Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Đăng ngày:

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là hai thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam dĩ nhiên là có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng là tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Cho nên các chuyên gia kinh tế đang kêu gọi chính phủ Hà Nội phải có những biện pháp để đối phó với những tác động này, từ việc phá giá đồng bạc Việt Nam đến ngăn chận hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.

Tại một cảng ở Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Tại một cảng ở Hải Phòng. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Reuters
Quảng cáo

Do lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tác động từ cuộc đụng độ giữa Mỹ với hai đối tác thương mại Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Gần đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia đã đệ trình lên bộ Kế hoạch và Đầu tư một báo cáo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đưa ra những đề xuất để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg ngày 18/07/2018 đã trích lời ông Lương Văn Khôi, phó tổng giám đốc trung tâm này : « Nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc làm căng thẳng gia tăng qua việc « ăn miếng trả miếng », điều này sẽ khiến xuất khẩu và đầu tư ngoại quốc suy giảm, gây tác hại cho sản xuất nội địa ».

Bloomberg cũng trích lời kinh tế gia Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Úc-New Zealand ở Singapore: « Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng gì từ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ cần phải cẩn trọng điều chỉnh các chính sách để đối phó với những nguy cơ đó. »

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/07/2018 từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định :

« Việt Nam có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra toàn diện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Hiện nay chưa có một nghiên cứu định lượng cụ thể về những tác động đó, nhưng có thể dự báo sơ bộ những kịch bản khác nhau.

Thứ nhất là các hàng hóa mà Mỹ đánh vào Trung Quốc thì rất có thể là Mỹ cũng sẽ đánh vào Việt Nam, như trường hợp của thép và nhôm.  Thứ hai, rất có thể là hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ khi gặp khó thì sẽ tìm cách vào thị trường Việt Nam, rồi lấy nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, khiến các cơ quan giám sát của Mỹ sẽ tăng cường kiểm tra và cũng sẽ gây khó khăn về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam »

Có nên phá giá đồng bạc?

Theo Bloomberg, trong tháng này Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đề nghị là Ngân hàng Nhà nước (ngân hàng trung ương) Việt Nam nên xem xét việc phá giá tiền đồng đối với đô la Mỹ để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Cũng được Bloomberg trích dẫn, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, tuy vậy cảnh báo rằng: « Phá giá tiền đồng có thể giúp cho xuất khẩu, nhưng nó cũng khiến cho lạm phát tăng cao và làm tăng giá các nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất nội địa. Phá giá tiền đồng khoảng 2% cho cả năm 2018 là một giải pháp hợp lý ».

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng không đồng ý với giải pháp phá giá đồng bạc:

"Tôi không ủng hộ phương án này, vì trong lịch sử Việt Nam, việc phá giá đồng bạc đã dẫn đến lạm phát và làm mất cân đối vĩ mô quan trọng. Để tăng cường xuất khẩu thì phải thực hiện cải cách thể chế như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, tức là giảm các thời gian về hải quan, thuế quan, xuất khẩu qua cảng..., tất cả những thủ tục mà hiện nay chiếm chi phí và thời gian rất lớn. Đồng thời phải nâng cao năng suất lao động và vận dụng khoa học công nghệ. Chứ còn phá giá đồng bạc theo tôi là một giải pháp cần phải hết sức thận trọng."

Với việc Hoa Kỳ dọa đánh thêm thuế vào hàng Trung Quốc, Việt Nam đang lo ngại là hàng Trung Quốc như dệt may, da giày sẽ tràn ngập thị trường nội địa. Cho nên các chuyên gia kinh tế đề nghị là các bộ phải phối hợp với nhau đưa ra những biện pháp phi thuế quan để hạn chế lượng hàng hóa Trung Quốc đổ vào Việt Nam, chẳng hạn như tăng cường kiểm tra chất lượng ở các cửa khẩu và nâng cao yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu.

Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh :

"Việt Nam phải có các biện pháp như tăng cường công tác của hải quan, lập rào cản thương mại, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ. Cho đến nay, việc kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc qua biên giới Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch hoặc buôn lậu rất kém hiệu quả, nếu không muốn nói là chưa đem lại kết quả gì."

Trước mắt, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được thấy rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo hãng tin Reuters ngày 18/07/2018, sau khi đã tăng đến 48% trong năm 2017, đứng đầu châu Á về mức tăng, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt 25% so với mức tăng kỷ lục trong tháng 4. Đó là hậu quả của việc các nhà đầu tư lo về những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại lên nền kinh tế Việt Nam, khiến giới đầu tư ngoại quốc rút khỏi Việt Nam.

Khu vực thương mại xuyên biên giới: Mối nguy tiềm tàng

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mới đây các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất thành lập 7 khu vực thương mại xuyên biên giới với Việt Nam, để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “Made in Vietnam”,theo tin của tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/07/2018. Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, Sùng Tả, Trung Quốc.

Phó thị trưởng của thành phố này nói với South China Morning Post rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam, một quốc gia có “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”. Theo lời ông, các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “xuất xứ từ Việt Nam” hay “xuất xứ từ Trung Quốc”.

Bí thư thị xã Bằng Tường dự báo là các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc “sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng « made in China » tới Mỹ và một số sẽ được vận chuyển qua ngõ các nước thành viên ASEAN”.

Các quan chức của những địa phương sát biên giới Việt Nam đang nỗ lực chào hàng kế hoạch này cho các nhà xuất khẩu ở tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng sông Dương Tử. Họ cho biết những nhà xuất khẩu đó sẽ tiếp cận nguồn lao động rẻ từ Việt Nam, và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của cả hai bên biên giới. Những chính sách này, theo các tài liệu quảng bá, sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế cho các nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Trung Quốc không dễ gì mà thuyết phục được chính quyền Việt Nam chấp nhận. Là một thành viên của ASEAN và là một trong những quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam rất thận trọng trên vấn đề này.

Tuy Hà Nội đồng ý với kế hoạch thành lập các khu vực thương mại xuyên biên giới, nhưng công trình xây dựng các khu này cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết lại đang chậm trễ. South China Morning Post trích lời một nhà báo Việt Nam cho biết là dư luận Việt Nam chống lại việc lập các khu vực thương mại xuyên biên giới bên phía Việt Nam, vì rất nhiều người lo ngại khi thấy đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng, kéo theo những hậu quả nghiệm trọng về ô nhiễm, và những vấn đề về đất đai.

Tờ Financial Times ngày 20/07 vừa qua cũng đã loan tin là các nhà sản xuất ở Trung Quốc đang xem xét việc dời việc sản xuất sang Việt Nam và các nước có chi phí thấp khác ở Đông Nam Á.

Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung buộc họ phải đẩy nhanh các kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi mà lương công nhân đã tăng rất nhanh trong thập kỷ qua. Nhưng các nhà sản xuất được Financial Times trích dẫn lưu ý rằng việc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài sẽ mất nhiều năm, và có nguy cơ, một là từ đây đến đó tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã được giải quyết, hai là chính quyền Trump sẽ mở rộng việc áp thuế sang những nước như Việt Nam để ngăn chận các nhà sản xuất Trung Quốc né thuế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.