Vào nội dung chính
VIỆT NAM - THƯƠNG MẠI

Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp định CPTPP vào tháng 11

Hôm qua, 18/10/2018, Quốc Hội Việt Nam thông báo trong kỳ họp thứ 6 khóa 14, khai mạc vào ngày 22/10, các đại biểu sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

11 nước thành viên CPTPP chụp ảnh chung sau khi ký hiệp định mới, ngày 08/03/2018.
11 nước thành viên CPTPP chụp ảnh chung sau khi ký hiệp định mới, ngày 08/03/2018. REUTERS/Rodrigo Garrido
Quảng cáo

Thông báo được tổng thư ký, chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội về chương trình kỳ họp cuối năm của Quốc Hội Việt Nam.

Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia còn lại đã soạn thảo một thỏa thuận mới mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thay thế.

Ông Phúc đánh giá CPTPP có tầm quan trọng tác động đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và ngoại giao của Việt Nam.

Văn kiện này chỉ có hiệu lực khi tất cả các nước tham gia phê chuẩn. Hiện đã có 4 nước gồm Úc, Mêhico, Nhật bản và Singapore phê chuẩn hiệp định mới.

Mặc dù hiệp định CPTPP đã được ký kết từ tháng 03/2018, nhưng tháng trước Nhật Bản và Việt Nam vẫn kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại hiệp định cũ.

Với sự có mặt của Hoa Kỳ, 12 nước tham gia TPP chiếm tỷ trọng 40% GDP của thế giới. Giờ đây nền kinh tế của các nước CPTPP chỉ còn chiếm 13,5% GDP toàn cầu.

Theo AFP, gần đây tổng thống Donald Trump bắt đầu than phiền về cán cân thương mại với Việt Nam bị mất cân đối. Mỹ muốn ép Việt Nam phải nhập khẩu thêm nhiều hàng Mỹ, kể cả thiết bị quân sự.

Tuy nhiên, các bất đồng về thương mại dường như không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng ở châu Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.