Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - QUỐC TẾ

Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore

Được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 đã khai mạc chiều nay, 13/11/2018, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Suntec, Singapore, với trọng tâm là thương mại và Biển Đông.

Các bộ trưởng Kinh Tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp ngày 12/11/2018 tại Singapore
Các bộ trưởng Kinh Tế ASEAN chụp ảnh lưu niệm sau cuộc họp ngày 12/11/2018 tại Singapore (ASEAN2018 Organising Committee)
Quảng cáo

Từ trung tâm hội nghị, đặc phái viên Thanh Phương gởi về bài tường trình :

« Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với các nước diễn ra Trung tâm Hội nghị Suntec, ngay sát bên thương xá mang cùng tên. Tuy số quân nhân được huy động ít hơn so với thượng đỉnh lịch sử Donald Trump-Kim Jong Un vào tháng Sáu vừa qua (1.600 so với 2.000 lính), nhưng việc có nhiều lãnh đạo quốc tế có mặt tại Singapore (trong đó có tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đến thăm Singapore) cũng đặt ra nhiều thách thức tương tự cho nhà chức trách đảo quốc này. Ngoài số quân nhân nói trên, họ phải triển khai đến 5.000 cảnh sát để bảo vệ an ninh trên biển và trên bộ, trong suốt 5 ngày diễn ra nhiều cuộc họp thượng đỉnh khác nhau. Dĩ nhiên là tại khu vực hội nghị, an ninh được tăng cường nghiêm ngặt hơn cả. Kể từ nửa đêm qua cho đến khi kết thúc các cuộc họp thượng đỉnh, khu vực hội nghị được xem là « Khu vực sự kiện đặc biệt an ninh tăng cường » (Enhanced Security Special Event Area). Một số con đường chung quanh trung tâm hội nghị bị cấm lưu thông. Thế nhưng, điều đáng chú ý là mọi hoạt động mua bán trong thương xá ngay sát bên vẫn diễn ra bình thường.

Hiệp định đầu tiên về thương mại điện tử

Vào cuối chiều nay, các lãnh đạo của riêng 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh, với trọng tâm là hội nhập kinh tế khu vực trong ASEAN, một khối được dự báo sẽ là nền kinh tế đứng hàng thứ tư thế giới vào năm 2030. Các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ bàn về việc tiến tới ký kết hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), sẽ quy tụ 10 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Đây sẽ là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, chiếm đến 39% GDP toàn cầu (theo các số liệu của năm 2017) và chiếm phân nửa dân số hành tinh của chúng ta.

Cũng trong chiều hướng đẩy mạnh hội nhập kinh tế, hôm qua, các bộ trưởng Kinh Tế của ASEAN đã ký kết một hiệp định đầu tiên về thương mại điện tử (e-commerce) nhằm tạo một môi trường thuận lợi hơn cho việc mua bán trên mạng giữa các nước Đông Nam Á. Với số người sử dụng Internet hiện nay đã lên tới 330 triệu và sẽ còn tăng hơn nữa, nền kinh tế trên mạng của ASEAN được dự báo sẽ tăng lên tới 200 tỷ đôla vào năm 2050. Qua việc ký kết hiệp định về thương mại điện tử, các nước ASEAN cũng muốn thể hiện cam kết về một nền mậu dịch tự do và cởi mở trong bối cảnh Hoa Kỳ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, nay lại đi theo con đường bảo hộ mậu dịch.

Biển Đông : Dự thảo tuyên bố chung bày tỏ quan ngại

Về mặt an ninh khu vực, dĩ nhiên tình hình Biển Đông vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo ASEAN. Đây là vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên 90% diện tích, mặc dù có những khu vực tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á. Nếu đúng theo bản dự thảo mà báo chí Nhật có được từ tuần trước, thì trong bản tuyên bố hôm nay, các lãnh đạo Đông Nam Á bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, xem đấy là những hoạt động "gây phương hại cho sự tin cậy lẫn nhau, cũng như cho hòa bình và ổn định khu vực". Bản tuyên bố cũng nhắc lại là ASEAN và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán để thiết lập một Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC). Các lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ có dịp đề cập hồ sơ Biển Đông với thủ tướng Lý Khắc Cường trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào sáng mai, trước khi họ họp với lãnh đạo từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Đến thứ năm, 15/11, sau Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ sẽ là Thượng đỉnh ASEAN + 3 và Thượng đỉnh Đông Á, trước khi Singapore chính thức trao quyền chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 cho Thái Lan. Trong khi lãnh đạo các nước khác đến Singapore dự thượng đỉnh với ASEAN, thì tổng thống Mỹ Donald Trump lại không có mặt mà cử phó tổng thống Mike Pence đến dự thay ».

Thủ tướng Trung Quốc : Phải ba năm nữa mới hoàn tất COC

Xung khắc chủ quyền tại Biển Đông vẫn là chủ đề nóng. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán kéo dài lê thê trong lúc Trung Quốc gần như đã thực hiện xong hàng loạt tiền đồn ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay, 13/11/2018, cho là phải « ba năm nữa » mới có thể hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) và Bắc Kinh « không có tham vọng bành trướng bá quyền ».

Phản ứng lại tuyên bố này, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

Trong hồ sơ thương mại khu vực cũng có vấn đề. Theo AFP, dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực không có Mỹ, do Trung Quốc đề xướng, gọi tắt là RCEP, cũng phải dời sang năm 2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.