Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Việt Nam nóng ruột vì đàm phán COC quá chậm

Vào lúc tình hình Biển Đông được dự báo là một trong những điểm nóng trong năm 2019, trả lời báo chí hôm 15/01/2019, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã tỏ ý nóng ruột về việc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông tiến triển quá chậm chạp.

Ngoại trưởng Trung Quôc Vương Nghị (T) và  ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc gặp tại Hà Nội, ngày 2/ 11/2017.
Ngoại trưởng Trung Quôc Vương Nghị (T) và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trong cuộc gặp tại Hà Nội, ngày 2/ 11/2017. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra ngày 17/01 cho biết, ngoại trưởng Việt Nam xác nhận trở lại rằng tranh chấp Biển Đông là rào cản lớn nhất trong quan hệ Việt - Trung.

Theo báo chí trong nước, khi nhận định về tình hình Biển Đông năm 2018, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc vùng biển này vẫn tiếp tục căng thẳng. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng những dấu hiệu đáng quan ngại mà ông Phạm Bình Minh nêu lên đều liên quan đến những hành động của Bắc Kinh.

"Năm 2018, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do kết quả của việc mở rộng các đảo đá, quân sự hóa các đảo đá. Biển Đông trong tương lai sẽ trở thành khu vực dễ xảy ra xung đột, từ đó ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định không chỉ trong khu vực mà của cả châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, các nước quan tâm và có nhiều hoạt động quân sự diễn tập tại khu vực này, làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn".

Giới phân tích thường cho rằng một trong những giải pháp giúp Biển Đông hạ nhiệt là việc ASEAN và Trung Quốc thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên biển. Về vấn đề này, nhật báo SCMP nhận định rằng ngoại trưởng Việt Nam đã tỏ ý bất mãn là tiến độ đàm phán đã quá chậm chạp, phải mất nhiều năm trời thương thảo mà vẫn chưa đúc kết xong.

Tháng 8/2018, hai bên đã đồng ý trên một văn bản thảo luận, nhưng phải chờ đến năm 2021 thì các cuộc đàm phán mới kết thúc, một thời điểm được ông Minh cho là "chậm hơn dự kiến".

Theo ghi nhận của SCMP, trong các tuyên bố với báo giới, ngoại trưởng Việt Nam cũng xác nhận rằng Biển Đông vẫn là "rào cản lớn nhất" ngăn không cho quan hệ Bắc Kinh - Hà Nội tốt đẹp hơn.

Riêng về cạnh tranh Mỹ - Trung tại Biển Đông, theo nhận xét của tờ báo Hồng Kông, ông Phạm Bình Minh cho biết là Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đang cố cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuần qua khu trục hạm USS McCampbell đi qua gần Hoàng Sa trong một chiến dịch tự do hàng hải và đã làm dấy lên chỉ trích từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với Bắc Kinh, Hà Nội không những không chỉ trích Mỹ, mà lại còn tỏ ý ủng hộ việc bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Lập trường của Việt Nam, qua tuyên bố của ông Phạm Bình Minh, là "nếu hoạt động của các nước, tàu của các nước liên quan tới khu vực Biển Đông, nhằm đóng góp phục vụ mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 thì Việt Nam không phản đối".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.