Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Y tế Pháp giúp Việt Nam tổ chức chăm sóc người cao tuổi

Đăng ngày:

Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và hiện là một trong 10 nước có tốc lão hóa dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), chiếm 11% dân số và dự kiến con số này sẽ tăng thành 26% vào năm 2050.

Tập thể dục dưỡng sinh ở Hà Nội. Ảnh minh họa, chụp ngày 30/10/2015.
Tập thể dục dưỡng sinh ở Hà Nội. Ảnh minh họa, chụp ngày 30/10/2015. Flickr/Boris Thaser
Quảng cáo

Giới chuyên gia cảnh báo hệ thống y tế Việt Nam cần chuẩn bị cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay từ bây giờ, để có thể tránh những khó khăn về kinh tế và xã hội.

Theo giáo sư-tiến sĩ Phạm Thắng, bệnh viện Lão khoa Trung ương, khi trả lời báo chí, « hơn 60% số người cao tuổi cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc, cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc tiêu thụ cho các đối tượng, do đó chi phí y tế cho người già cao gấp từ 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi. Trong khi đó, đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, thiếu thốn vật chất, không có tích lũy ».

Chăm sóc, điều trị sức khỏe cho người cao tuổi còn là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Hầu hết các bệnh viện không có khoa Lão trong khi bệnh lý của người cao tuổi có đặc thù riêng, nhiều người mắc đa bệnh, nên cần một cơ chế theo dõi, chăm sóc một cách toàn diện.

Để bổ sung thiếu sót này, vào tháng 04/2018, bộ Y Tế Việt Nam đã gửi công văn yêu cầu các sở Y Tế, các bệnh viện trực thuộc bộ, thành lập khoa Lão và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tùy theo quy mô của bệnh viện, số giường bệnh của khoa Lão phải chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên).

Y học Pháp hỗ trợ đào tạo chuyên môn Lão khoa

Về mặt chuyên môn, từ nhiều năm nay, Pháp đã hỗ trợ chặt chẽ Việt Nam về đào tạo chuyên sâu Lão khoa. Thực ra, đây là một phần của Chương trình DFMS (Y khoa chuyên ngành) và DFMSA (Y khoa chuyên ngành nâng cao), được đổi tên từ Chương trình FFI (Faisant Fonction d’Interne, Thực hành nội trú, 1993-2009) vào năm 2010.

Tham gia chương đào tạo chuyên sâu Lão khoa tại Việt Nam từ năm 2011 và trở thành người điều phối chương trình kể từ năm 2016, giáo sư Thomas Vogel, trưởng bộ phận Chăm sóc theo dõi và Phục hồi chức năng Lão khoa, Bệnh viện Đại học Strasbourg, giải thích với RFI tiếng Việt một số điểm chính của chương trình hợp tác đào tạo Lão khoa :

« Chương trình có những khóa học kéo dài hai năm gồm 4 học phần, mỗi học phần kéo dài một tuần do hai giáo sư người Pháp đến giảng dạy ở Việt Nam.

Tôi là người soạn chương trình đào tạo và những ca lâm sàng để hỗ trợ khả năng tương tác đối với những đề tài lão khoa khác nhau, như bệnh cơ bắt đầu tan dần (sarcopenia), giới hạn trị liệu, ngã hoặc rối loạn tư thế và dáng đi, rối loạn nhận thức, mọi khía cạnh về tim mạch của người cao tuổi, mọi khía cạnh y tế-xã hội liên quan đến việc quản lý tình trạng bị phụ thuộc, cách tổ chức y tế-xã hội ở Pháp… Tất cả những nội dung trên được giảng dậy trong vòng bốn tuần, mỗi tuần là một học phần.

Chương trình đào tạo đã được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, Huế và nhiều bệnh viện Lão khoa. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 12/2018, tại bệnh viện tỉnh Quảng Ninh ở Hạ Long. Có nghĩa là khóa học được tổ chức ở nhiều địa điểm ở Việt Nam để có thể có được nhiều học viên nhất. Chương trình này dành cho các bác sĩ đã có kinh nghiệm, và kể cả các bác sĩ mới vào nghề hoặc sinh viên nội trú ».

Tổng cộng từ năm 2010 tới cuối 2018, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã phối hợp tổ chức năm khóa đào tạo bằng tiếng Pháp cho 134 bác sĩ trên cả nước. Khóa đào tạo thứ 5 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh với học phần đầu tiên - « Tổ chức chăm sóc người cao tuổi » - vào cuối năm 2018, ba học phần còn lại sẽ được trải dài trong hai năm tới.

Theo cổng thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, song song với lý thuyết, hai giáo sư Pháp, Thomas Vogel (Bệnh viện Đại học Strasbourg) và Patrick Manckoundia (Bệnh viện Dijon), đã trực tiếp thăm khám, tư vấn chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân cao tuổi đang điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, hai giáo sư Pháp tham gia trao đổi, thảo luận và giải đáp những thắc mắc của các bác sĩ trên địa bàn về những vấn đề gặp phải trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh cho người cao tuổi. Giáo sư Thomas Vogel nhận xét :

« Ở Việt Nam, các bác sĩ nắm bắt được toàn bộ lý thuyết nhờ internet, vì thế kiến thức không phải là một vấn đề, mà chỉ là vấn đề kỹ năng và kinh nghiệm. Chúng tôi đến với những kinh nghiệm của mình - như trường hợp của tôi, đã 20 năm tôi làm việc trong ngành Lão khoa - về những chủ đề khó diễn tả được trong sách vở, như về cấp độ trị liệu đối với một bệnh nhân 95 tuổi… Điều này rất phức tạp, vì không có quy tắc, không sơ đồ tổ chức… giúp đưa ra điểm mốc hoặc thông điệp chủ đạo. Đó không phải là phương pháp mà người ta gọi là « Y học dựa vào bằng chứng » (Evidence Based Medecine, EBM).

« Y học dựa vào bằng chứng » đã có ở Việt Nam, các bác sĩ nắm rõ mọi lý thuyết, nhưng có thể họ không có những kinh nghiệm như chúng tôi, không có kinh nghiệm quan trọng trong việc điều trị một số bệnh thoái hóa thần kinh, như bệnh Alzheimer chẳng hạn… Chính ở điểm này, tôi nghĩ là có thể mang đến cho họ kinh nghiệm nào đó ».

Bác sĩ Việt Nam tu nghiệp ở Pháp

Vào tháng Giêng hàng năm, sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bệnh viện Đại học Strasbourg đứng ra tổ chức xét tuyển học Y khoa chuyên ngành (DFMS) và Y khoa chuyên ngành nâng cao (DFMSA) dành cho bác sĩ, dược sĩ Việt Nam theo học tại 32 Bệnh viện Đại học và bệnh viện cấp vùng trên khắp nước Pháp. Trong vòng 25 năm (1993-2018), khoảng 3.000 bác sĩ Việt Nam đã sang Pháp tu nghiệp theo chương trình này. Riêng khoa Lão, do giáo sư Thomas Vogel phụ trách, thuộc Bệnh viện Đại học Strasbourg, đã và sẽ tiếp tục đón nhận bác sĩ Việt Nam :

« Đúng là thông qua chương trình hợp tác quốc tế, chúng tôi đã đón bác sĩ thực hành nội trú đến từ thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/11/2017 đến 01/11/2018 làm việc ở khoa Lão mà tôi điều hành. Yêu cầu đối với vị trí này là có trình độ tiếng Pháp tối thiểu là B2.

Trong chuyến công tác ở Hạ Long vừa qua, tôi đã tiếp xúc với hai người, một người là ứng viên của vị trí nội trú kéo dài một năm, nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc tế, nhưng hai đến ba năm nữa mới sang Pháp. Dĩ nhiên là với điều kiện ứng viên này phải được lựa chọn và chúng tôi tìm được nguồn tài trợ.

Bên thứ hai mà tôi tiếp xúc tại Hạ Long là một tổ chức khác đề xuất một nghiên cứu sinh là bác sĩ ở Hà Nội sang Pháp theo học tiến sĩ một trong số các chủ đề mà tôi phụ trách, đó là khuyến khích hoạt động thể chất ở người cao tuổi ».

Nằm trong chương trình hợp tác Y tế Pháp-Việt, đào tạo Lão khoa được chú ý trong nhiều năm gần đây do tình trạng lão hóa dân số tại Việt Nam. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nội dung nằm trong mục tiêu thứ ba (« Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi ») trong số « 17 mục tiêu phát triển bền vững » (ODD) của « Chương trình nghị sự 2030 » (Agenda 2030) của Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam tham gia từ năm 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.