Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Mô hình kinh tế Việt Nam chưa hẳn có hấp lực với Bắc Triều Tiên

Đăng ngày:

Sau khi đạt được mục tiêu đầu tiên trong chiến lược « Byongjin – Song tiến », được tiến hành từ năm 2013: đó là sở hữu năng lực hạt nhân, giờ đây, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un muốn tập trung phát triển kinh tế, đồng thời vẫn duy trì được chế độ độc tài cai trị.

Hợp tác kinh tế Liên Triều: Nhân viên Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Kaesong (ảnh chụp ngày 19/12/2013)
Hợp tác kinh tế Liên Triều: Nhân viên Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Kaesong (ảnh chụp ngày 19/12/2013) REUTERS/Kim Hong Ji
Quảng cáo

Không ít chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể là một mô hình cho Bắc Triều Tiên noi theo. Nhưng cũng có những ý kiến khẳng định Bình Nhưỡng có mô hình phát triển riêng và Bắc Triều Tiên chỉ học tập kinh nghiệm của Việt Nam trên một số lĩnh vực nào đó.

Ngày 27/04/2018, tại thượng đỉnh Liên Triều lần thứ I giữa Kim Jong Un và Moon Jae In, lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng thổ lộ rằng ông rất quan tâm đến chính sách mở cửa từng bước do Hà Nội tiến hành từ năm 1986. Tháng 7/2018, trên đường đến Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có phát biểu : « Nhìn vào sự thịnh vượng hiện nay của Việt Nam và mối quan hệ đối tác của Mỹ với nước này, tôi muốn nói với lãnh đạo Kim Jong Un là tổng thống Donald Trump tin rằng đã đến lượt đất nước của ông có thể đi theo con đường này nếu như ông nắm lấy được cơ hội ».

Trong bối cảnh thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/02, nhiều nhà phân tích nói đến việc Bắc Triều Tiên rất có thể lấy cảm hứng từ chính sách « Đổi Mới » mà đảng Cộng Sản Việt Nam đề ra từ năm 1986, từng bước chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa, chỉ đạo từ trung tâm của Liên Xô trước đây sang nền kinh tế thị trường mà ở đó các doanh nghiệp Nhà nước chiếm vị trí thống lĩnh.

Theo quan sát và nhận định của một số chuyên gia nước ngoài đã tới Bắc Triều Tiên trong những năm vừa qua, chính quyền Bình Nhưỡng tuy vẫn duy trì hệ thống kế hoạch hóa tập trung và kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, nhưng đồng thời đã thử nghiệm một số cải cách phát triển kinh tế theo hướng thị trường. Năm 2016, kinh tế Bắc Triều Tiên có đã có tốc độ phát triển nhanh nhất trong vòng 17 năm qua. Và dường như lần đầu tiên thu nhập bình quân đầu người ở Bắc Triều Tiên vượt ngưỡng 1000 đô la.

Theo bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên vẫn nằm trong số các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp nhất thế giới. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của nước này dao động trong khoảng 4% (số liệu của Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc) – 4,9% (số liệu của Bắc Triều Tiên). Nông nghiệp chiếm khoảng 25% tỷ trọng GDP, trong khi công nghiệp, chủ yếu sản xuất vũ khí, 41% và khu vực dịch vụ 33,5%.

Đây chính là một trong những điểm khác biệt lớn giữa Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Chính quyền Hà Nội tiến hành mở cửa vào lúc nền kinh tế kiệt quệ, trong khi mà tại Bắc Triều Tiên hiện nay đời sống người dân đã khá hơn nhiều như nhận xét của ông Théo Clément, chuyên gia địa kinh tế, hiện đang giảng dậy tại trường King's College, Luân Đôn.

Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử, chuyên gia Clément cho biết :

« Mặc dù có các trừng kinh tế rất hà khắc của quốc tế - nhưng Trung Quốc ít thực hiện - nền kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn hoạt động tốt, không ngừng được cải thiện rõ nét, ít ra là kể từ giữa những năm 2000. Do không có những số liệu thống kê khả tín, giới chuyên gia đành phải dựa vào những quan sát trên thực địa, và phương pháp này tương đối bị hạn chế do những giới hạn mà chính quyền Bình Nhưỡng áp đặt. Tuy nhiên, có những dấu hiệu rõ ràng, không thể nhầm lẫn được, ví dụ như sự biến đổi ngoạn mục của Bình Nhưỡng thành một thành phố, việc cung cấp điện, khẩu phần lượng thực, thực phẩm được cải thiện… »

Với thực trạng kinh tế như vậy, câu hỏi được đặt ra : Một khi vấn đề phi hạt nhân và cấm vận được giải quyết, liệu Bắc Triều Tiên có thể phát triển như Việt Nam được không ? Về điểm này, chuyên gia Théo Clément khẳng định Bình Nhưỡng « thừa khả năng » để phát triển kinh tế như Việt Nam, nhưng ông không chắc rằng Việt Nam là một mô hình lý tưởng để Bắc Triều Tiên noi theo.

« Tôi hơi bi quan. Không phải vì khả năng của Bắc Triều Tiên, bởi vì nước này hoàn toàn có thể sao chép được chiến lược phát triển của Việt Nam (Bắc Triều Tiên có các lợi thế so sánh gần như Việt Nam và lại có thêm phần bổ sung hỗ trợ kinh tế tuyệt vời của nước láng giềng miền nam là Hàn Quốc).

Tuy nhiên, tôi không chắc là mô hình Việt Nam có hấp lực đối với nhiều người Bắc Triều Tiên. Người ta đã nhiều lần đưa ra các hứa hẹn cải cách (theo mô hình Trung Quốc, Singapore, Việt Nam v.v.) trong các giai đoạn xích lại gần với cộng đồng quốc tế, nhưng chưa bao giờ các lời hứa này được thực hiện. »

Việt Nam và Bắc Triều Tiên trên danh nghĩa đều nói tới việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng lại dựa trên hai hệ tư tưởng khác nhau. Một bên tuyên bố theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin, còn bên kia là theo tư tưởng « Juche – Chủ thể ». Chính trị độc lập, kinh tế tự chủ và tự vệ về quốc phòng, ba nguyên tắc này của chủ thuyết Juche in sâu trong tâm trí tầng lớp tinh hoa Bắc Triều Tiên.

Hơn nữa cơ cấu lãnh đạo chính trị cũng khác biệt giữa hai nước. Việt Nam được cho là theo mô hình lãnh đạo tập thể, còn Bắc Triều Tiên là « cha truyền con nối » và lãnh đạo Kim Jong Un có quyền lực tuyệt đối. Những yếu tố này tác động đến quá trình cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Clément nhận định :

« Ngược lại với những gì mà phương Tây nghĩ rằng đã nhìn thấy, người Bắc Triều Tiên - hay ít ra là giới tinh hoa - thường rất gắn bó với hệ thống kinh tế và chính trị của nước họ và theo tôi, họ thiên về việc tìm cách chỉnh sửa những tác động tiêu cực hơn là thay đổi toàn bộ cấu trúc chế độ. Bắc Triều Tiên đã bắt đầu cải cách từ những năm 1990 và nếu như thực sự họ quan tâm đến mô hình phát triển của các nước khác, ví dụ như Việt Nam, thì theo tôi, người ta có thể đã nhìn thấy được các kết quả.

Ngược lại, Bắc Triều Tiên lại rất tài tình trong việc tạo ra cảm giác hiện đang rất phổ biến tại phương Tây và ở các nước châu Á khác, theo đó, Bắc Triều Tiên không thể tồn tại như hiện nay, rằng Bình Nhưỡng rất thèm muốn mô hình của các nước khác và họ sẽ sớm tiến hành cải cách, thay đổi.

Đương nhiên, Bình Nhưỡng cũng có quyết tâm phát triển kinh tế, đặc biệt được thể hiện qua các mối quan hệ chặt chẽ hơn với bên ngoài. Thế nhưng, đây không phải là điều gì mới mẻ cả. Bắc Triều Tiên không bao giờ là một quốc gia tự cung tự cấp. Trên phương diện kinh tế, Bắc Triều Tiên luôn luôn tìm cách có các trao đổi với bên ngoài, nhưng đồng thời cố gắng hạn chế tối đa tác động của những trao đổi đó đối với chiến lược phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng. Cho đến lúc này, tôi không thấy có gì thực sự thay đổi trong mô hình phát triển. »

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Nếu quyết định phát triển kinh tế thị trường, Bắc Triều Tiên buộc phải tiến hành một số thay đổi triệt để liên quan đến các vấn đề như sở hữu tư nhân (đất đai, bất động sản...), sự trỗi dậy của khu vực kinh tế tư nhân. Liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận những cải cách này hay không ?

Chuyên gia Théo Clément giải thích tiếp :

« Có và Không. Nếu như tại Bắc Triều Tiên vẫn luôn luôn tồn tại các khu chợ của nông dân, kể từ sau nạn đói, thì các thay đổi đã diễn ra nhanh chóng trong những năm 2000. Đương nhiên, quyền sở hữu tư nhân không được thừa nhận, nhưng chính phủ từng bước trao quyền nhiều hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp này có thể hoạt động độc lập nhiều hơn. Hiện nay, có rất nhiều người Bắc Triều Tiên, ngoài công việc chính thức, đi làm thêm trong các dự án, doanh nghiệp tư nhân có quy mô tương đối lớn.

Đúng là có vấn đề bảo đảm về pháp lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Bắc Triều Tiên, nhưng hiện nay, luật pháp nước này đang được soạn thảo lại toàn bộ nhằm tạo thuận lợi cho các trao đổi với đối tác nước ngoài. Ví dụ, Luật về Đặc Khu Kinh Tế Rason (2011) bao gồm « những quy định phù hợp với các chuẩn mực quốc tế » hoặc thậm chí phù hợp các « nguyên tắc của thị trường », cho dù việc áp dụng trên thực tế, cho đến nay, vẫn còn khá mập mờ.

Tuy nhiên, cần nhắc lại là khuôn khổ pháp lý của Trung Quốc, nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài nhiều nhất, trên phạm vi thế giới, cũng có nhiều khiếm khuyết. Điều giúp cho Trung Quốc có được phát triển nhẩy vọt, đó là tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư về thành tâm tiến hành cải cách và sự hấp dẫn của một thị trường nội địa khổng lồ. Bắc Triều Tiên không có được những lợi thế đó. »

Năm 2017, khi cho rằng đã hoàn thành sứ mệnh thứ nhất, tức là làm chủ được công nghệ chế tạo bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo, lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố đã đến lúc phải nâng cao mức sống và cải thiện tiện nghi cho người dân. Do đó, phát triển kinh tế, mục tiêu thứ hai của chính sách Byongjin – Song tiến cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa.

Các nỗ lực ngoại giao gần đây của Bình Nhưỡng là nhằm giảm bớt áp lực và cấm vận kinh tế của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, chuyên gia Théo Clément lưu ý là thực tâm chính trị tiến hành cải cách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên lệ thuộc nhiều vào kết quả các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

« Liên quan đến các khía cạnh chính trị, Bình Nhưỡng hoàn toàn không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào là sẽ tiến hành cải cách trong ngắn hạn. Theo tôi, việc cải cách chính trị cực kỳ ít khả năng chừng nào tình hình an ninh của Bắc Triều Tiên vẫn còn căng thẳng. Nếu Trump và Kim đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, và quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Hoa Kỳ được dịu đi, tình hình kinh tế được cải thiện đáng kể, lúc đó, có thể người ta sẽ thấy có một sự uyển chuyển, linh hoạt về chính trị. Tuy nhiên, có quá nhiều giả định và như vậy thì mọi việc rất khó xẩy ra. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.