Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - VIỆT NAM

Vì sao Bắc Triều Tiên không thể đi theo mô hình phát triển của Việt Nam ?

Nhân chuyến công du Hà Nội trong tháng 7/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cho rằng Bắc Triều Tiên có thể đi theo mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam để có được phép lạ kinh tế tương tự. Tuy nhiên, theo quan điểm của tờ The Diplomat, Bắc Triều Tiên khó có thể nối gót Việt Nam.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju thị sát công ty chế biến thực phẩm Songdowon, ngày 25/07/2018.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju thị sát công ty chế biến thực phẩm Songdowon, ngày 25/07/2018. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Ông Chang-Young Bang, chủ tịch KIMEP, trường đại học Almaty, Kazakhstan, tác giả bài viết nhìn nhận đây là quan điểm đang được rất nhiều người chia sẻ. Điều này thoạt nhìn có vẻ khá tự nhiên khi Bắc Triều Tiên có thể lấy Việt Nam như là một hình mẫu, cho rằng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế thần kỳ mà không cần giải thể đảng Cộng sản thông qua một chính sách cải cách mở cửa nền kinh tế thị trường có định hướng.

Bốn khó

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, nên khó mà theo bước Việt Nam. Điều này chủ yếu là do các đặc tính hệ thống chính trị Bắc Triều Tiên, chương trình hạt nhân, động lực địa chính trị và sự phân chia hai nước Triều Tiên.

Thứ nhất, Bắc Triều Tiên cần phát triển kinh tế nhanh hơn. Nhằm duy trì tính chính đáng của Kim Jong Un và giảm thiểu bất ổn kinh tế - chính trị, điều thiết yếu đối với Bắc Triều Tiên là phải có được tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở mức 10% mỗi năm trong suốt 10 năm đầu tiến hành cải cách kinh tế. Tỷ lệ này còn cao hơn kết quả mà Hàn Quốc, Trung Quốc, và Kazakhstan đạt được lúc ở đỉnh điểm tăng trưởng kinh tế. Nhưng mục tiêu tăng trưởng 10% dễ làm nhụt chí này vẫn có thể thực hiện được nếu các điều kiện tiên quyết bên trong và bên ngoài được hội đủ.

Quyết định phi hạt nhân hóa của Kim Jong Un mang một ý nghĩa quan trọng, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ chủ nghĩa quân phiệt cứng nhắc sang phát triển kinh tế. Phát triển bị trì hoãn có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội nghiêm trọng, và trong dài hạn, có thể gây xáo trộn mối quan hệ Liên Triều do cách biệt về kinh tế ngày càng tăng. Do chênh lệch về thu nhập giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên là 22 lần nên người dân phía Bắc rất dễ bị xúi bẩy đào tẩu. Vì những rủi ro này, việc đạt được thành tựu kinh tế cụ thể trong một thời gian ngắn sẽ là giải pháp sống còn duy nhất cho Bình Nhưỡng để nhanh chóng có được sự ổn định trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.

Thứ hai, về thẩm quyền của người lãnh đạo tối cao, Việt Nam và Bắc Triều Tiên có nhiều khác biệt cơ bản. Tại Bắc Triều Tiên, tính hợp pháp của lãnh đạo tối cao bắt nguồn từ hệ thống cầm quyền do Kim Nhật Thành thiết kế nhằm tạo ra một cá nhân thích hợp nhất để thực hiện và thi hành hệ tư tưởng « tự lực tự cường » của ông. Người kế thừa được chọn là người lãnh đạo tối cao, không chỉ được chuyển giao toàn bộ quyền lực, mà còn cả quyền chọn người kế thừa tiếp theo sau đó. Cho đến lúc này, chỉ có các hậu duệ của Kim Nhật Thành lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Tại Việt Nam, hệ thống điều hành được tổ chức theo Hiến Pháp quốc gia đồng thời khẳng định hệ thống có thẩm quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế – chính trị là chế độ cộng sản. Cơ cấu quyền lực là lãnh đạo tập thể và được phân cấp, bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng. Nhân vật uy quyền nhất, tổng bí thư, được bầu chọn thông qua tranh cử giữa các ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng. Chủ tịch nước phụ trách quân đội và đối ngoại, còn thủ tướng chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề kinh tế.

Vì khác biệt về hệ thống cầm quyền giữa Bắc Triều Tiên và Việt Nam, việc thay đổi do cải cách và mở cửa nền kinh tế thị trường có định hướng sẽ có những tác động khác nhau đối với tính hợp pháp về quyền lực của người lãnh đạo tối cao. Không những chính sách cải cách và mở cửa đó sẽ làm suy giảm quyền lực của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên, mà nó sẽ còn làm tổn hại cả tính hợp pháp của chính chế độ đó, vốn dĩ được xây dựng phục vụ cho vai trò người lãnh đạo tối cao. Do vậy, những vấn đề nào có liên quan đến tính chính đáng đều là một thách thức mà chỉ có Kim Jong Un mới có thể giải quyết.

Thứ ba, cũng như ở Việt Nam, hiện đại hóa nền kinh tế sẽ không xảy ra ở Bắc Triều Tiên nếu không có cải cách và mở cửa thị trường có định hướng. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên sẽ có nguy cơ chế độ bị bất ổn nhiều hơn so với Việt Nam khi thực hiện những chính sách đó.Bởi vì, việc cải cách hệ thống còn phụ thuộc vào việc loại trừ nạn tham nhũng và các thói lề đạo đức giả mà chế độ xã hội chủ nghĩa đang duy trì.

Mặt khác, mở cửa kinh tế thị trường có định hướng là nhằm hội nhập với kinh tế thế giới, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, vốn nước ngoài, và nhân lực sản xuất cũng như là hệ thống xuất nhập khẩu. Trong ngắn hạn, điều đó sẽ làm cho chế độ bất ổn. Tư hữu hóa các doanh nghiệp Nhà nước, yếu tố cốt lõi trong cải cách thị trường có định hướng, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bị phá sản. Điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp bị tư hữu hóa để từng bước tái phục hồi năng lực và tạo ra lợi nhuận.

Cũng có những rủi ro tương tự khi mở cửa hội nhập với thị trường thế giới. Việc mở cửa cũng gây ra những hệ quả mà chế độ không mong muốn. Cho dù chúng ta không diễn giải « mở cửa » như là quyền cơ bản có được thông tin và hiểu biết thông qua việc minh bạch các vấn đề chính trị, kinh tế, và các vấn đề chung của xã hội, thì việc mở cửa thị trường có định hướng cũng sẽ dẫn đến khả năng dân chúng biết được các vi phạm nhân quyền và tham nhũng.

Thứ tư, không giống như Việt Nam, để Bắc Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa và hiện đại hóa thành công nền kinh tế, cần phải có một hiệp định hòa bình bền vững và tạo thuận lợi cho hợp tác Bắc – Nam. Nói một cách đơn giản, Bắc Triều Tiên không thể chỉ đơn giản thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách và mở cửa thị trường có định hướng ; sẽ không thể tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế nếu như Nam-Bắc Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ thù địch.

Bắc Triều Tiên hiện có một đội quân hùng mạnh gồm 1,2 triệu binh sĩ và dành đến 25% tổng thu nhập quốc dân cho các mục tiêu quân sự. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần phải có một hiệp định hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên cho phép cả hai nước hóa giải đối đầu quân sự và phân bổ lại mức chi quân sự cao nhằm thúc đẩy các ngành xuất nhập khẩu

Có một điểm cần nhấn mạnh là chỉ khi nào Bắc Triều Tiên tiến hành cải cách chế độ, thay đổi hệ tư tưởng chính thống, thì hai nước Triều Tiên mới có thể đạt được đồng thuận về một hiệp định hòa bình và hóa giải được sự đối đầu giữa Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Để thay đổi chính sách đối ngoại, thì trước tiên hệ tư tưởng chỉ đạo các chính sách đối nội phải thay đổi. Việc cải cách hệ tư tưởng thống trị chế độ không thể xẩy ra nếu như Kim Jong Un không có các biện pháp mạnh bạo.

Nhiều thuận lợi

Một khi đã nêu ra các rào cản và hạn chế to lớn đối với Bắc Triều Tiên trong việc đi theo mô hình Việt Nam, chúng ta cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng những lợi thế và bất lợi của Bình Nhưỡng trong việc xây dựng một mô hình kinh tế tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Để có được sự tăng trưởng năng động nhất trên thế giới sau khi hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa, Bắc Triều Tiên cần có một chiến lược phát triển kinh tế hợp lý và khách quan. Khác với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, Bắc Triều Tiên có nhiều lợi thế tương đối để khắc phục được sự chậm trễ của mình.

Ví dụ, Bắc Triều Tiên có thể có được các nguồn tài chính để phát triển nếu từ bỏ phát triển chương trình hạt nhân. Bên cạnh đó, các láng giềng xung quanh Bắc Triều Tiên là những nước phát triển về kinh tế, như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc, đó là những quốc gia đã có được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên rất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều tiềm năng phát triển du lịch và các nguồn hải sản. Nước này có vị trí địa chính trị thuận lợi để phát triển lĩnh vực dịch vụ hậu cần. Cuối cùng, Bắc Triều Tiên có thể áp dụng một cách chọn lọc các kinh nghiệm và kiến thức tốt của những quốc gia đã thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa thông qua việc mở cửa đất nước và tiến hành cải cách.

Nếu Kim Jong Un kiên quyết tiến hành phi hạt nhân hóa và thực hiện các cải cách, mở cửa đất nước, với sự hỗ trợ và hợp tác của năm quốc gia (tham gia vòng đàm phán 6 bên), thì Bắc Triều Tiên có tiềm năng to lớn để đạt được mức tăng trưởng kinh tế lịch sử, chưa từng thấy và kỳ diệu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.