Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tuyên phong 117 thánh tử đạo Việt Nam, sự kiện lịch sử cách đây 30 năm

Đăng ngày:

Lần đầu tiên những bài thánh ca bằng tiếng Việt được xướng lên tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, trước 30.000 người dự thánh lễ trong đó có trên 8.000 giáo dân Việt Nam đến từ nhiều nước trên thế giới. Đó là ngày 19 tháng Sáu năm 1988, cách đây đúng 30 năm, ngày 117 vị Chân phước tử đạo Việt Nam được giáo hội Công giáo La Mã phong thánh. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử 2.000 năm của giáo hội.

Các linh mục đồng tế trong thánh lễ ở Giáo xứ Việt Nam tại Paris, kỷ niệm 30 năm phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam, ngày 17/11/2018.
Các linh mục đồng tế trong thánh lễ ở Giáo xứ Việt Nam tại Paris, kỷ niệm 30 năm phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam, ngày 17/11/2018. François Nguyễn Ngọc Huy
Quảng cáo

Trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam, có 11 vị gốc Tây Ban Nha là giám mục và linh mục dòng Đa Minh ; 10 vị gốc Pháp là giám mục và linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris ; 96 thánh tử đạo người Việt gồm 37 linh mục và 59 giáo dân. Các vị này đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ 1745 đến 1862, vào thời chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, đời vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ; nhiều nhất là dưới thời Minh Mạng và Tự Đức.

Trả lời RFI Việt ngữ, Đức ông Giuse Mai Đức Vinh, nguyên giám đốc giáo xứ Việt Nam tại Paris cho biết Vatican chưa bao giờ có việc phong một lần 117 vị thánh như vậy. Ở Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào có phong thánh tập thể nhưng số lượng ít hơn. Ngày xưa giáo hội La Mã cũng từng bị bách hại một thời gian rất dài, nhưng số tuyên phong tập thể có danh tính đàng hoàng vẫn không bằng GHVN.

Trước khi được phong hiển thánh, 117 thánh tử đạo đã được ba vị giáo hoàng phong chân phước trong bốn đợt. Theo đức ông Giuse Mai Đức Vinh, tác giả bộ sách « Các thánh tử đạo, thăng hoa văn hóa Việt Nam » gồm ba tập, hồ sơ rất đầy đủ nhờ các thừa sai ngay từ ban đầu đã chú ý thu thập tài liệu. Mỗi vị thánh đều thuộc một họ đạo, một địa phương, họ đạo lưu trữ tài liệu của mỗi vị, nhờ đó sau này những người tra cứu mới có đủ dữ kiện.

Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, cáo thỉnh viên Vụ án phong thánh các chân phước tử đạo Việt Nam trong một bài viết đã cho biết các Hội đồng Giám mục Pháp, Tây Ban Nha và Phi Luật Tân (Philippines) cũng đã hợp sức, gởi thư thỉnh nguyện lên Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, xin phong thánh cho các chân phước tử đạo Việt Nam.

Ngày 22 tháng Sáu năm 1987 tại Vatican, Cơ Mật Viện khoáng đại (gồm 28 Hồng y, 70 tổng giám mục và giám mục) dưới sự chủ tọa của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã bỏ phiếu chấp thuận. Vụ án phong thánh tử đạo Việt Nam được châu phê, đại lễ phong thánh cho 117 vị sẽ được long trọng cử hành vào ngày 19 tháng Sáu sang năm, tức năm 1988.

Tin mừng này loan ra như sấm động, giáo dân người Việt ở các nước trên thế giới đều xôn xao bàn tán việc đi Roma để dự đại lễ. Tuy nhiên giáo dân và tu sĩ trong nước lại bị chính quyền Việt Nam cấm đoán. Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lệnh của chính phủ cấm người Công giáo mừng lễ, các linh mục lẫn giáo dân Việt Nam đều không được phép sang Vatican dự lễ phong thánh.

… Vài ngày trước đại lễ, từng đoàn người tuồn về từ các nhà ga xe lửa và sân bay nước Ý, đâu đâu cũng thấy những chiếc áo dài Việt Nam và tiếng người Việt gọi nhau. Các khách sạn xung quanh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô đều đã được giữ hết chỗ một năm trước. Chị Bùi Phạm Hồng Trang ở California tả lại khung cảnh lúc ấy :

« Ngày hôm đó người Công giáo Việt Nam về Roma đông không thể tưởng tượng, tôi có cảm giác như thành phố Roma là của người Việt. Khách sạn thì kín hết. Chúng tôi đi theo diện ca đoàn, ít phòng ốc quá nên năm, sáu người phải ở chung một phòng, rất chật. Nhưng chúng tôi rất vui, vì đây là cơ hội để chia sẻ, sinh hoạt chung, và cũng thông cảm với những khó khăn của thành phố Roma lúc đó.

Khi ấy đi tới đâu, ngõ ngách nào của Roma đều thấy người Việt Nam. Thủ đô nước Ý mà nghe toàn tiếng Việt thôi. »

Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ viết trên VietCatholic News : « Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức tân kỳ và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ…đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc.

Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của các giáo dân Việt Nam tại Mỹ châu trong dịp này. Từng đoàn quý ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn quý bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ; rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú thời xưa với binh phục nón cối xà cạp đỏ và Ban Văn Tế, đội chiêng trống, lọng chầu…với y phục nghi lễ Á Đông.

Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hương chức trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lui một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ nhị đã cho lệnh mở cửa sổ Văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con Việt Nam đang diễn hành trên Quảng trường Thánh Phêrô. »

Đại lễ phong thánh được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị cử hành vào ngày Chủ nhật, với 28 Hồng y, giám mục, linh mục đồng tế. Bên cạnh ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát bằng tiếng la-tinh, còn có Ca đoàn Tổng hợp Việt Nam từ Mỹ qua đã hát bài Ngày Vinh Thắng của linh mục Ngô Duy Linh, Ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bản nhạc này vang dội hôm ấy ở giữa Thủ đô Vatican có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt.

Chị Bùi Phạm Hồng Trang là một trong ba người điều khiển liên ca đoàn trong đại lễ phong thánh cho biết :

« Việc điều khiển liên ca đoàn Việt Nam hát trong ngày đại lễ phong thánh 117 anh hùng tử đạo Việt Nam lẽ ra được trao cho nhạc sư Hải Linh. Nhưng nhạc sư Hải Linh qua đời đột ngột nên Ban tổ chức trao công việc này cho ba ca trưởng là linh mục Ngô Duy Linh, tôi là ca trưởng Hồng Trang, và ca trưởng Đoàn Trọng Thu.

Đại lễ được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1988. Tôi cùng với ca đoàn Orange County đáp máy bay sang Roma trước vài ngày. Đến nơi, chúng tôi gặp được tất cả các ca đoàn từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về. Tổng cộng số ca viên của liên ca đoàn lên tới ngót 200 người, trong đó có cả một số ca sĩ chuyên nghiệp. Thì giờ tổng dượt không được bao nhiêu nhưng liên ca đoàn hát khá vững vì đã được tập trước tại địa phương, bây giờ chỉ cần ráp lại. Tuy nhiên, cũng cần phải uốn nắn nhiều chỗ. Trong nghệ thuật hợp ca, ca trưởng thường phải khó tính mới có thể giúp ca đoàn hát đúng, vững và hòa hợp được.

Một chuyện khác cũng là một kỷ niệm tôi ghi nhớ là chuyện điều khiển dàn nhạc của các nhạc công người Ý. Họ đệm nhạc cho liên ca đoàn hát và hoà tấu nhiều khúc. Tôi không nói được tiếng Ý và các nhạc công cũng không nói được tiếng Việt, nhưng chúng tôi hiểu nhau và ăn ý với nhau, vì âm nhạc là một thứ ngôn ngữ. Cùng hiểu ngôn ngữ của âm nhạc thì cùng hiểu nhau. Mặt khác, trong nghệ thuật điều khiển ca đoàn và dàn nhạc, mỗi động tác của ca trưởng đều có ý nghĩa. Ca viên và nhạc công đều hiểu ý nghĩa của các động tác ấy.

Trong thánh lễ có ca nhập lễ, ca dâng lễ, ca hiệp lễ và ca kết lễ. Hôm ấy tôi điều khiển bài thứ hai – ca dâng lễ, là bài Ca Khúc Trầm Hương.

Ảnh chụp bức tranh 117 thánh tử đạo Việt Nam.
Ảnh chụp bức tranh 117 thánh tử đạo Việt Nam. François Nguyễn Ngọc Huy

Cũng theo Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ : « Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hò vang. Đài Vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của Chính phủ Ý, liên tục trong ba tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp lãnh thổ nước Ý ».

Buổi chiều sau đại lễ phong thánh là chương trình văn nghệ « Đức Tin và Quê Hương » trình diễn trước Đức giáo hoàng. Chị Hồng Trang kể lại :

« Sau đại lễ phong thánh, hôm sau chúng tôi được yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị trong đại sảnh. Liên ca đoàn lại có dịp cất tiếng hát những bài thánh ca. Khi yết kiến Đức Thánh Cha, tôi được đứng ngay bên cạnh ngài, tôi mừng quá cầm lấy tay ngài mà lắc rất nhiều lần, ngài cũng hiền hòa để yên.

Bây giờ ngài đã thành thánh trên Thiên Đàng, đã đưa tay chuyển ơn lành của Chúa xuống rất nhiều người. Không biết ngài còn nhớ hồi đó có một cô ca trưởng người Việt Nam cứ nắm lấy tay ngài lắc lấy lắc để hay không.

Một chuyện khác tôi cũng nhớ là màn trình diễn của nữ nghệ sĩ Bích Thuận. Hôm ấy bà mặc một bộ võ phục thời xưa, tay cầm một ngọn giáo dài. Bà bước tới trước mặt Đức Thánh Cha, vung dáo lên mà múa. Lập tức, đội vệ sĩ của Đức Thánh Cha ào ra bảo vệ ngài, vì không biết nữ nghệ sĩ Bích Thuận sẽ làm gì với cái giáo này. Riêng Đức Thánh Cha, ngài vẫn bình tĩnh và vui vẻ, không thấy ngài thụt lùi lại và cũng không thấy sắc mặt ngài thay đổi. »

Không chỉ có màn vũ « Trưng Trắc Trưng Nhị » của nghệ sĩ Bích Thuận, mà còn điệu vũ « Dâng Hoa » của cả trăm em thiếu nhi Việt Nam cũng rất ấn tượng.

Chị Hồng Trang : « Tôi nhớ ngày hôm đó cả trăm em thiếu nhi từ 10 tới 16 tuổi, đội khăn đóng màu vàng, mặc áo vàng rất đẹp diễn trong đại sảnh. Rồi có cả một em người Việt Nam đọc một bức thư bằng tiếng Ba Lan, là ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng nên ngài rất cảm động, ôm lấy em bé đó. Tất cả những người Việt có mặt đều vỗ tay hoan hô ».

Vì sao chính phủ Việt Nam thời đó phản đối, cấm đoán việc tuyên phong 117 thánh tử đạo Việt Nam ? Theo Đức ông Giuse Mai Đức Vinh, có nhiều lý do. Hồi ấy Hà Nội chưa lập bang giao với Tòa Thánh, và chính quyền cộng sản cũng sợ đức tin của người Công giáo Việt Nam được thổi bùng lên ; nói chung là một tâm lý hoảng sợ vô căn cứ.

Được biết Hà Nội nại ra đủ cớ, chẳng hạn Vatican không hỏi ý kiến chính quyền Việt Nam, có một số trường hợp được phong hiển thánh cần phải xét lại, cho rằng việc phong thánh làm « tổn hại đến đoàn kết dân tộc »…Theo Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, lễ tuyên thánh Việt Nam dự kiến vào ngày 29/06/1988, nhưng do trùng với lễ kính hai vị thánh lừng danh là Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và Đức Giáo Hoàng phải tông du, nên rốt cuộc chỉ có thể tổ chức vào ngày 19/06. Đó là lý do duy nhất. Một điều mà Tòa Thánh không hề nghĩ đến, là Hà Nội nghi ngờ Vatican muốn…kỷ niệm Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa !

Trong khi đó theo quan điểm của Công giáo, các thánh tử đạo là những tín hữu đã chết vì lý do hoàn toàn tôn giáo : không chịu bỏ đạo, không chịu bước qua cây thập giá. Không có bằng chứng nào cho thấy các bản án dành cho các vị có liên quan đến chính trị. Chẳng hạn Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan (1771-1840) tại pháp trường đã nói với dân chúng : « Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu và vì không chịu bỏ đạo Kitô ».

Theo Đức ông Giuse Mai Đức Vinh, ý nghĩa của việc phong thánh, trước hết là làm nổi bật lịch sử truyền giáo Việt Nam, và sự cộng tác của giáo dân với các vị thừa sai bị bách hại. Vì trong 117 vị hiển thánh, đa số vẫn là giáo dân, và số giáo dân đã chết vì đạo lên tới 130.000 người. Đặc biệt những ông trùm họ, chánh trương…đã cộng tác với hàng giáo sĩ ngay từ đầu thời truyền giáo. Nhờ sức mạnh đó giáo hội Việt Nam mới đứng vững. Ở miền bắc từ 1954 bị tê liệt trong chế độ cộng sản, nhưng nhờ đức tin giáo dân vẫn giữ được truyền thống ông cha, và sau 1975 sức sống từ bao nhiêu năm bị kìm hãm lại nổi bật lên.

Ý nghĩa thứ hai là tinh thần sống đức tin của giáo hội Việt Nam không hời hợt mà có chiều sâu. Chính nhờ chiều sâu đó mà có bằng ấy tín hữu sẵn sàng chết vì đạo, sức mạnh đó giúp giáo hội tồn tại và phát triển.

Ngày lễ kính chung cho các thánh tử đạo Việt Nam là ngày 24/11. Năm nay, kỷ niệm 30 năm tuyên phong 117 thánh tử đạo Việt Nam, các giáo xứ ở nhiều nơi đã tổ chức những buổi lễ long trọng. Chẳng hạn tại giáo xứ Việt Nam ở Paris, lễ kính 117 vị thánh diễn ra vào ngày Chủ nhật 17/11. Tại giáo phận Vinh ngày Chủ nhật 24/11, có 32 phó tế được truyền chức linh mục.

Từ đó đến nay đã 30 năm, ngay cả những trẻ em trong vũ đoàn thời đó giờ đã ở lứa tuổi 40,50. Còn giới trẻ trong nước hầu như không biết đến sự kiện từng gây chấn động này. Từ California, bà Hồng Trang bùi ngùi nhớ lại :

« Bây giờ đã ba mươi năm trôi qua. Hồi tưởng lại đại lễ tuyên thánh 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam, tôi vẫn thấy bồi hồi, cảm động. Cảm động vì sức sống của Giáo Hội. Giáo Hội không phải toàn là những vị thánh. Giáo Hội gồm những con người, trong đó có những con người yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi, nhưng Chúa vẫn thương, vẫn ban ơn để cho Giáo Hội sống kiên cường. Và riêng tôi cũng rất cảm động vì mình được góp phần nhỏ nhoi của mình vào đại lễ tuyên thánh có một không hai trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. »

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Đức ông Giuse Mai Đức Vinh, nguyên giám đốc giáo xứ Việt Nam tại Paris, và bà Bùi Phạm Hồng Trang ở California đã vui lòng tham gia chương trình hôm nay của chúng tôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.