Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Hội họa Việt Nam tại bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris

Đăng ngày:

Một đám trẻ bụ bẫm đang tắm trong tác phẩm tranh lụa « Tắm ao » (Baignade, 1962) của Mai Thứ (1906-1980), một thiếu nữ e dè rửa chân bên rặng chuối, một cụ bà gầy gò còng lưng gỡ lưới cá… là một số những tác phẩm mới được đưa vào bảo tàng Cernuschi, chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris, và được triển lãm đến hết ngày 04/11/2018.

Bộ sưu tập hội họa Việt Nam mới được tặng cho bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris, tháng 07/2018.
Bộ sưu tập hội họa Việt Nam mới được tặng cho bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi, Paris, tháng 07/2018. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Năm 2017, Bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi thêm phong phú hơn nhờ một loạt những tác phẩm quan trọng được tặng hoặc mua lại. Loạt tranh đầu tiên gồm 13 tác phẩm của nhiều họa sĩ trường Mỹ Thuật Nam Kỳ trong giai đoạn 1930-1940, do ông Marcel Schneyder, con trai của ông bà Thérèse và René Schneyder, công chức cao cấp Pháp ở Đông Dương (1924-1951), trao tặng để công chúng có thể thưởng lãm. Ngoài ra, bảo tàng còn nhận được bốn chiếc bình cổ, gây ấn tượng vì kích thước, chất lượng và sự độc đáo trong họa tiết trang trí.

Cuối cùng phải kể đến nhiều tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ, được người con gái là bà Mai Lan Phương, tặng cho bảo tàng. Khi trả lời RFI tiếng Việt, bà Anne Fort, quản thủ Di sản, phụ trách bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, đánh giá những tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ mang ý nghĩa rất lớn đối với bảo tàng :

« Năm ngoái (2017), chúng tôi may mắn được con gái của họa sĩ Mai Thứ tặng rất nhiều tranh. Họa sĩ Mai Thứ sống ở Pháp từ những năm 1940, ông sống bằng nghệ thuật và rất nổi tiếng, nhưng lại không có bất kỳ tác phẩm nào của ông được xếp là tài sản của công chúng. Vì thế, chúng tôi rất vui vì năm nay (2018) có thể giới thiệu cho công chúng tác phẩm « Tắm ao » (Baignade) của Mai Thứ. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của họa sĩ nổi tiếng này được xếp là tài sản của công chúng.

Năm ngoái, ngoài tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ được tặng cho bảo tàng, chúng tôi còn có một bộ sưu tập gồm rất nhiều tranh vẽ, hai sản phẩm gốm và một tác phẩm sơn mài, của ông Marcel Schneyder. Ông là con trai của René Schneyder, một công chức cao cấp Pháp làm việc ở Nam Kỳ. Vì tính chất công việc, ông René Schneyder đã làm quen với nhiều nghệ sĩ và hay thăm trường nghệ thuật ứng dụng Nam Kỳ. Nhờ đó mà ông đã hình thành được bộ sưu tập của mình ».

Giới thiệu tác phẩm của học sinh trường Nghệ thuật Gia Định

Cho đến nay, tác phẩm của học sinh các trường nghệ thuật ứng dụng Nam Kỳ hoàn toàn vắng bóng trong các bộ sưu tập của bảo tàng Pháp. Những tác phẩm được ông Marcel Schneyder tặng bảo tàng Cernuschi giúp công chúng hình dung ra được quá trình đào tạo nghệ thuật tranh sơn mài tại trường Thủ Dầu Một (thành lập năm 1901), những tác phẩm gốm sứ của trường Biên Hòa (thành lập năm 1903) và nghệ thuật khắc, vẽ của trường Gia Định (thành lập năm 1913). Bà Anne Fort giới thiệu về bộ sưu tập mới nhận :

« Ở đây chúng tôi trưng bày một chiếc bình lớn của trường Biên Hòa. Đây là trường nghệ thuật ứng dụng, được thành lập năm 1903, dưới sự bảo trợ của Pháp, với mục đích khuyến khích nghệ thuật dân gian tinh túy vì người Pháp nhận thấy là các nghệ nhân Việt Nam có tay nghề rất cao, đồng thời phía Pháp cũng muốn đổi mới hình dạng mà vẫn giữ được nguyên chất lượng. Vì thế, họ sáng tạo ra một phong cách mới.

Ở đây, ta có thể thấy phong cách lai giữa hình dạng một chiếc bình lớn, có thể là để đựng gậy hoặc dù, có nghĩa là hoàn toàn nhằm mục đích sử dụng hàng ngày theo kiểu phương Tây, còn cách trang trí lại là hàng loạt các con sư tử xung quanh cổ chiếc bình, làm người ta liên tưởng đến Trung Quốc đời nhà Hán hoặc nhà Đường, từ thế kỷ II đến thế kỷ VII hoặc VIII. Phần còn lại ở bề ngoài chiếc bình, ở phía dưới, là những họa tiết trang trí nổi, theo kiểu cổ của Trung Quốc, khoảng thế kỷ I trước Công nguyên.

Có thể nói, tác phẩm tổng hợp hình dạng của chiếc bình Việt, được Tây hóa, kỹ thuật và vật liệu đất là của Việt Nam, nhưng họa tiết trang trí lại được pha trộn giữa hai thời kỳ khác nhau của Trung Quốc ».

Vẫn theo bà Anne Fort, quản thủ di sản, phụ trách bộ sưu tập Việt Nam, một điều thú vị là hầu hết các nghiên cứu khoa học thường tập trung vào trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, còn trường Gia Định, một cơ sở đào tạo quan trọng ở miền Nam, lại không được biết đến. Từ một trường đào tạo nghệ thuật ứng dụng để làm việc trong ngành địa bạ, vẽ bản đồ hoặc văn phòng kiến trúc sư, trường Gia Định đã thay đổi trong những năm 1926-1927 để trở thành một trường đào tạo thực thụ các nghệ sĩ, dù không nhiều bằng trường Mỹ Thuật ở Hà Nội.

« Chúng tôi muốn triển lãm tranh của họa sĩ Trần Duy Liêm. Chúng tôi biết là ông đã tiếp tục sự nghiệp họa sĩ. Ông tốt nghiệp trường Gia Định, ông tiếp tục giảng dạy và tham gia nhiều triển lãm quốc tế ở Sài Gòn.

Một đặc điểm của học sinh trường Gia Định là họ ký tên lên tác phẩm của mình. Thế nhưng, chúng tôi lại có rất ít thông tin, thậm chí là không có chút thông tin nào về những họa sĩ này. Chúng tôi nhận được món quà gần 540 bản chuyên khảo về Đông Dương. Và qua những tác phẩm này, người ta có thể thấy được phong cảnh, hoạt động của con người có giá trị hình họa rất quan trọng, như cảnh hái trầu, hái thuốc lá, cách đánh cá, vận chuyển nước mắm như thế nào... ».

1.800 đồ vật của nghệ thuật Việt Nam tại bảo tàng Cernuschi

Những món quà nhận được trong năm 2017 đã làm phong phú thêm bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, hiện có hơn 1.800 tác phẩm, chiếm gần 10% số tác phẩm của bảo tàng :

« Năm ngoái, khi chúng tôi nhận được những bức tranh do một số họa sĩ trường Gia Định vẽ, tình trạng của những tác phẩm này rất xấu vì chúng chỉ được bảo quản trong một chiếc túi bảo vệ rất bình thường. Chắc là trước đây, chúng được treo trên tường, sau đó bị mối mọt gặm nhấm và bị nắng nóng tác động. Vì thế, tất cả mép của những bức tranh này bị thiếu, một số tranh bị thủng, có thể là do mối mọt ăn mất giấy.

Cả mùa xuân 2018, chúng tôi đã phục hồi, trùng tu những tác phẩm này nhờ tay nghề của những người thợ phục hồi giấy đầy kinh nghiệm. Chúng tôi đã lót thêm phần bị thiếu, sau đó là đóng khung. Nhờ công việc này, tình trạng cho các bức tranh đã được khôi phục ».

Bà Anne Fort cho rằng Bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi không có quy mô lớn nhưng khá hiếm vì rất ít cơ sở ở Pháp quan tâm thật sự đến Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam ở thế kỷ XX. Dĩ nhiên phải nhắc đến bộ sưu tập khảo cổ rất lớn của bảo tàng Guimet, nhưng bảo tàng Cernuschi cũng có những tác phẩm thú vị về Việt Nam.

« Ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung, một điều may mắn là còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được bảo quản ở nhà dân. Vì thường những người này có cha mẹ hoặc ông bà từng sống ở Đông Dương. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, họ trở về Pháp và trong hành lý trở về thường có những tác phẩm hội họa, tranh vẽ, đồ gốm, đồ đồng, sơn mài... Hiện vẫn còn rất rất nhiều đồ vật được mang ra bán đấu giá. Những kho báu này thường được người châu Á mua lại.

Đối với các cơ quan Pháp, điều quan trọng là phải giữ được dấu tích mọi trao đổi giữa Pháp và Việt Nam vì đây là cách duy nhất để bảo vệ mối liên hệ này, dù từng rất đau xót, vì phần lớn các trường nghệ thuật ngày nay ở Việt Nam được thành lập trong quá khứ theo mong muốn của phía Pháp. Dù sao người Pháp cũng muốn phát triển nghệ thuật và khả năng tiếp cận nghệ thuật hiện đại, mới mẻ, tạo ra được những tác phẩm lý thú kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và phương Đông ».

Những tác phẩm hội họa Việt Nam mới được đưa vào bảo tàng Cernuschi còn được giới thiệu đến công chúng ngày 04/11/2018, song song với một số buổi giới thiệu và thảo luận.

Bà Anne Fort không che dấu sự ngạc nhiên về số lượng « like » trên mạng xã hội khi bảo tàng Cernuschi thông báo tổ chức triển lãm những tác phẩm Việt Nam, như kiểu một sự kiện được trông đợi từ lâu. Dù đó là những người gốc Việt hoặc không phải gốc Việt, nhưng họ đã từng sống ở Việt Nam, hoặc có người thân sống ở Việt Nam. Sự kiện này đã tác động đến họ và thôi thúc họ đến xem những tác phẩm mới này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.