Vào nội dung chính
VIỆT NAM - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Tự do ngôn luận: Giới nhân quyền hối thúc Liên Âu gây áp lực với Hà Nội

Ngày 04/03/2019, Liên Hiệp Châu Âu dự kiến có cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 8 với chính quyền Việt Nam. Nhân dịp này, một số tổ chức nhân quyền lên tiếng kêu gọi Bruxelles gia tăng áp lực để Hà Nội chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận, tôn trọng quyền lập hội, phóng thích tù nhân chính trị.

Một số nhà hoạt động và blogger Việt Nam bị bỏ tù vì bị coi là đối lập chính trị (Ảnh: www.hrw.org)
Một số nhà hoạt động và blogger Việt Nam bị bỏ tù vì bị coi là đối lập chính trị (Ảnh: www.hrw.org)
Quảng cáo

Cuộc đối thoại về nhân quyền lần thứ 8 Liên Âu – Việt Nam được tổ chức ở Bruxelles trong bối cảnh Nghị Viện Châu Âu có kế hoạch bàn thảo về Hiệp Định Tự Do Thương Mại Liên Âu – Việt Nam (EVFTA) trong những tháng tới. Giới bảo vệ nhân quyền hy vọng việc thông qua hiệp định thương mại này phải đi liền với việc cải thiện đáng kể tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Trong một thông báo ra ngày hôm nay, 04/03, Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Nhân Quyền Việt Nam (VCHR) kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gây áp lực với Việt Nam yêu cầu « ngừng các cuộc đàn áp nhắm vào những người bất đồng chính kiến bày tỏ quan điểm ôn hòa, hủy bỏ các điều luật đàn áp, trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ tù nhân chính trị ».

Theo tổng thư ký Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền, « các hành động tấn công đang diễn ra của chính quyền Việt Nam nhắm vào các quyền tự do chính trị và dân sự làm xói mòn khả năng của chính quyền trở thành một đối tác kinh tế bền vững của Liên Hiệp Châu Âu. Châu Âu cần gây áp lực để Hà Nội ngừng đàn áp xã hội dân sự và tiến hành khẩn cấp các cải cách về luật pháp và định chế ».

Về phần mình, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), cuối tháng 2/2019, cũng gửi một tờ trình đến Liên Hiệp Châu Âu để yêu cầu Liên Âu « gây sức ép để Việt Nam ngay lập tức phóng thích các tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị; chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội, nhóm họp và đi lại; cho phép tự do thông tin; ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn công an bạo hành ».

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đánh giá năm 2018 là năm mà đàn áp nhân quyền tại Việt Nam gia tăng. Theo HRW, chính quyền Việt Nam đã kết án và bỏ tù ít nhất 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền, căn cứ theo nhiều điều luật mang tính đàn áp. Số án tù trong năm 2018 tăng gấp ba lần so với năm 2017.

Liên Đoàn Quốc Tế về Nhân Quyền (FIDH) cũng ghi nhận việc đàn áp, bạo hành nhắm vào những nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà tranh đấu, các blogger bất đồng chính kiến và thành viên của nhiều nhóm tôn giáo gia tăng trong năm 2018. Ít nhất 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.

FIDH đặc biệt chú ý đến các đàn áp nhắm vào những người bày tỏ quan điểm ôn hòa trong các cuộc biểu tình hồi đầu mùa hè năm 2018 chống lại hai dự luật về Đặc Khu Kinh Tế và An Ninh Mạng. Hàng trăm người biểu tình bị bắt. Ít nhất 118 người tham gia bị phạt tù sau đó.

Nhân quyền gắn chặt với Hiệp định khung về hợp tác Liên Âu – Việt Nam

Tháng 10/2018, Ủy Ban Châu Âu tuyên bố chấp thuận Hiệp Định Tự Do Thương Mại Liên Âu – Việt Nam. Hiệp định nói trên đang chờ sự phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu. Hiệp định EVFTA ràng buộc chặt chẽ với Hiệp Định Khung về Đối Tác và Hợp Tác Toàn Diện giữa Liên Âu và Việt Nam (PCA), ký kết năm 2012.

Tuy nhiên, Hiệp định PCA có thể bị đình chỉ, nếu Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền. Tháng 9/2018, 32 nghị sĩ Nghị Viện Châu Âu ký thư ngỏ kêu gọi Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi Hiệp Định Tự Do Thương Mại được đưa ra bỏ phiếu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.