Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHILIPPINES

Việt Nam và Philippines thảo luận về biên giới trên biển

Bên lề hội nghị Cuộc Gặp của Các Lãnh Đạo ASEAN (ASEAN Leaders’ Gathering ALG) tại Bali (Indonesia), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có một cuộc tiếp xúc song phương ngày hôm qua, 11/10/2018. Nổi bật trong các nội dung thảo luận là vấn đề phân định ranh giới trên biển giữa hai nước.

Bức ảnh chụp vào ngày 21/04/2017 cho thấy thuyền đánh cá Philippines neo đậu gần đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa, hiện đang có tranh chấp chủ quyền.
Bức ảnh chụp vào ngày 21/04/2017 cho thấy thuyền đánh cá Philippines neo đậu gần đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa, hiện đang có tranh chấp chủ quyền. Ted ALJIBE / AFP
Quảng cáo

Theo hãng tin Philippines GMA, tổng thống Duterte vào hôm nay đã xác định với báo chí rằng trong cuộc gặp, hai bên không chỉ bàn bạc vấn đề phân định biên giới trên biển, mà còn hướng tới việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai nước.

Về cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc - Rodrigo Duterte, báo chí Việt Nam cũng đưa tin ngắn gọn, nhấn mạnh trên cam kết của hai nhà lãnh đạo là sẽ « tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước đánh bắt cá hợp pháp, an toàn và bền vững. »

Việc đường ranh giới trên biển không được phân định rõ ràng thường dẫn đến chuyện tàu thuyền đánh cá hai bên bị chặn bắt với lý do đánh bắt trái phép.

Cho đến nay, Philippines chỉ mới ổn định được ranh giới trên biển với Indonesia bằng hiệp ước ký năm 2014, phân định các khu đặc quyền kinh tế chồng lấn ở hai vùng biển Mindanao và Sulawesi.

Riêng đối với Việt Nam, vấn đề phân định ranh giới phức tạp hơn rất nhiều do việc cả Hà Nội lẫn Manila đều đòi chủ quyền trên vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Philippines vẫn kiểm soát một số thực thể mà Việt Nam đòi chủ quyền, chẳng hạn như đảo Thị Tứ mà Philippines gọi là Pagasa. Cả hai nước cũng vấp phải đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc, tự nhận họ là chủ của gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo giáo sư Carl Thayer thuộc Đại Học New South Wales (Canberra), Trung Quốc rất có thể sẽ phản đối cuộc đàm phán Việt Nam Philippines. Lý do là vì Bắc Kinh không công nhận chủ quyền của Việt Nam và Philippines tại vùng biển nơi hai nước Đông Nam Á muốn phân định ranh giới.

Trên vấn đề tranh chấp Biển Đông, hãng GMA nhắc lại rằng nhân Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 tại Singapore vào tháng 04/2018, hai nhà lãnh đạo Nguyễn Xuân Phúc và Rodrigo Duterte cũng đã từng thảo luận tay đôi với nhau, và trả lời thắc mắc của Hà Nội về việc Manila gác qua một bên phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Tổng thống Philippines đã tái khẳng định rằng nước ông không hề từ bỏ phán quyết 2016, vốn đã phủ nhận các yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ lại công du Việt Nam

Theo báo chí trong nước, ông James Mattis sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 16-17/10/2018. Ngoài các cuộc tiếp xúc với giới chức quốc phòng Việt Nam, bộ trưởng Mỹ sẽ ghé thăm sân bay Biên Hòa, một trong những nơi được cho là bị nhiễm chất dioxin (chất độc màu da cam) nghiêm trọng nhất tại Việt Nam.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Mattis, lần trước là vào tháng 01/2018. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ ghé Việt Nam vào lúc quan hệ Washington và Bắc Kinh đang nóng lên, kể cả trong lãnh vực an ninh, quốc phòng và Biển Đông, với việc ông Mattis vừa hủy bỏ một chuyến công du Trung Quốc đã dự kiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.