Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un lần hai sẽ diễn ra ở Hà Nội

Hôm qua, 08/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra ở Hà Nội. Cho tới nay, người ta chỉ được biết là thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/02 ở Việt Nam, nhưng không biết cụ thể là ở thành phố nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/06/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/06/2018. REUTERS/Jonathan Ernst/File Photo
Quảng cáo

Trên mạng Twitter, tổng thống Trump viết: “ Các đại diện của tôi vừa rời Bắc Triều Tiên sau một cuộc họp đạt nhiều kết quả. Thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27 và 28/02”. Ông viết thêm: “ Tôi rất nóng lòng gặp chủ tịch Kim và thúc đẩy hòa bình”.

Theo hãng tin AFP, cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa có thông báo chính thức về thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hôm qua, trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp của quân đội Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un cũng không đề cập đến thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump.

Cũng trên mạng Twitter hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ cho rằng Bắc Triều Tiên “sẽ có một tương lai tươi sáng hơn về mặt kinh tế” và dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, nước này sẽ trở thành một “cường quốc kinh tế”.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 06/2018, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã ký một tuyên bố với nội dung rất mơ hồ, ủng hộ việc “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Nhưng cho tới nay, đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn gặp bế tắc. Các nhà phân tích hy vọng là cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa tổng thống Donald Trump với chủ tịch Kim Jong Un sẽ đạt kết quả cụ thể hơn.

Đàm phán Mỹ-Triều vẫn sẽ gay go cho đến ngày thượng đỉnh lần II

Washington và Bình Nhưỡng đã thống nhất ý kiến được trên vấn đề thời gian và địa điểm của Hội Nghị Thượng Đỉnh Trump-Kim lần thứ hai. Tuy nhiên, theo ông Stephen Biegun, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên vào hôm nay, 09/02/2019, từ lúc này cho đến lúc khai mạc hội nghị là ngày 27/02 tại Hà Nội, vẫn còn một số công việc khó khăn phải hoàn thành.

Phát biểu ở Seoul sau ba ngày đàm phán với phía Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng, đặc sứ Mỹ xác nhận rằng các cuộc thương thuyết nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump-Kim lần II đã có kết quả. Thế nhưng từ nay đến đó, cần phải có thêm nhiều cuộc đối thoại khác, trong đó có một cuộc gặp mới giữa ông Biegun với người đồng cấp Bắc Triều Tiên Kim Hyok Chol.

Trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha để thông tin về kết quả vòng đàm phán với Bắc Triều Tiên, đặc sứ Mỹ nhận định: “Chúng tôi vẫn còn một số công việc khó khăn phải làm với Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên… Tôi tin tưởng rằng nếu cả hai bên đều giữ đúng cam kết, chúng tôi có thể đạt được tiến bộ thực sự…”

Về phần mình, bộ Ngoại Giao Mỹ nêu rõ nội dung ba ngày đàm phán của ông Biegun tại Bình Nhưỡng. Đó là thẩm định kết quả của việc thực hiện các cam kết của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên nhân thượng đỉnh Singapore: “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thay đổi quan hệ Mỹ-Bắc Triều Tiên và xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên”.

Ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng: Không còn cấm vận

Theo hãng tin Pháp AFP, trong những ngày tới đây cần phải chú ý xem là liệu phía Mỹ có đề nghị dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế hay không để đánh đổi lấy việc Bình Nhưỡng có những bước phi hạt nhân hóa cụ thể.

Vào hôm qua, tổng thống Trump đã vẽ lên viễn cảnh một nước Bắc Triều Tiên là cường quốc kinh tế, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng điều mà Kim Jong Un muốn hiện nay chính là Mỹ và quốc tế bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Giáo sư Park Won Gon, thuộc Đại Học Handong (Hàn Quốc) khẳng định: “Điều mà Bình Nhưỡng muốn nhất vào lúc này là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện hành… Ý tưởng trở thành một cường quốc kinh tế có vẻ quá mơ hồ, thậm chí không thực tế đối với họ vào thời điểm hiện tại”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.