Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Quốc tế tiếp tục thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền

Đăng ngày:

Ngày 22/01/2019, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, đã diễn ra Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Phiên đối thoại này đã cho thấy là trên vấn đề nhân quyền, vẫn còn rất nhiều khác biệt giữa Việt Nam và quốc tế trong cách đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.   

Phiên họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 05/11/2018 tại Genève, Thụy Sĩ.
Phiên họp Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 05/11/2018 tại Genève, Thụy Sĩ. Fabrice COFFRINI / AFP
Quảng cáo

Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) là cơ chế do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập từ năm 2008 nhằm rà soát định kỳ tình hình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Trước phiên đối thoại hôm 22/01, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã được xem xét hai lần theo cơ chế UPR vào năm 2009 và năm 2014. Trong phiên kiểm điểm về tình hình nhân quyền Việt Nam lần này đã có tổng cộng 122 nước tham gia đối thoại và phát biểu.

Tại phiên đối thoại ngày 22/01, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã khẳng định là kể từ lần rà soát trước (năm 2014), Việt Nam « đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người ».

Ông Lê Hoài Trung còn nhắc lại là trong thời gian qua Việt Nam đã đón nhiều chuyên gia theo cơ chế các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc; gia nhập thêm 2 công ước nhân quyền cơ bản là Công ước chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).

Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 24/01, tại phiên đối thoại vừa qua, Việt Nam nhận được hơn 300 khuyến nghị từ các nước về nhân quyền và khẳng định là các cơ quan liên quan của Việt Nam « sẽ nghiên cứu, rà soát kĩ lưỡng các kiến nghị này để báo cáo Thủ tướng chính phủ ». Bà Lê Thị Thu Hằng cũng thông báo là theo dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức thông báo các khuyến nghị được chấp thuận tại khóa họp thường kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2019.

Theo báo chí chính thức của Việt Nam, trong phiên đối thoại vừa qua, các nước đã « ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR ». Báo chí chính thức cũng khẳng định là các nước đánh giá Báo cáo quốc gia và phần trình bày của Đoàn Việt Nam là « có chất lượng tốt, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam »; cho rằng Việt Nam « đã có cách tiếp cận tích cực, cởi mở và minh bạch trong quá trình soạn thảo Báo cáo UPR ».

Nhưng trong khi đó, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch thì có cái nhìn khác về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trong bản báo cáo nộp cho phiên kiểm điểm UPR năm nay, được gởi đi ngày 23/07/2018, HRW ghi nhận :

« Kể từ đợt kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần trước vào năm 2014, chính quyền Việt Nam thể hiện rất ít mối quan tâm đối với việc cải thiện hồ sơ nhân quyền. Chính quyền tiếp tục hạn chế các quyền tự do cơ bản về ngôn luận, lập hội, nhóm họp và tôn giáo. Chính quyền sở hữu và kiểm soát truyền thông trong nước, ngăn chặn hay phá sập các trang mạng phê phán chính quyền, và khởi tố những người sử dụng mạng xã hội để phê phán chính phủ ».

Cũng theo HRW, Việt Nam « thường sử dụng các điều luật có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác, để xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo ôn hòa, như tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; “ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. HRW thống kê là chính quyền Việt Nam ( tính đến thời điểm tháng 07/2018 ) đang giam giữ ít nhất 136 người trong tù vì những người này đã thể hiện quan điểm phê phán chính quyền, tham gia biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được nhà cầm quyền công nhận, hay tham gia các tổ chức dân sự hoặc chính trị bị Đảng Cộng Sản xem là mối đe dọa với độc quyền lãnh đạo của mình.

Để cho thế giới hiểu rõ hơn về tình hình nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là về tình trạng của các tù nhân lương tâm, ba thân nhân của các tù nhân này đã đến Genève để gặp đại diện Liên Hiệp Quốc nhân phiên kiểm điểm ngày 22/01. Đó là bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng (20 năm tù), bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ nhà báo Trương Minh Đức (12 năm tù), anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai mục sư Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù). Sáng nay, họ đã được vào đại diện Liên Hiệp Quốc để trình bày về tình trạng của ba tù nhân lương tâm này.

Trả lời RFI Việt ngữ hôm đó, bà Nguyễn Thi Kim Thanh nêu lên trường hợp của chồng bà là nhà báo Nguyễn Minh Đức :

« Từ năm 2002, anh Đức đã là người đi đấu tranh, với mong muốn cho Việt Nam có dân chủ nhân quyền. Chính vì vậy mà ngày 05/05/2007, anh đã bị bắt tại Vĩnh Thuận, Kiên Giang và bị kết án về tội « Lợi dụng quyền tự do dân chủ », theo điều 285 ( Bộ Luật Hình sự ), với án tù là 5 năm. Đúng 5 năm thì anh được trở ra.

Cách hôm anh bị bắt lần sau này hai tháng, thì anh bị đột quỵ. Nếu không được kịp vào bệnh viện thì không biết chuyện sẽ xảy ra như thế nào. Hôm đó là ngày 30/07/2017, hai vợ chồng tôi ra đường tính mua thuốc cho anh. Nhưng ra đến quận 5 thì gần 20 xe, mỗi xe 2 người, chặn ngang nguyên một khúc đường. Họ kéo anh lên một chiếc xe du lịch 16 chổ, còn tôi thì họ đẩy lên một chiếc xe Honda, một người ngồi trước chở, còn người ngồi sau kèm tôi.

Họ chở chúng tôi vào B34, Nguyễn Văn Cừ, đưa chúng tôi vào một phòng, rồi đọc lệnh bắt anh, nói rằng anh phạm vào điều 79 về tội « âm mưu lật đổ chính quyền ». Lúc ấy, anh rất tức giận và bức xúc. Anh nói to lắm : « Tôi là những người dân nhỏ bé như thế này, tôi không thể nào lật đổ chính quyền được, tôi chỉ bất đồng chính kiến về những bất công xã hội hàng ngày, nên tôi chỉ nói lên tiếng nói bằng cây viết, chứ một người bình thường như tôi không thể lật đổ chính quyền được.

Đến ngày 04/05 thì họ đưa anh ra xét xử sơ thẩm. Thật sự, chúng tôi là những người vợ, nghe bản án họ tuyên thì rất là đau lòng và rất là bức xúc, vì chồng tôi là những người đấu tranh cho những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng, ra miền Trung giúp những nạn nhân của tình trạng biển nhiễm độc do công ty Formosa, rồi đi giúp cho các công nhân, cho các anh em đấu tranh. Những gì chồng tôi làm đáng lẻ phải được trân trọng. Chồng tôi làm đúng, không làm gì sai, mà lại bị một bản án mơ hồ, bị gán ghép tội « âm mưu lật đổ chính quyền », bị xử 12 năm tù và 5 năm quản chế thì thật là bất công, là oan sai cho chồng tôi. »

Tuy nhiên, tại phiên UPR ở Genève ngày 22/01, thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Bộ Công an Việt Nam, đã phủ nhận việc các cơ quan chức năng nước này "gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền các nhà hoạt động chính kiến một cách ôn hòa." Theo thiếu tá Sơn, ở Việt Nam « chỉ có những cá nhân vi phạm pháp luật bị bắt và kết án theo đúng quy định pháp luật. »

Đây không phải là quan điểm của Hoa Kỳ : Đại diện của Mỹ, Jason Ross Mack, đã khuyến nghị Việt Nam trả tự do cho ít nhất 4 tù nhân lương tâm, mà theo ông là "những người đã bị bắt độc đoán hoặc không phù hợp với pháp luật chỉ vì thực hiện các quyền con người của mình". Bốn tù nhân lương tâm được đại diện Hoa Kỳ nêu tên là Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyễn. Nói chung, tại phiên kiểm điểm UPR vừa qua, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác chủ yếu đặt vấn đề với Việt Nam về nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận, các tổ chức xã hội dân sự và vấn đề tra tấn những người bị giam giữ.

Chẳng hạn như Anh Quốc đặt câu hỏi là chính phủ Việt Nam sẽ có những bước nào để đáp ứng các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị trong việc thiết lập một hệ thống truyền thông độc lập cũng như có những bước nào để tạo một môi trường an toàn cho tổ chức xã hội dân sự, bao gồm việc điều tra các vụ sử dụng vũ lực với các nhà hoạt động.

Đại diện của vương quốc Bỉ thì đặt thẳng vấn đề: Việt Nam có sửa hoặc thu hồi Luật Báo chí và Luật An ninh mạng để tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị không?

Riêng đại diện của Đức thì hỏi là Việt Nam có kế hoạch khi nào thông qua một luật về hội họp/biểu tình để thực thi quyền tự do hội họp/biểu tình được ghi trong Hiến pháp ? Đại diện Hà Lan cũng đặt vấn đề tương tự với câu hỏi : Việt Nam sẽ sửa đổi khung pháp lý thế nào để tuân thủ điều 21 và 22 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị để đảm bảo quyền tự do hiệp hội và tập họp ôn hòa.

Theo tin từ báo chí chính thức, đến chiều 25/1, Nhóm làm việc về Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã « đồng thuận » thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam. Báo cáo của Nhóm làm việc ghi nhận 291 khuyến nghị do 122 nước đưa ra, đề cập đến nhiều lĩnh vực như xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản, tăng cường hợp tác với các cơ chế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, chia sẻ kinh nghiệm việc trong bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm. Báo cáo về kết quả rà soát UPR của Việt Nam sẽ được xem xét chính thức thông qua tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dự kiến vào tháng 6/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.