Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Nan giải bài toán ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Đăng ngày:

Hà Nội chỉ được hưởng 38 ngày không khí trong lành trong năm 2017 và có 10 ngày không khí sạch vào quý II năm 2018, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 và 2017. Theo thông tin của Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (Green Innovation and Development Centre, GreenID), được Reuters trích dẫn, gần 8 triệu dân của thủ đô Việt Nam, trong năm 2017, phải chịu mức ô nhiễm cao gấp bốn lần so với giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thiếu nữ Hà Nội đeo khẩu trang tránh ô nhiễm không khí. Ảnh chụp ngày 22/01/2017.
Thiếu nữ Hà Nội đeo khẩu trang tránh ô nhiễm không khí. Ảnh chụp ngày 22/01/2017. pxhere.com
Quảng cáo

Hà Nội bị xếp hạng thứ hai về mức độ ô nhiễm không khí trong số 23 đô thị được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Indonesia), chỉ đứng sau thành phố công nghiệp Saraburi của Thái Lan, còn thành phố Hồ Chí Minh đứng hàng thứ tư.

Trả lời RFI tiếng Việt, bà Karine Léger, giám đốc Đối tác và Truyền thông của hội Airparif, tham gia dự án hỗ trợ thành phố Hà Nội cải thiện chất lượng không khí do Cơ quan Phát triển Pháp (Agence Française de Développement, AFD) và sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ, giải thích về một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí :

“Tất cả các thành phố lớn đều có vấn đề về ô nhiễm không khí, chứ không riêng ở thành phố Hà Nội. Tôi không nói là ở Hà Nội có nghiêm trọng hơn những thành phố khác hay không. Nhưng cũng như các thành phố Paris, Lyon, Marseille của Pháp hay Berlin, Luân Đôn… tất cả đều gặp vấn đề về ô nhiễm không khí, chủ yếu do mật độ dân số cao và tình trạng giao thông.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số nguyên nhân khác, có thể không phải ở Hà Nội, như do lò sưởi, hoặc các ngành công nghiệp… Nhưng phải nói là tất cả các thành phố lớn đều bị ô nhiễm không khí và tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, dân số, kích thước thành phố và các biện pháp được triển khai để giảm ô nhiễm”.

Khoảng 7 triệu người chết hàng năm vì ô nhiễm không khí

Hàng năm, ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người chết và gây ra 3,2 triệu ca tiểu đường trên thế giới. Khoảng 95% dân số toàn cầu đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép.

Liên quan đến Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cảnh báo : “Các thành phố lớn ở đồng bằng sông Hồng đặc biệt là Hà Nội, có nồng độ bụi PM2.5 lên đến mức độ nguy hiểm, tác nhân gây ra bệnh đường hô hấp, mắt, da… là ẩn họa đối với người dân đô thị”.

Tùy vào nồng độ và thành phần của hạt bụi mà sức khỏe của con người chịu các hậu quả nghiêm trọng khác nhau, theo giải thích của bà Karine Léger :

“Tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tim mạch và hô hấp do có các phân tử gây ô nhiễm. Tùy theo kích thước của chúng, các phân tử này có những tác động khác nhau đến cơ thể. Ví dụ PM10 là các phân tử rất rất nhỏ, chỉ lớn hơn bụi PM2.5 một chút, ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. Các phân tử này càng nhỏ thì càng vào sâu được trong cơ thể. Hạt bụi PM2.5, vô cùng nhỏ, có thể đi vào máu và gây ra các vấn đề về nhịp tim và tim mạch. Hiện chúng tôi chú ý hơn đến những phân tử còn nhỏ hơn thế, vẫn được gọi là “hạt bụi siêu nhỏ”, có thể tác động đến cả ADN.

Các hạt bụi siêu nhỏ này có thể lọt qua lỗ mũi, xuyên sâu vào hệ thống hô hấp, tim mạch. Tùy thuộc vào cấu tạo mà chúng gây ra các bệnh khác nhau, ví dụ như bụi siêu nhỏ diesel thì gây ung thư. Vì vậy, thách thức không chỉ nằm ở chỗ kích thước mà còn ở thành phần cấu tạo của phân tử.

Ngoài các hạt bụi nhỏ mịn, còn phải kể đến một số loại khí gây ung thư, một số khác thì gây ngứa ngáy và rát như khí ôzôn. Ý tôi muốn nói là ô nhiễm không khí gây rất nhiều hệ quả khác nhau đến sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí cũng có thể gây ra các loại dị ứng. Việc phấn hoa bị ô nhiễm còn gây dị ứng nghiêm trọng hơn, thậm chí gây các cơn hen suyễn nhiều hơn, không phải do mỗi phấn hoa mà còn do ô nhiễm”.

Lắp thiết bị quan trắc chất lượng không khí để có giải pháp thích ứng

Theo cảnh báo năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ lọt vào nhóm các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới nếu không có các biện pháp ngăn ngừa thích hợp.

Thực ra, vào tháng 04/2016, thành phố Hà Nội đã ký “Thỏa thuận Đối tác nhằm cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội” với Sứ quán Pháp tại Việt Nam. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã huy động nguồn tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu và Tăng cường Năng lực (Fonds d’Etudes et de Renforcement des Capacités, FERC) và giao cho Hiệp hội Airparif, chuyên theo dõi và cung cấp thông tin về chất lượng không khí ở vùng Ile-de-France (gồm cả thủ đô Paris), việc thẩm định về quy mô và tính tối ưu của hệ thống quan trắc và giám sát chất lượng không khí ở Hà Nội. Bà Karine Léger giải thích :

“Thỏa thuận này hướng đến việc hỗ trợ cho phát triển các hệ thống theo dõi chất lượng không khí ở Hà Nội. Thỏa thuận song phương được cả chủ tịch thành phố Hà Nội, Sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ủng hộ.

Kết luận đầu tiên nêu rõ cách tối ưu đối với Hà Nội là lắp đặt khoảng 40 trạm đo mức độ ô nhiễm không khí. Hệ thống này cho phép theo dõi tình trạng ô nhiễm từng giờ và trong suốt cả năm đối với các chất gây ô nhiễm, không nhất thiết là chỉ mỗi hạt bụi mịn, mà còn có cả khí, như khí điôxít nitơ do các phương tiện giao thông thải ra.

Phương pháp này giúp thông tin cho người dân, đồng thời kiểm tra các quy định có được tuân thủ hay không và theo dõi diễn tiến của tình trạng ô nhiễm không khí để thành phố có thể kịp thời hành động, phê chuẩn các biện pháp hoặc đánh giá tác động của các hoạt động đó đối với việc giảm bớt tình trạng ô nhiễm”.

Dự án đã kết thúc vào cuối năm 2017 và kết quả được thông báo trong một hội thảo do thành phố Hà Nội và Sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 19/10/2017. Theo bà Karine Léger, dự án lập trạm quan trắc chất lượng không khí là hoàn toàn khả thi ở Hà Nội, theo kinh nghiệm của thủ đô Paris :

“Dự án này mang tính khả thi rất lớn. Ở Paris có 70 trạm quan trắc mức độ ô nhiễm. Thực ra, việc giám sát chất lượng không khí cần kết hợp nhiều công cụ khác nhau tùy theo thách thức, như mật độ giao thông, điều kiện khí hậu. Có nghĩa là chúng tôi cùng lúc có các trạm quan trắc đúng quy chế, chúng tôi cũng có các dụng cụ cho phép lập biểu đồ, bản đồ dự báo chất lượng không khí, đo lường hiệu quả của các biện pháp đối với việc giảm ô nhiễm.

Chúng tôi cũng có các biện pháp đo lường giúp bao quát được cả một khu vực đang gặp một vấn đề đặc biệt, có thể là một khu vực đặc biệt ô nhiễm, hoặc khu vực có những chất gây ô nhiễm đặc thù do hoạt động công nghiệp gây ra. Nhờ đó, chúng tôi có thể lập được những bản đồ rất chi tiết.

Quá trình hỗ trợ của chúng tôi với thành phố Hà Nội là đưa ra các đề xuất để có được một hệ thống tối ưu về giám sát và thông tin cho Hà Nội. Đó là công việc rất cụ thể, thực tiễn và không mang tính nghiên cứu”.

Chương trình “Chất lượng sống/Chất lượng thành phố Hà Nội” (2018-2020)

Sau trạm quan trắc của Sứ quán Mỹ, của tổng cục Môi trường, trong nửa đầu năm 2018, Hà Nội đã lắp thêm 10 trạm quan trắc không khí, gồm hai trạm cố định và 8 trạm cảm biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng trên vẫn chưa đủ, chưa phản ánh đầy đủ hiện trạng ô nhiễm không khí của thành phố. Vì vậy, Hà Nội dự tính lắp thêm 70 trạm mới trong thời gian tới nhưng tiến độ thực hiện dự án hiện đang chậm do cần huy động nguồn vốn lớn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 loại bỏ bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ trên cánh đồng... Song song đó là nâng cao năng lực nhận thức về ô nhiễm không khí và sức khỏe môi trường, hỗ trợ các sáng kiến và giải pháp của thanh thiếu niên, trường học và cộng đồng về việc cải thiện môi trường sống.

Kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ và hỗ trợ của Pháp một lần nữa được đoàn cán bộ thành phố Hà Nội tham khảo tại buổi tọa đàm về chủ đề “Hà Nội - phát triển đô thị bền vững” được tổ chức tại Paris ngày 26/06/2018. Bà Karine Léger cho biết thêm :

“Có một dự án mới đang thành hình trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France vì vùng Ile-de-France là một đối tác hợp tác phi tập trung với Hà Nội từ nhiều năm nay.

Những thách thức ưu tiên đã được chủ tịch thành phố Hà Nội và chủ tịch vùng Ile-de-France, bà Valérie Pécresse, nêu lên : đó là những thách thức về ô nhiễm không khí, thách thức về rác thải, di sản lịch sử... Quá trình hợp tác mới này sẽ đưa ra một dự án mới về chất lượng sống và chất lượng của thành phố. Trong đó có một khía cạnh liên quan đến không gian xanh, một về xử lý rác thải và một về tình trạng ô nhiễm không khí”.

Theo thông cáo báo chí của vùng Ile-de-France, chương trình “Chất lượng sống / Chất lượng thành phố Hà Nội” nhằm cải thiện môi trường đô thị được triển khai từ 2018 đến 2020. Trong thời gian này, kinh nghiệm, chuyên môn của Viện Quy hoạnh và Đô thị vùng Ile-de-France (IAU), hội Airparif, cùng với nhiều công ty sáng tạo vùng Ile-de-France sẽ được huy động để giúp Hà Nội lập dự án quy hoạch đô thị bền vững. Chi phí dành cho dự án là 1 triệu euro, do vùng Ile-de-France và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tài trợ, cùng với hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.