Vào nội dung chính
AN NINH - TIN HỌC

Việt Nam : Luật An ninh mạng khiến ‘‘An toàn mạng" quốc gia lâm nguy

Hôm nay 12/06/2018, Quốc Hội Việt Nam thông qua luật về An ninh mạng. Dự luật trước đó bị giới chuyên môn, người sử dụng mạng và một bộ phận chính giới trong nước lên án là nguy hại về nhiều mặt, về kinh tế, về nhân quyền, cũng như vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam. Bộ luật này cũng bị lo ngại là khiến chính các nhân viên công quyền « lạc hướng », mà sao lãng vấn đề An toàn mạng thực sự của quốc gia.

Nhiều người lo ngại luật An ninh mạng mới vừa không giúp cải thiện an toàn mạng, lại gia tăng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
Nhiều người lo ngại luật An ninh mạng mới vừa không giúp cải thiện an toàn mạng, lại gia tăng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Ảnh : Amnesty International
Quảng cáo

Trả lời RFI tiếng Việt ít giờ sau khi luật được thông qua, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết suy nghĩ của ông :

« … Điều mà tôi lo ngại nhất là người ta đánh tráo khái niệm… Cái An ninh mạng của Việt Nam hiểu theo nghĩa đúng, là làm sao để thông tin trong các mạng của chính phủ, của các tổ chức Việt Nam, các doanh nghiệp, các ngân hàng, đỡ bị tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu, phá hoại….

Gọi là An ninh mạng, nhưng luật này thực sự là để bịt miệng người dân… Nó không làm lợi cho quốc gia này cái gì, mà lại làm lạc hướng đi, để cho vấn đề An ninh mạng thực sự của quốc gia có thể sẽ lâm vào tình trạng hết sức nguy hiểm.

02:48

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội)

Nguy hiểm là bởi vì người ta hiểu lầm về An ninh mạng. Những chính trị gia, các đại biểu Quốc Hội và bản thân hệ thống công an mà hiểu An ninh mạng là phải ngăn chặn những tiếng nói khác biệt, thì người ta không bao giờ để ý đến cái An ninh mạng thực sự nữa. Tức là việc bảo vệ an toàn, dữ liệu của chính phủ, dữ liệu của khách hàng trong ngân hàng, hay bảo vệ an toàn dữ liệu của Hàng không Việt Nam chẳng hạn.

Chúng ta đã chứng kiến Hàng không Việt Nam bị tấn công, các cơ quan chính phủ bị tấn công…. Cái đấy mới thực sự là An ninh mạng…

Đó là sự hiểu nhầm từ gốc rễ về mặt khái niệm, xảo trá về ngôn từ, đánh tráo khái niệm, và tạo điều kiện cho lực lượng Công an có thể lạm quyền một cách vô lối, để can thiệp vào đời sống của người dân, nhân danh An ninh mạng ».

Tương tự như tiến sĩ Nguyễn Quang A, bản kiến nghị của hơn một chục hiệp hội ngành công nghệ thông tin và truyền thông gửi đến Quốc Hội Việt Nam hôm qua, 11/06, bày tỏ lo ngại là bộ luật này « có thể tạo ra nhiều cản trở, bất lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội trên không gian mạng của các tổ chức, người dùng Internet tại Việt Nam, trong khi việc đảm bảo an ninh quốc gia chưa được thấy rõ tác dụng qua các điều khoản ».

Bản kiến nghị của nhóm 13 hiệp hội công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu ở Việt Nam cũng đồng thời nhấn mạnh đến bộ luật « quy định phạm vi và quyền hạn của cơ quan chuyên trách an ninh mạng quá rộng, tạo rủi ro lạm quyền », « có nguy cơ ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia…. Cụ thể là các thiết chế thương mại đa phương và song phương như WTO, EVFTA, CPTPP (tức hiệp định TPP mới) » và « một số điều khoản… sẽ làm cho hoạt động… thông qua mạng Internet sẽ bị chậm đi hàng chục lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, nhất là kinh doanh quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 ».

Hơn một nửa trong số 93 triệu cư dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam đứng thứ 10 về tỉ lệ dân số sử dụng mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, về quyền tự do internet, Việt Nam vẫn bị xếp ở thứ hạng rất thấp (chỉ hơn Trung Quốc một bậc, theo bảng xếp hạng mới đây của Freedom House).

Nhiều chính trị gia, nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam cũng phê phán bộ luật mới do Ủy ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội chủ trì là hoàn toàn không cần thiết, vì điều chỉnh về an ninh quốc gia nói chung, hiện đã có Luật An ninh quốc gia (2004) và về an toàn cho người sử dụng đã có Luật An toàn thông tin mạng (2015) (ví dụ như ý kiến của chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng).

Trước đó, Hoa Kỳ và Canada kêu gọi Việt Nam hoãn lại việc bỏ phiếu dự luật, nhằm bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới. Nhiều tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch và Ân Xá Quốc Tế chỉ trích bộ luật bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Cùng với dự luật về 3 Đặc khu kinh tế, luật về An ninh mạng gây phản đối rất mạnh trong xã hội dân sự Việt Nam trong và ngoài nước. Ngoài thông báo của nhóm các chuyên gia ngành tin học gửi Quốc Hội, còn nhiều hình thức bày tỏ khác, như biểu tình, ký tên kiến nghị... Hàng chục nghìn người tham gia ký tên vào các kiến nghị trên mạng gửi đến Quốc Hội, như change.org hay bauxite.vn.

Sau khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua luật này, người dân tiếp tục ký tên vào một Kiến nghị mới gửi đến Chủ tịch Nước Trần Đại Quang để yêu cầu không ban hành Luật An ninh mạng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.