Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Ân Xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam bảo vệ Đỗ Thị Minh Hạnh

Trong tuần lễ cuối tháng 6/2018, nơi ở của nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh ở tỉnh Lâm Đồng, miền Trung Việt Nam, nhiều lần bị những kẻ lạ mặt tấn công, kể cả bằng thuốc nổ. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amesty International (Ân Xá Quốc Tế) kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ bà Đỗ Thị Minh Hạnh.

Cảnh nhà của bà Minh Hạnh sau khi bị kẻ lạ mặt tấn công. Ảnh 3/07/2018.
Cảnh nhà của bà Minh Hạnh sau khi bị kẻ lạ mặt tấn công. Ảnh 3/07/2018. @vietnamhumanrightsdefenders.net
Quảng cáo

Trong lời kêu gọi được đăng tải hôm qua, 05/07/2018, Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chính quyền huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, « hành động khẩn cấp để bảo vệ an toàn của nhà tranh đấu cho quyền của người lao động Đỗ Thị Minh Hạnh ». Ấn Xá Quốc Tế ghi nhận tổng cộng nhà của bà Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị tấn công ba lần.

Lần thứ nhất vào tối ngày 24/06, hơn 10 người ném đá vào ngôi nhà bà Đỗ Thị Minh Hạnh đang ở với người cha 76 tuổi. Lần thứ hai, ngày 27/06, nhiều vật gây nổ đã được ném vào nhà. Và lần thứ ba, lần dữ dội nhất, là vào ngày 30/06. Cũng ngày 27/06, blogger Đinh Văn Hải – một người quen của bà Đỗ Thị Minh Hạnh – khi đến thăm nhà, đã bị một số kẻ côn đồ ở địa phương hành hung gây chấn thương.

Còn theo một số cơ sở truyền thông trong và ngoài nước, nhà bà Đỗ Thị Minh Hạnh một lần nữa lại bị đập cửa kính và xịt hơi cay hôm 4/7.

Bất chấp việc gia đình nhiều lần gọi điện đến công an, chính quyền không hề có phản ứng gì. Tổ chức Ấn Xá Quốc Tế tố cáo công an địa phương đã « thoái thác trách nhiệm », đồng thời yêu cầu chính quyền không lấy việc bà Đỗ Thị Minh Hạnh có nhiều hoạt động tranh đấu cho quyền lợi của người lao động làm cớ để « nhắm mắt làm ngơ » trước các hành động tội phạm nói trên.

Amesty International cũng đề nghị Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra để đưa các thủ phạm ra tòa.

Bà Đỗ Thị Minh Hạnh là người đồng sáng lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông hồi 2006. Đây là một công đoàn độc lập tranh đấu cho các quyền lợi của người lao động. Tại Việt Nam, vào thời điểm đó, chính quyền vẫn chỉ công nhận một tổ chức công đoàn duy nhất, do Nhà nước lập ra. Hành động nói trên khiến nhà hoạt động công đoàn độc lập bị chính quyền kết án 7 năm tù, hồi 2010. Bà Đỗ Thị Minh Hạnh bất ngờ được trả tự do vào tháng 6/2014.

Trong quá trình thương thuyết gia nhập Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương TPP những năm gần đây, chính quyền Việt Nam bước đầu thừa nhận quyền của công nhân thành lập các tổ chức công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tháng 3/2018, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tôn vinh Đỗ Thị Minh Hạnh là « anh hùng nhân quyền ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.