theo quá trình thì chúng ta sẽ tạo ra được nhiều sự thay đổi.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn chị Đỗ Vân Nguyệt, giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, ở Hà Nội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.