Vào nội dung chính
VIỆT NAM

RSF lên án nạn ngược đãi nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam

Trong một thông cáo đăng trên mạng hôm qua, 07/03/2019, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, nêu lên trường hợp của nhà báo Nguyễn Văn Hóa, bị giam từ hơn 2 năm nay và gần đây đã tuyệt thực để phản đối những hành vi bạo lực đối với anh. Phóng viên không biên giới thông báo là trước tình trạng ngược đãi các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam, họ sẽ đưa vấn đề lên Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tra tấn, để tình trạng này chấm dứt.

Nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị xét xử tại tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh, tháng 11/2017.
Nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị xét xử tại tòa án ở tỉnh Hà Tĩnh, tháng 11/2017. Vietnam News Agency / AFP
Quảng cáo

Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án 7 năm tù trong phiên xử vào tháng 11/2017 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Ngày 22/02 vừa qua, anh đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối điều kiện giam cầm và những hành vi ngược đãi.

Trong thông cáo, ông Daniel Bastard, đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên không biên giới, viết : “Tuyệt đối không thể chấp nhận việc một nhà báo, đã bị bỏ tù chỉ vì muốn mang thông tin đến cho dân mình, lại phải tuyệt thực để đòi được tôn trọng các quyền cơ bản nhất, mà đầu tiên là quyền được bảo vệ thân thể.”.

Ông Bastard kêu gọi Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nạn tra tấn giải quyết vụ này, để chấm dứt các vụ vi phạm tương tự.

Trong bản thông cáo nói trên, Phóng viên không biên giới còn nhắc lại vụ tuyệt thực của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) vào tháng 07/2018 để phản đối cách đối xử vô nhân đạo đối với cô. Blogger này đã được trả tự do vào tháng 10/2018 với điều kiện phải rời khỏi Việt Nam.

Theo Phóng viên không biên giới, những trường hợp nói trên chỉ phản ánh một phần những điều kiệm giam cầm kinh khủng đối với 29 nhà báo-công dân đang bị giam ở Việt Nam. Tổ chức này nêu tên nhà báo Trương Minh Đức, bị giam xa nhà gần 2.000 km dù đang bị bệnh nặng về tim mạch, hay blogger Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người cũng đã từng tuyệt thực vào tháng 03/2017 để phản đối các hành vi bạo lực đối với cô.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.