Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Sách báo Đông Dương tại nhà sách cổ ở Pháp

Đăng ngày:

Chế độ nộp lưu chiểu tại Đông Dương chỉ được chính phủ thuộc địa bắt đầu áp dụng từ năm 1922, trong khi tại Pháp, nộp lưu chiểu đã được quy định trong các đạo luật 24/07/1793 và 19/07/1881 về xuất bản, báo chí và phân phối ấn phẩm.

Ông Ghislain de la Hitte, chủ hiệu sách Opimane, tại phòng thu RFI.
Ông Ghislain de la Hitte, chủ hiệu sách Opimane, tại phòng thu RFI. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Chính vì vậy sách báo được in ấn trước năm 1922 tại Đông Dương không được thống kê đầy đủ và nằm tản mát tại các phòng ban của chính quyền thuộc địa, tại địa phương hoặc nằm trong thư viện của tư nhân, hầu hết là công chức và thương nhân người Pháp sống tại Đông Dương lúc bấy giờ.

Ngoài số sách báo, tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các thư viện nhà nước (BnF), trường học và cơ sở nghiên cứu (Inalco, EFEO), Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) hoặc các cơ quan lưu trữ (Archives nationales), rất nhiều sách báo cổ, quý hiếm được lưu giữ trong các hiệu sách cổ, như hiệu sách Opiomane, chuyên về phương Đông, đặc biệt là Đông Dương.

RFI tiếng Việt đã có buổi nói chuyện với ông Ghislain de La Hitte, chủ hiệu sách Opiomane (Paris), để hiểu thêm về thị trường ít được biết đến.

***

RFI :Thưa ông Ghislain de La Hitte, từ 15 năm nay, ông sưu tập và bán sách cổ về phương Đông, trong đó có Đông Dương, ông thấy thị trường này phát triển thế nào ? Và đây có phải là một thị trường lớn không ?

Ông Ghislain de La Hitte : Nhìn chung, thị trường sách cổ bị gạt bên lề. Có thể nhận thấy là ngày càng có ít hiệu sách và người bán sách do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số các nguyên nhân chính, đó là công nghệ kỹ thuật số mà chúng tôi đang phải đối đầu. Điều này dẫn đến việc khi tìm một thông tin gì đó, người ta quen có được một thông tin đã được gọt dũa và soạn thảo sẵn. Người ta ít thiên về đọc hơn so với trước đây.

Còn về sách cổ, đây là một thị trường rất nhỏ. Có rất ít người làm nghề này tại Pháp và trên thế giới. Tại Pháp, hiện có hai nhà sách, so với chừng 5-6 nhà cách đây 15 năm. Nhiều người đã bỏ nghề do thời thế. Còn nếu chỉ kể số người bán sách chuyên về hướng dẫn du lịch vùng Viễn Đông thì chỉ có vài người trên thế giới.

Còn về câu hỏi nghề này hiện sống ra sao ? Giống như nhiều ngành nghề khác, sách có chất lượng cao vẫn luôn bán chạy. Còn những sách có chất lượng trung bình thì khó bán hơn. Thêm vào đó là trong mảng sách cổ xảy ra một tai tiếng tài chính liên quan đến các bản viết tay với một vụ lừa đảo có quy mô lớn về kim tự tháp Ponzy. Việc này đã làm toàn lĩnh vực nói chung mang tiếng, và đặc biệt là về giá vì trong vụ lừa đảo trên, giá bán đã bị thồi phồng lên rất nhiều. Vì vậy, nghề bán sách cổ bị tác động rất nhiều.

Chân dung người Nam Kỳ năm 1806, trích trong cuốn Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp (Iconographie historique de l'Indochine française, 1931).
Chân dung người Nam Kỳ năm 1806, trích trong cuốn Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp (Iconographie historique de l'Indochine française, 1931). BnF/Gallica

RFI : Tủ sách của ông chuyên về phương Đông, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Đông Dương. Những loại sách nào được bán chạy nhất ?

De La Hitte : Tôi không thể nói được sách nào tôi bán chạy nhất vì chúng đều thuộc loại khá hiếm nên tôi không bán nhiều. Nhưng tôi có thể nói những tiêu đề nào bán được dễ nhất.

Trên thực tế, không hẳn là những tác phẩm cổ nhất là bán chạy nhất, trái với những gì người ta vẫn nghĩ, bởi vì những tác phẩm có từ thế kỷ 17-18 thường được các gia đình lưu giữ, bảo quản và truyền lại cho con cháu nên chúng thường được chăm chút rất cẩn thận.

Ngược lại, có một số tác phẩm nhỏ, tài liệu giấy lại thường không được lưu giữ, phần lớn bị vất đi. Chính vì vậy, chúng lại trở nên vô cùng hiếm và được lùng ráo riết. Những cuốn được tìm kiếm nhiều nhất trong số đó thường là những tác phẩm mang tính giải trí, như các tạp chí cổ. Sở hữu các tạp chí được phát hành từ lâu là điều gì đó thú vị với một số khách hàng vì thông tin được xử lý ngày này qua ngày khác, vì có nhiều tranh biếm họa hoặc quảng cáo luôn bắt mắt…

Một ví dụ khác là loại sách hướng dẫn du lịch, chúng có nhiều thông tin thiết thực, làm sống lại cả một thời kỳ. Thường thì cả hai loại ấn phẩm này, tạp chí hay hướng dẫn du lịch, sau vài năm người ta đều vất hết, nên khó tìm được và được bán chạy hơn cả.

Ngoài ra, người ta còn sưu tập nhiều tác phẩm giới thiệu về những mối quan hệ của Pháp với các nước phương Đông, như những trao đổi đầu tiên giữa Pháp và Trung Quốc hay với Nhật Bản và Đông Dương.

Đông Dương chiếm một phần rất quan trọng trong tủ sách của tôi do mối quan hệ liên quan đến lịch sử giữa Pháp và Đông Dương. Trung Quốc cũng tương tự do vị trí địa lý nên có rất nhiều tác phẩm về hai địa điểm này.

RFI : Khách hàng của ông là những ai ? Dường như ngày càng có nhiều người Việt quan tâm đến sưu tập sách cổ ?

De La Hitte : Khách hàng của tôi là cơ quan, trường học, cũng có các nhà nghiên cứu nhưng không đông lắm. Ngoài ra còn có những cửa hàng sách lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc. Họ mua rồi bán lại cho các cơ quan và trường đại học trong nước. Cuối cùng phải kể đến khách hàng cá nhân, đủ thành phần.

Nếu là người Pháp, điều thú vị là sau khi hiểu họ hơn, hầu hết mỗi người đều có một câu chuyện riêng với đất nước mà họ sưu tập sách. Ví dụ một người sưu tập sách về Nhật Bản hay Việt Nam thường có vợ hoặc chồng là người Nhật, người Việt. Cũng có những khách hàng người Pháp, thời trẻ sống ở đất nước mà họ sưu tập sách. Họ cho đó là những năm tháng đẹp nhất đời mình. Họ lưu luyến và muốn sống lại thời kỳ đó qua những cuốn sách về đất nước mà họ quan tâm.

Cuối cùng, trong số khách hàng của tôi còn có công dân ở các nước liên quan, ví dụ người Hàn Quốc thì mua sách về Hàn Quốc, người Việt Nam mua sách về Đông Dương để tìm lại nguồn cội.

Khi tôi bắt đầu nghề này cách đây 15 năm, tôi có khá nhiều khách hàng người Việt, chủ yếu là Việt Kiều. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra không chỉ có người Việt sống ở Canada, Mỹ hay Pháp mà có rất nhiều người sống ở bán đảo Scandinavia, ở Thụy Sĩ hoặc Úc. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều đơn đặt mua từ Việt Nam, ở miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn.

Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc-Lộ) và Phép giảng tám ngày, trích trong Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1931.
Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc-Lộ) và Phép giảng tám ngày, trích trong Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1931. BnF/Gallica

RFI : Xin ông giải thích rõ hơn về khách hàng Việt Kiều !

De La Hitte : Phải nói là khách hàng Việt Kiều của tôi đều rời Việt Nam trong những năm 1970 và giờ ít nhất họ đã 50 hoặc 60 tuổi. Với họ, tìm mua sách cổ về Đông Dương là cách làm tự nhiên, rất đỗi con người để tìm lại nguồn cội, tự hỏi mình là ai, từ đâu đến. Chính điều này góp phần làm gia tăng lượng khách Việt Kiều.

Về phần thị trường Việt Nam, đúng là không có nhiều, thậm chí là gần như không còn nhiều sách tại Việt Nam, một mặt do các lý do chính trị, mặt khác do điều kiện khí hậu, ẩm ướt nên sách bị hư hỏng nhiều. Vì thế, rất nhiều ấn bản của trường Viễn Đông Bác Cổ và nhiều hội nghiên cứu Đông Dương, nếu không bị chính những người sở hữu trước hủy đi thì cũng bị hủy vì lý do chính trị, nếu không cũng bị mối gặm nhấm.

Hậu quả là những bộ sưu tập đẹp mắt và sinh động về Đông Dương không tồn tại ở Đông Dương nữa mà nằm ở Pháp. Đó là những tác phẩm được người Pháp hoặc người Đông Dương thời kỳ đó mang về Pháp.

RFI : Ông duy trì và mở rộng bộ sưu tập của mình như thế nào ?

De La Hitte : Tôi tìm sách báo ở bất kỳ nơi nào có người bán. Có thể là ở những nơi công cộng như chợ hoặc các phòng bán, cũng có thể mua lại từ đồng nghiệp không chuyên về một khu vực địa lý như tôi. Họ khó bán được một cuốn sách chuyên về phương Đông trong khi tôi lại có những khách hàng tiềm năng.

Một nguồn cung cấp khác là các cá nhân. Tôi mua được cả bộ sưu tập của những người quá cố, thường là đàn ông, và vợ của họ bán bộ sưu tập sách đó đi. Đây là những trường hợp đặc biệt với những câu chuyện khá xúc động về cuộc đời họ, ví dụ họ chào đời ở Đông Dương và chỉ trở về Pháp trong những năm 1970 với bộ sưu tập sách của mình trong hành trang.

Thường họ sống ít nhất 40 năm ở Hà Nội, theo học trường Albert Sarraut, vì thế họ có rất nhiều điều muốn kể lại. Chính họ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng quý giá và xúc động về thời kỳ đó. Tiếc là những con người này giờ không còn nhiều nữa !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.