Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việc áp dụng Luật An ninh mạng của Việt Nam gặp chậm trễ

Đăng ngày:

Luật An ninh mạng của Việt Nam đã có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019, thế nhưng cho tới nay, các văn bản hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa được ban hành. Lý do có thể là vì luật này tiếp tục bị chỉ trích là vi phạm quyền tự do ngôn luận trên Internet và gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet.

Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua, những nội dung "chống đối" trên mạng xã hội có thể bị xóa trong vòng một ngày.
Nếu dự luật an ninh mạng được thông qua, những nội dung "chống đối" trên mạng xã hội có thể bị xóa trong vòng một ngày. Reuters
Quảng cáo

Các văn bản, gồm hai nghị định và quyết định của thủ tướng ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, lẽ ra phải được bộ Công An trình chính phủ trước ngày 01/10/2018, thế nhưng tiến trình này đã gặp nhiều chậm trễ.

Ngày 22/03 vừa qua, khi làm việc với Tổ công tác của thủ tướng Việt Nam, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ Công An, đã giải thích sự chậm trễ này là do “gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nên việc xin ý kiến phải thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ”. Ông Lê Quý Vương thú nhận là "cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau" giữa Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng và Bộ Thông Tin - Truyền Thông, "nên cần có thời gian trao đổi kỹ", nhưng thứ trưởng Công An không nói cụ thể là bất đồng về những điểm gì.

Đó là những lý do chính thức. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 11/04, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt, Sài Gòn, đưa ra phỏng đoán về sự chậm trễ này:

“ Thứ nhất là sau khi ban hành Luật An ninh mạng, đã có rất nhiều phản ứng, quan điểm trái chiều về các điều luật quy định về sự thể hiện quan điểm của cá nhân, tổ chức, về các vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị của nhà nước Việt Nam, cũng như về trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Tôi cho rằng luật này cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, kinh doanh, cũng như đến sự hội nhập của Việt Nam.

Cho nên, khi luật an ninh mạng ra đời, các nghị định hướng dẫn thi hành luật này vẫn chưa thể thông qua được. Chưa có ai nói lý do cụ thể về việc tại sao chưa thông qua, nhưng theo tôi phỏng đoán, với những thông tin đang có, do có quá nhiều ý kiến trái chiều về nhiều vấn đề của luật này, cho nên họ chưa thể ban hành các nghị định hướng dẫn một cách cụ thể để thực hiện Luật An ninh mạng.”

Luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên những quy định bị xem là trái với quyền tự do ngôn luận trên Internet của công dân:

“ Chẳng hạn như về vấn đề nói xấu các lãnh đạo, các anh hùng, các danh nhân. Tôi cho rằng việc nói xấu các thành phần đó được định nghĩa rất mơ hồ. Như thế nào là nói xấu? Anh có thể dùng cụm từ “nói xấu” để bắt người khác, khi người khác bày tỏ quan điểm về một nhân vật nào đấy. Chẳng như nói một ông bí thư hoặc một ông chủ tịch tỉnh có bồ nhí, rồi còn thăng cấp bồ nhí của mình một cách bất thường, thì có thể bị xem là nói xấu cán bộ, người tố cáo có thể bị bắt. Tôi cho rằng điều ấy là không ổn.

Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, tôi thấy có rất nhiều người dân cho rằng luật này giống như là một bóng ma đè bẹp sự bày tỏ quan điểm của mình, đè bẹp việc chống tham nhũng, tiêu cực của người dân.”

Riêng giới doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet, hiện đang sốt ruột chờ xem chi tiết của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng của Việt Nam, vì luật này sẽ không chỉ buộc các công ty như Google hay Facebook phải gỡ bỏ những nội dung chỉ trích chính phủ, mà còn phải lưu trữ các dữ liệu ở Việt Nam. Hơn nữa, các công ty này sẽ buộc phải lập văn phòng đại diện ở Việt Nam, điều mà các công ty nói trên không muốn làm, vì sợ nhân viên của họ ở bị áp lực chính trị, thậm chí bị bắt giữ.

Luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên những khó khăn của các doanh nghiệp nếu Luật An ninh mạng được áp dụng:

 “Đối với các doanh nghiệp không liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ mạng, họ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Luật An ninh mạng chủ yếu là tác động trực tiếp đến những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng như Facebook, Google…., ảnh hưởng đến trách nhiệm của những công ty này. 

Chẳng hạn điều 44 của Luật An ninh mạng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng là phải cảnh báo khả năng mất an ninh mạng trong việc sử dụng dịch vụ và cung cấp những hướng dẫn phòng ngừa, hoặc xây dựng phương án, giải pháp phản ứng nhanh với sự cố an ninh mạng, hoặc xử lý ngay điểm yếu, lỗ hổng, mã độc tấn công mạng. Họ rất khó áp dụng những phương án này.

Đặc biệt, điều 26 của Luật An ninh mạng có quy định các doanh nghiệp phải có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở Việt Nam. Tôi cho đó là một điều bất cập và không khả thi. Nhất là quy định về việc các doanh nghiệp này phải đặt hệ thống lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam lại càng bất khả thi. Trên thế giới có hơn 250 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quốc gia nào, vùng lãnh thổ nào cũng quy định như Việt Nam, thì làm sao mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu như vậy?

Thực tế là hiện nay, chẳng hạn như Facebook, họ có khoảng 11 trung tâm lưu trữ dữ liệu, trong đó có đến 6 trung tâm là nằm ở Mỹ, 2 nằm ở Singapore, Hồng Kông, một số trung tâm khác nằm ở châu Âu, được sử dụng cho toàn bộ các quốc gia và hoạt động rất là tốt. Bây giờ yêu cầu họ đặt trung tâm dữ liệu ở từng quốc gia là điều bất khả thi.”

Tờ Washhington Post ngày 16/03 trích lời tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, người đã cố vấn cho chính phủ Việt Nam về an ninh mạng: “Thay vì xây dựng một hệ thống luật pháp vững chắc cần thiết cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua công nghệ, chính phủ chỉ quan tâm đến các vấn đề tin giả và bất cứ những gì có thể gây phương hại cho ổn định chính trị".

Theo tờ nhật báo Mỹ, đối tượng chính của luật an ninh mạng của Việt Nam là Google và Facebook. Tờ báo trích lời nữ ca sĩ Mai Khôi và cũng là một nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam, nhận định: " Luật an ninh là một mưu toan của chính phủ nhằm kiểm soát không gian duy nhất mà trong đó người dân có thể tự do phát biểu".   

Luật sư Hoàng Cao Sang cũng có ý kiến tương tự:

“ Thực hiện Luật An ninh mạng sẽ rất là khó khăn, ví dụ như yêu cầu họ đặt trung tâm lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam là không thể được, mà nếu không đặt trung tâm dữ liệu, thì họ không được hoạt động ở Việt Nam, có nghĩa là người dân sẽ không sử dụng được các dịch vụ như Facebook, Google hoặc Yahoo. Những dịch vụ đó đang làm thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam: thay đổi về nhận thức, về thương mại và về quyền con người. Nếu chặn những cái đó, tôi không biết xã hội sẽ đi về đâu.”

Bên cạnh những ý kiến trái chiều của các nhà hoạt động và các doanh nghiệp, quốc tế cũng tiếp tục chỉ trích Luật An ninh mạng của Việt Nam. Trong bản kết luận, công bố ngày 28/03/2019, về Báo cáo quốc gia về tình hình nhân quyền của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ ba, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã xem Luật An ninh mạng của Việt Nam là một luật xâm phạm quyền tự do ngôn luận trên mạng, vì luật này cấm việc sử dụng Internet để phổ biến những thông tin chống hoặc chỉ trích nhà nước.

Trong bản thông cáo đưa ra ngày 04/03/2019, nhân cuộc đối thoại nhân quyền Liên Hiệp Châu Âu –Việt Nam, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch, cũng nhấn mạnh rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam "đe dọa quyền về cuộc sống riêng tư và có thể tạo điều kiện cho việc đàn áp mạnh hơn nữa các hành vi bất đồng chính kiến hoặc vận động trên mạng”.

Cho dù chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, nhưng chính quyền Hà Nội đã bắt đầu mạnh tay với các tập đoàn Internet quốc tế. Chỉ vài ngày sau khi luật này có hiệu lực, mạng xã hội Facebook đã bị cáo buộc tội Vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Cụ thể, Facebook bị xem là “không đáp ứng tốt” việc bóc gỡ các trang có những hoạt động “kích động chống phá Nhà nước”, theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Facebook còn bị cáo buộc thêm hai tội là Cho phép quảng cáo bất hợp pháp và Trốn thuế. Đáp lại những cáo buộc đó, công ty Facebook ngày 09/01/2019 cho biết họ đã hạn chế nội dung bất hợp pháp và đang thảo luận với chính phủ Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.