Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CHÍNH TRỊ

Pháp: Báo Le Monde nói về cố chủ tịch Trần Đại Quang

Báo Le Monde có bài nhận định về cố chủ tịch Việt Nam vừa qua đời, với tựa đề ngắn gọn : « Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước Việt Nam ».

Ông Trần Đại Quang duyệt đội quân danh dự tại phủ chủ tịch, Hà Nội, ngày 11/09/2018
Ông Trần Đại Quang duyệt đội quân danh dự tại phủ chủ tịch, Hà Nội, ngày 11/09/2018 REUTERS
Quảng cáo

Bài viết nhận định, sự ra đi đột ngột vì « bạo bệnh » của ông Trần Đại Quang, hôm thứ Sáu 21/9, ở tuổi 62, sẽ để lại một khoảng trống chính trị nào đó trên thượng tầng lãnh đạo của chế độ cộng sản.

Trong một chừng mực nào đó, chức chủ tịch nước mang tính biểu tượng. Thế nhưng, ông Trần Đại Quang là một nhân vật chủ chốt trong bộ ba lãnh đạo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh tổng bí thư đảng Cộng Sản và thủ tướng chính phủ.

Tờ báo Pháp nhận xét, trong nhiệm kỳ của mình, ông Trần Đại Quang - được xem như là một trong số các « diều hâu » trong hệ thống - được nhớ đến như là người đã cho phép bộ Công An mà ông từng là bộ trưởng, có được một « quyền lực chưa từng thấy » trong lòng Bộ Chính Trị, theo như khẳng định của Human Rights Watch. Các cuộc trấn áp các tiếng nói đối lập hay chỉ trích Đảng, Nhà nước không ngừng gia tăng.

Thế nhưng, Le Monde lưu ý một chi tiết, nếu đúng như phân tích của báo mạng Asia Times, vào những tháng cuối đời, cố chủ tịch được xem như là một đối thủ cứng rắn của vị tổng bí thư đầy quyền lực, Nguyễn Phú Trọng, vốn chủ trương một đường lối rất chính thống. Đến mức việc ông Trần Đại Quang vắng mặt trong nhiều buổi lễ chính thức, lẽ ra do chính ông chủ trì, đã làm dấy lên nhiều đồn thổi cho rằng chủ tịch nước đã bị lãnh đạo Đảng hạ bệ.

Đấu đá nội bộ diễn ra liên tục trong bộ máy chính quyền Việt Nam. Một cuộc tranh cãi liên quan đến tự do biểu tình trong một chế độ chuyên chế ngày càng cứng rắn dường như đã dẫn đến sự đối đầu giữa chủ tịch nước và lãnh đạo Đảng. Một phát biểu về vấn đề này của ông Trần Đại Quang được báo Tuổi Trẻ đăng tải, theo đó, về mặt cơ bản, Việt Nam nên thông qua một đạo luật cho phép công dân biểu tình tự do.

Đây là một phát biểu đáng ngạc nhiên từ chính người đứng đầu Nhà nước không mấy ủng hộ dân chủ. Nhưng vài ngày sau đó, nhật báo của đoàn Thanh Niên Cộng Sản tại Sài Gòn đã buộc phải đổi lại tiêu đề và đính chính là « nhầm lẫn ». Và hệ quả là trang mạng nhật báo này bị cấm hoạt động trong vòng 3 tháng, vì đã « bóp méo » phát biểu của chủ tịch nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.