Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - HOÀNG SA

Biển Đông: Chiến hạm Anh áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc phản ứng giận dữ

Bắc Kinh vào ngày 06/09/2018 đã tỏ thái độ giận dữ trước sự kiện một chiến hạm Anh, trên đường ghé thăm Việt Nam, đã đi sát khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Trong một tuyên bố gởi đến hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tố cáo điều mà họ cho là một hành động « khiêu khích ».

Thiết bị quân sự bên trong tầu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh, đậu tại Harumi Pier ở Tokyo, ngày 03/08/2018.
Thiết bị quân sự bên trong tầu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh, đậu tại Harumi Pier ở Tokyo, ngày 03/08/2018. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Theo thông tin riêng của Reuters, trích dẫn hai nguồn tin xin giấu tên, mới đây chiếc tàu đổ bộ HMS Albion của Hải Quân Anh đã đi qua quần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm Anh vào lúc ấy đang trên đường ghé thăm hữu nghị đến thành phố Hồ Chí Minh và đã cập cảng hôm 03/09.

Các nguồn tin trên cho biết là con tàu trọng tải 22.000 tấn này, chở theo một đơn vị thủy quân lục chiến, đã thực hiện quyền « tự do hàng hải » khi đi qua khu vực gần Hoàng Sa.

Một trong hai nguồn tin trên tiết lộ rằng Trung Quốc đã cho triển khai một khu trục hạm cùng hai trực thăng ra để đối phó với tàu đổ bộ Anh, tuy nhiên giữa hai bên đã không xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Nguồn tin còn lại nói thêm là dù chiếc Albion không tiến vào vùng biển bên trong phạm vi 12 hải lý quanh Hoàng Sa, nhưng động thái của tàu Anh là nhằm chứng tỏ rằng Luân Đôn không công nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc chung quanh Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ vào năm 1974 sau khi đánh bật lực lượng đồn trú của chính phủ miền Nam Việt Nam vào thời đó. Hiện nay, chủ quyền của vùng này là điểm tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một bản fax gửi tới hãng Reuters, đã tố cáo chiến hạm Anh đã « thâm nhập trái phép » lãnh hải của Trung Quốc xung quanh Hoàng Sa vào ngày 31/08, và đã bị Hải Quân cảnh cáo để rời đi.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tố cáo tàu Anh là đã « vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc », và xác nhận rằng Bắc Kinh đã « phản đối mạnh mẽ và gởi công hàm nghiêm khắc tới phía Anh để bày tỏ thái độ cực lực bất bình ».

Trung Quốc không ngần ngại đe dọa Anh Quốc về nguy cơ quan hệ song phương bị tổn hại, hòa bình và ổn định khu vực bị khuấy động nếu Luân Đôn không đình chỉ ngay lập tức các « hành động khiêu khích » như vậy.

Trước khi Trung Quốc phản đối, một phát ngôn viên của Hải Quân Anh đã khẳng định rằng chiến hạm HMS Albion đã « thể hiện quyền tự do đi lại trên biển của mình mà vẫn đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và quy tắc quốc tế ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.