Vào nội dung chính
VIỆT NAM - XÃ HỘI

Xu hướng phát triển dân số Việt Nam: Chưa giầu đã già

Dân số nhiều nước ở châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Vấn đề đối với Việt Nam tuy nhiên lại là dân số già đi quá nhanh, trước khi đất nước trở nên giàu có. Trong bài phân tích mang tựa đề « Việt Nam đang già đi trước khi trở thành giầu có - Vietnam is getting old before it gets rich », tuần báo Anh The Economist số ra ngày 08/11/2018 đã nêu bật hệ quả của hiện tượng có thể gọi là « già trước khi giàu » này : Đó là gây thêm khó khăn cho việc chăm sóc số dân lớn tuổi.

Ảnh minh họa : Một cảnh ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ảnh minh họa : Một cảnh ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM
Quảng cáo

Bài viết mở đầu bằng một đoạn tả cảnh một buổi sáng sớm ở các công viên Hà Nội, với những nhóm người cao tuổi thường xuyên đến tập thể dục, nhóm thì đi những bài quyền Thái Cực, nhóm thì tập nhảy theo điệu nhạc samba, nhóm khác thì đổ mồ hôi với những phương tiện tập luyện ngoài trời. Một cụ ông 83 tuổi cho biết là sáng nào ông cũng ra đây đi bộ vòng quanh hồ, bất kể trời mưa hay trời nắng.

Dân số Việt Nam tuy còn trẻ, nhưng tốc độ già hóa tăng nhanh

Đối với ký giả của The Economist, các công viên này sẽ còn tấp nập người già đến tập thể dục như vậy trong một hai thập niên tới đây. Lý do là vì cho dù dân số Việt Nam hiện chỉ có độ tuổi trung bình là 26, nhưng tốc độ già hóa lại đang diễn ra nhanh chóng.

Theo tuần báo Anh, lớp người trên 60 tuổi đang chiếm khoảng 12% dân số Việt Nam, một tỷ lệ được dự báo sẽ tăng vọt lên mức 21% vào năm 2040, một trong những tỷ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến đà tăng vọt đó, một phần là vì tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76 tuổi hiện nay, nhờ thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, mức sống tăng cao cũng làm giảm tỷ lệ sinh đẻ trong cùng thời kỳ, từ khoảng 7 đứa trẻ trên một phụ nữ xuống còn hai đứa. Một trong những lý do của sự suy giảm nhanh chóng này là chính sách một con, được thực hiện tại Việt Nam vào những năm 1980, dù ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã làm giảm tỷ lệ sinh đẻ của Việt Nam.

Tại nhiều nước châu Á khác, cơ cấu dân số cũng thay đổi theo chiều hướng tương tự, nhưng tại Việt Nam, thay đổi lại diễn ra vào lúc đất nước vẫn còn nghèo.

The Economist nêu bật một vài ví dụ : Khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng lên mức cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua thực tế) của hai quốc gia này lần lượt là 32.585 đô la và 31.718 đô la. Ngay cả Trung Quốc cũng đạt mức 9.526 đô la. Còn Việt Nam, khi đạt tới đỉnh tương tự vào năm 2013, thu nhập trung bình chỉ vỏn vẹn 5.024 đô la.

Hai láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam là Indonesia và Philippines được dự kiến là sẽ đạt đỉnh dân số trong vài thập kỷ tới, với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Các khó khăn bắt nguồn từ tình trạng già trước khi giầu

Theo nhận định của tuần báo The Economist, thay đổi nhân khẩu học nói trên đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thứ nhất, liệu chính quyền Việt Nam có khả năng lo liệu cho hàng triệu người già hay không ?

Hiện nay, chỉ có những người rất nghèo và người trên 80 tuổi (tổng cộng chiếm khoảng 30% số người già ở Việt Nam) là được trợ cấp, với một khoản tiền tương đương vài đô la một tuần mà thôi.

Cuộc khảo sát gần đây nhất trên những người già, vào năm 2011, cho thấy là có đến 90% trong số những người này không có khoản tiết kiệm thực thụ nào, trong khi nợ nần là phổ biến. Việc trợ giúp người già vì thế trở nên tốn kém hơn bao giờ hết…

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn, nơi sinh sống của đa số người già. Nếu như trước đây những người trẻ sẽ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thì ngày nay họ có xu hướng rời bỏ làng quê để lên thành phố kiếm sống.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống một mình đang tăng lên đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Nhiều người vẫn phải làm việc cho đến khi chết. Việt Nam hiện có khoảng 40% nam giới ở nông thôn đang ở độ tuổi 75, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở khu vực thành thị. Để so sánh, ở Anh Quốc, tỷ lệ này chỉ là 3%. Thường thì những người này làm các công việc chân tay nặng nhọc như trồng lúa hoặc đánh bắt cá.

Cả chục triệu người già phải chăm sóc

Một khó khăn khác là vấn đề đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già, với bệnh Alzheimer, bệnh tim và các bệnh liên quan đến tuổi già đang ngày càng tăng lên.

Theo The Economist, có khoảng 1/3 số người già ngoài 60 tuổi ở Việt Nam không có bảo hiểm y tế, gây áp lực lớn về chi phí điều trị.

Nhiều bệnh viện tại các tỉnh vẫn chưa có khoa chuyên biệt dành cho người già. Các hãng bảo hiểm y tế không chính thức đã mọc lên để tìm cách trám vào lỗ hổng đó, nhưng chỉ cung cấp các dịch vụ thông thường. Chỉ có rất ít bác sĩ là được đào tạo hay trang bị để xử lý những ca nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam bắt đầu thực thi các chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đời sống cho người cao tuổi.

Năm 2017, Việt Nam đã nới lỏng chính sách một con. Tháng 05/2018, chính quyền cho biết sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và 60 lên 62 tuổi đối với nam, đồng thời cải cách chế độ hưu để mở rộng ra cho nhiều người khác. Dự kiến trong năm tới, chính phủ sẽ cải tổ lại hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Cấu trúc kinh tế Việt Nam là trở ngại quan trọng

Tuy nhiên, theo The Economist, không một biện pháp nào có tác dụng thay đổi cấu trúc nền kinh tế – vốn là điều quan trọng trong cải cách.

Thông thường, khi giầu lên, các nước có xu hướng chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn, như dịch vụ. Nếu tính theo thước đo đó, Việt Nam đang tụt hậu so với các láng giềng.

Vào năm 2013, khi dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chiếm tới 18% nền kinh tế. Trong cùng một tình huống, ở Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP. Đáng ngại hơn nữa, sản lượng của nông dân có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, khác với trường hợp của giới quản lý chẳng hạn.

Sự phụ thuộc quá mức vào nông nghiệp phần nào giải thích lý do tại sao có tới 3/4 số lao động Việt Nam làm những công việc mà năng suất giảm dần theo đà tăng của tuổi tác. Tại Malaysia, chỉ có khoảng 1/2 lực lượng lao động ở trong trường hợp này mà thôi.

Đối với The Economist, thúc đẩy cho năng suất gia tăng tại Việt Nam sẽ là một vấn đề khó khăn vì chính quyền vẫn gắn bó với chủ nghĩa nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đại học đều phải lãng phí ít nhất một năm để học lý luận Mác – Lenin.

Dân số nhiều nước ở châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Nhưng tại Việt Nam, già đi trước khi trở thành giàu có lại đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.