Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Cầu Long Biên sẽ thành viện bảo tàng ký ức thế kỷ 20

Đăng ngày:

Cầu Long Biên, tên cũ là cầu Doumer, là một trong những công trình mang nhiều dấu ấn lịch sử của thành phố Hà Nội. Trước nguy cơ cầu Long Biên bị sập do bị xuống cấp nghiêm trọng, đã có lúc chính quyền Việt Nam dự tính phá bỏ cây cầu này, để xây một cầu mới. Nhưng nhờ nỗ lực vận động kiên trì trong suốt nhiều năm qua của những người như kiến trúc sư Nguyễn Nga tại Pháp, cầu Long Biên sẽ không bị khai tử, mà sẽ được cải tạo thành một viện bảo tàng ký ức thế kỷ 20.

Cầu Long Biên khoảng năm 1940.
Cầu Long Biên khoảng năm 1940. Flickr.com
Quảng cáo

Dự án của kiến trúc sư Nguyễn Nga vào cuối năm ngoái đã được thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận cho thực hiện. Hiện đang ở Việt Nam để thúc đẩy dự án này, kiến trúc sư Nguyễn Nga trả lời phỏng vấn RFI :

09:38

Kiến trúc sư Nguyễn Nga

RFI : Kính chào kiến trúc sư Nguyễn Nga. Từ khi nào mà bà nẩy ra ý định biến cây cầu Long Biên thành một viện bảo tàng ký ức thế kỷ 20 ?

KTS Nguyễn Nga: Tôi là người sống tại Paris, mà nhà tôi lại ngay cạnh tháp Eiffel, thành ra khi lần đầu tiên tôi về Hà Nội vào 1989, đi lên trên cây cầy Long Biên, tôi mới ý thức được là ở Việt Nam có một cây cầu huyền thoại, chở trên mình cả một thế kỷ về ký ức của Hà Nội một thời đạn bom và một thời hòa bình. Tôi cứ nghĩ là một ngày nào đó sẽ biến cây cầu này thành một đại lộ như Champs-Elysée, đại lộ vì hòa bình.

Nhưng phải chờ đến năm 2007, lúc đó phía Pháp, tức là Poste d’expansion économique, có nói với tôi : "Bà đã lo rất nhiều dự án sử dụng ODA ( viện trợ phát triển chính thức ) của Pháp, nhưng ở đây có một dự án 60 triệu euro, do chính phủ Pháp hai đời tổng thống François Mitterand và Jacques Chirac cấp. Nhất là tổng thống Chirac, sau khi sang thăm Việt Nam, ông ấy có rất nhiều cảm xúc với cầu Long Biên, nghĩ rằng một cây cầu đã hơn 100 năm mà người Việt Nam còn giữ gìn nó, để nó còn sống đến ngày hôm nay, thì mình phải làm cho nó có một tương lai huy hoàng hơn."

Chính phủ Pháp đã cho 1 triệu euro để nghiên cứu cây cầu ấy. Sau một năm nghiên cứu, họ nói là muốn sửa cây cầu này thì phải có 60 triệu euro. Phía Pháp chờ Việt Nam có một phương án phù hợp và họ sẵn sàng tài trợ 60 triệu euro. Nhưng 5 năm sau, Việt Nam vẫn chưa có một phương án nào phù hợp và tới năm 2007, đại sứ quán Pháp nói với tôi rằng, nếu năm nay, phía Việt Nam không trả lời chính thức về số tiền Pháp đề nghị, thì chúng tôi sẽ cất số tiền này ở chỗ khác.

Tôi mới đi tìm hiểu thì mới biết lúc đó có một quyết định là cây cầu này sẽ bị tháo dỡ, thay vào đó là một cây cầu mới. Tôi thực sự hoảng hốt, vì một cây cầu không những có một vẻ đẹp lịch sử của thời kiến trúc sắt thép đỉnh cao nhất, mà còn là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, thế mà mình lại tháo dỡ nó. Thành ra tôi mới đề ra ngay một ý kiến, đó là kêu gọi cả thế giới và toàn dân ý thức về ký ức đó. Thành ra tôi mới tổ chức festival trên cây cầu Long Biên trong gần ba ngày, từ tối thứ Sáu đến tối Chủ nhật, với 20 loại hình nghệ thuật khác nhau. Tôi mời 69 quốc gia mang cờ của họ đến để cắm vào chữ hòa bình bằng tất cả mọi thứ tiếng. Lúc đó các quốc gia rất là hân hoan đáp ứng và tôi luôn luôn mở màn với một cuộc đi bộ vì hòa bình. Tất cả các thành phần của dân tộc cũng như của các quốc gia đi bộ từ đầu này qua đầu kia. Tôi đã là được hai lần với sự ủng hộ của thành phố Hà Nội vào năm 2009 và 2010.

RFI : Từ những kinh nghiệm, hiểu biết của một kiến trúc sư sống tại Paris, bà đã thiết kế như thế nào dự án biến cầu Long Biên thành viện bảo tàng ký ức thế kỷ 20 ?

KTS Nguyễn Nga : Về đoạn cầu cạn đi vào phố, tôi nhớ ở Paris cũng có một đoạn cầu cạn y như thế, gọi là Viaduc des Arts, dưới đó cũng có những vòm như vòm cầu Long Biên. Cầu có 131 vòm thì tôi muốn biến 131 vòm đó thành phố nghề nghệ thuật của Việt Nam và thế giới. 100 vòm là dành cho 100 làng nghề Việt Nam và 30 vòm là 30 làng nghề của các nước. Trên đó sẽ xây một vườn treo. Sau đó, bên kia Gia Lâm thì chúng tôi muốn làm một tháp sen như là biểu tượng quốc hoa của Việt Nam và trong đó là một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại.

Tôi muốn biến château d’eau, tức tháp nước Hàng Đậu, thành một viện bảo tàng cổ vật. Bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành một écrin, tức là một công viên nghệ thuật, trên đó có bảo tàng nông nghiệp Việt Nam. Tức là các thứ đã sẵn có ở đấy, không cần phải xây mới, chỉ cần tôn tạo, nâng cấp lên.

Từ năm 2018, tôi đã tổ chức hai cuộc hội thảo, đã được người dân ủng hộ rất nhiệt tình, mạnh nhất là giới truyền thông, rồi các chuyên gia đầu ngành, các nhà sử học cũng đều ủng hộ dự án này. Nhưng đó là một dự án lớn, liên quan vừa đến Hà Nội, vừa đến bộ Giao Thông, Văn Hóa, đến các nhóm lợi ích khác nhau, thành ra ( vận động cho dự án này ) rất là vất vả.

RFI : Cụ thể, cầu Long Biên sẽ được cải tạo ra sao để trở thành một viện bảo tàng thật sự, một nơi triển lãm văn hóa, chứ không còn là cây cầu phục vụ cho giao thông?

KTS Nguyễn Nga : Hiện nay, một nửa cầu, tức là trên 9 nhịp còn nguyên thì chúng tôi sẽ giữ 9 nhịp đó. Trên đó chúng tôi sẽ triển lãm những đầu tàu hơi nước trên một nền kính trong veo, để người ta có thể nhìn thấy đường ray cũ và sông Hồng. Trên những đầu tàu đó chúng tôi sẽ làm thành những viện bảo tàng ký ức của đường sắt, những quán cà phê musée, những restaurant musée.

Long Biên sẽ trở thành cây cầu văn hóa, chứ không phải cầu giao thông nữa, vì Nhà nước Việt Nam đã quyết định sẽ đưa đường xe hỏa sang một cây cầu khác, cách đó khoảng 75 mét về phía thượng nguồn. Cây cầu văn hóa đó sẽ biến thành cây cầu đi bộ, với hai làn đường đi bộ hai bên. Về khung cầu thì chúng tôi dùng lại khung cũ và bảo tồn nó bằng phương pháp đinh tán rivet, còn nữa cầu bên kia đã bị đánh bom sập, thì chúng tôi tái dựng lại bằng phương pháp đúc mới.

Trên đoạn nửa cầu đó, bên phía Gia Lâm, chúng tôi sẽ cho ốp kính trong vào, để làm cây cầu hai tầng, tạo ra được một không gian để làm những gallery, và làm một bảo tàng ký ức có lẽ là dài nhất thế giới, sử dụng toàn năng lượng xanh : năng lượng mặt trời, và năng lượng của dòng sông. Cầu đủ cao để chúng tôi làm hai tầng. Tầng dưới là tất cả các gallery và tầng trên là bảo tàng theo đúng chiều dài của khung cầu. Hai bên là làn đường đi bộ có thể được nới rộng ra một chút.

Đoạn ở giữa, tức là đoạn qua sông, thì chúng tôi sẽ nâng lên 3 mét cho bằng với chiều cao của những cầu khác, vì cầu Long Biên hiện là cây cầu thấp nhất và cản trở lưu thông của tàu bè trên sông Hồng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.