Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Sạt lở đồng bằng Cửu Long: Kịch bản không hồi kết

Đăng ngày:

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người, là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng do những tác động gây ra bởi các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người, cũng như những đặc tính thiên nhiên của vùng châu thổ, nên bờ sông, bờ biển của khu vực bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011
Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt. Ảnh chụp ngày 28/9/2011 REUTERS/Duc Vinh
Quảng cáo

Sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ mà ngay cả trong mùa khô, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, tài sản và cuộc sống của cư dân và các công trình cơ sở hạ tầng.

Theo những tài liệu của hai Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, ĐBSCL có 562 vị trí ở bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800km, trầm trọng nhất ở An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trước đây sạt lở chỉ xảy ra ở bờ biển phía Đông của bán đảo Cà Mau nhưng trong vòng vài năm gần đây cả ở phía Tây nằm trong vịnh Thái Lan. Vào tháng 5 vừa qua một số vị trí nằm trên bờ kinh Thạnh Đông, quận Cái Răng, vàm sông Ô Môn (Thành Phố Cần Thơ), bờ sông Chợ Mới Cái Côn, thuộc thị trấn Mái Dầm (Tỉnh Hậu Giang) và bờ kinh Hai Quý, thị xã Bình Minh (Tỉnh Vĩnh Long) cũng bị sạt lở, khiến nhiều nhà cửa sụp chìm trong đáy nước.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.

08:18

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

RFI: Xin kính chào ông Huỳnh Long Vân, trước hết ông có thể cho biết là những nguyên nhân nào khiến bờ sông, bờ biển ĐBSCL bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng như thế?

TS Huỳnh Long Vân: Sạt lở ở ĐBSCL do tác động cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau:

1. Các đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc (TQ) giữ lại khoảng 50% khối lượng phù sa thô.

2. Khai thác bừa bãi bùn cát làm biến dạng lòng sông và thay đổi dòng chảy (không chỉ Việt Nam mà Cam Bốt và Lào cũng nạo vét cát sông Mêkông để xuất khẩu).

Hai nguyên nhân nêu trên phá vỡ trạng thái cân bằng có từ lâu đời của các lớp phù sa trầm tích ở ĐBSCL, khiến bờ sông bị sạt lở và bờ biển bị xói mòn khủng khiếp, riêng Cà Mau mỗi năm mất đến hàng trăm ha đất dọc bờ biển.

3. Khai phá rừng ở thượng nguồn tạo ra lũ có tác động xói mòn trong khi đó hệ thống đê bao khép kín hầu hết những vị trí thoát lũ.

4. Ghe máy có mã lực cao vận chuyển trên sông rạch.

5. Địa hình và những đặc tính địa chất của ĐBSCL: ĐBSCL có địa thế thấp dễ bị ngập nước và cấu tạo bởi những lớp than bùn, phù sa xốp, đất cát pha lộn, nên có độ kết dính rất thấp, do đó dễ tan rã trước những tác động của các dòng nước xoáy và sóng to. Ngoài ra ĐBSCL có nhiều sông rạch chằng chịt thẳng góc với sông Tiền và sông Hậu, điều kiện để dòng chảy ở những nơi hợp lưu tạo ra những luồng xoáy ngầm bào khoét các bờ sông. Điển hình là vụ sạt lở bờ sông trong tháng 5 vừa qua ở phường Thới Lợi, huyện Ô Môn, Thành Phố Cần Thơ.

RFI: Vậy cho tới nay chính quyền Việt Nam đã thực hiện những giải pháp nào để ứng phó với tình trạng sạt lở này?

TS Huỳnh Long Vân: Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương và địa phương đã đề ra những biện pháp ứng phó như xây dựng đê biển, kè bê tông, phục hồi các rừng phòng hộ, trồng các loại cây dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở, chỉ thị thiết lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở để gia cố và thiết lập các khu tái cư. Và trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong tháng qua, thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 2.500 tỷ đồng đề khắc phục sạt lở vùng ĐBSCL.

RFI: Nhưng vì sao những giải pháp đó không có tác động gì đáng kể trong việc ngăn chận tình trạng sạt lở ở ĐBSCL?

Bờ biển ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng do việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn Mêkông, khai thác nước ngầm và những tác động của biến đổi khí hậu mực nước dâng cao, mưa bão và sóng to, gió mạnh. Còn sạt lở các bờ sông là do việc khai thác bùn cát thiếu kiểm soát, bên cạnh những tác động của các đập thủy điện thượng nguồn.

Trong khi đó những giải pháp chống sạt lở hiện nay rất tạm bợ, không mang tính chiến lược bền vững và sau đây là một số dẫn chứng cho thấy Việt Nam có vẻ thiếu tự tin, kém phần tích cực trong việc khắc phục những nguyên nhân sạt lở cốt lõi nêu trên.

RFI : Phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc, Lào và Cam Bốt xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông ra sao?

TS Huỳnh Long Vân: Ở Trung Đông, khi chính phủ Jordani công bố ý định xây đập trên dòng chính sông Jordan, Israel đã dọa sẽ dùng vũ lực và đã ngăn chặn được kế hoạch này. Trong khi đó, Việt Nam vì quá yếu so với Trung Quốc nên e dè và không đưa ra những phản đối hay đe dọa trả đũa nào.

Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc xác định quyền sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia nằm trong lưu vực của một dòng sông quốc tế, nhưng với điều kiện không gây tổn hại cho các quốc gia khác trong cùng lưu vực. Nhưng Việt Nam không đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc hay một Tòa án Quốc Tế, vì biết rằng ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết và thái độ trịch thượng của Trung Quốc bất chấp phán quyến của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về đường chữ U chín đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông cho thấy con đường pháp lý sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Ấy là chưa kể hành động này sẽ làm mất lòng ông láng giềng khổng lồ ở phía Bắc.

Lào và Cam Bốt sẽ xây 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong và khi đưa vào sử dụng sẽ giữ thêm 30% khối lượng phù sa, vì thế tình trạng sạt lở ở ĐBSCL sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều ngạc nhiên là trong số các đơn vị trúng thầu xây đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong lại có một công ty của Việt Nam bên cạnh nhiều tập đoàn của Trung Quốc.

Như vậy là Việt Nam phải bó tay và chịu lép vế trước việc các quốc gia thượng nguồn khai thác tài nguyên nước gây tác hại cho ĐBSCL

RFI : Đó là nói về nguyên nhân bên ngoài, còn về những nguyên nhân nội tại, những biện pháp đã được thực hiện cũng chẳng có tác động gì? Vì sao vậy, thưa ông?

TS Huỳnh Long Vân: Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng khai thác thiếu ý thức tài nguyên thiên nhiên.

Khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp khiến nền đất ĐBSCL sụt lún, làm gia tốc những tác động gây sạt lở do nước biển dâng cao dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Người dân được khuyến cáo chuyển đổi canh tác lúa sang sản xuất hoa màu tiết kiệm nước; nhưng hoa quả sản xuất không có thị trường tiêu thụ, được mùa thì mất giá gây thua lỗ, nên người dân cứ tiếp tục trồng lúa. Lúa thóc bán không hết không sợ ế ẩm, vì có thể dự trữ, không bị hư hao như rau quả.

Việt Nam đang trên đà phát triển cần tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, các khu kỹ nghệ, nên rất cần cát bùn để làm nền nhà và mặt bằng, vì thế việc khai thác cát sẽ không bị đình chỉ và tệ hại hơn nữa là mỗi tỉnh thành trong ĐBSCL được quyền tùy tiện cấp phép nạo vét cát trong sông.

Phải chăng người dân ĐBSCL cam chịu số phận ngậm bồ hòn làm ngọt!

RFI: Thưa ông Huỳnh Long Vân, như vậy tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL sẽ không thể nào chấm dứt ?

TS Huỳnh Long Vân: Mặc dù chính quyền trung ương và địa phương rất quan tâm về những tai họa này, nhưng toàn thể bờ sông, bờ biển của ĐBSCL không thể được bao bọc bởi các hệ thống đê, kè dựa trên các công nghệ tân tiến kiên cố, vì phạm vi rộng lớn, nên quá tốn kém, vượt quá khả năng tài chính của Việt Nam.

Giả sử có thực hiện được đi nữa thì bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, nên sau một thời gian sẽ suy sụp, không còn hữu dụng như trường hợp đê biển ở Gành Hào, Cà Mau là một bằng chứng cụ thể. Vì thế phải chấp nhận giải pháp tìm cách gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở. Nhưng gia cố chỗ này, thì chỗ khác sẽ bị tác động, phá sóng nơi này, thì sóng sẽ đập vào các vị trí kế cận.

Tóm lại tình trạng sạt lở ĐBSCL là một kịch bản gần như không có hồi kết, hay nói khác hơn đây là một chứng bệnh trầm kha nhưng không có phương cách trị liệu hữu hiệu. Như thế thử hỏi "Con đường phát triển bền vững ĐBSCL" sẽ đi về đâu?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.