Vào nội dung chính
QUỐC PHÒNG VIỆT-ẤN

Quan hệ quốc phòng Việt-Ấn tiến bước: Hải Quân tập trận chung

Ngày 21/05/2018, ba quân hạm Ấn Độ đã ghé cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), bắt đầu một chuyến thăm kéo dài 5 ngày, mà đỉnh điểm sẽ là một cuộc tập trận hải quân giữa hai bên. Trong một bài phân tích đăng ngày 22/05, nhà báo Prashanth Parameswaran trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat đã ghi nhận rằng sự kiện này là dấu hiệu của đà tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng rõ nét giữa hai cường quốc châu Á, kể cả trong lĩnh vực hải quân.

Hai chiến hạm Kamorta và Sahyadri, cùng tàu tiếp liệu Shakti của Hải Quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Changi (Singapore) ngày 10/05/2018. Hôm 21/05/2018, đội tàu Ấn Độ đã ghé cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chuẩn bị tập trận với Hải Quân Việt Nam.
Hai chiến hạm Kamorta và Sahyadri, cùng tàu tiếp liệu Shakti của Hải Quân Ấn Độ tại căn cứ hải quân Changi (Singapore) ngày 10/05/2018. Hôm 21/05/2018, đội tàu Ấn Độ đã ghé cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chuẩn bị tập trận với Hải Quân Việt Nam. REUTERS/Feline Lim
Quảng cáo

Đối với The Diplomat, Việt Nam và Ấn Độ đã tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ một quan hệ rộng lớn hơn, được nâng lên cấp đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2016. Cả hai bên đều muốn tận dụng mọi cơ hội tích cực trong quan hệ song phương, cũng như hợp sức đối phó với các thách thức chung, đặc biệt là thái độ ngày càng hung hăng trên biển của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đã phát triển, không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như giao lưu và ghé cảng hữu nghị, mà còn trong công tác đào tạo nhân sự, nâng cao năng lực và cải tiến thiết bị, hợp tác bảo vệ bờ biển và trong một số lĩnh vực khác như hàng hải hay không gian.

Xu hướng tăng cường quan hệ quốc phòng đã tiếp tục qua năm 2018, với các vấn đề quốc phòng nổi bật trong chương trình nghị sự chuyến thăm Ấn Độ vào tháng Ba vừa qua của chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, với kết quả là hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ và đồng sản xuất, hợp sức giải quyết những thách thức chung như an ninh hàng hải và an ninh mạng. Một loạt các chuyến thăm quốc phòng cấp cao đã được lên kế hoach, với sự kiện bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng Sáu sắp tới.

Tập trận trên biển với Trung Quốc trong tầm nhắm

Về chuyến ghé cảng Đà Nẵng đang diễn ra, The Diplomat ghi nhận đây là chuyến thăm công khai chính thức đầu tiên Hải Quân Ấn Độ kể từ tháng 9/2017 (khi hai chiến hạm Ấn Độ ghé cảng Hải Phòng).

Quy mô lực lượng Ấn Độ cũng đáng kể với số lượng gần một ngàn thủy thủ và sĩ quan Ấn Độ trên ba chiếc hộ tống hạm Sahyadri, tàu tiếp liệu Shakti, và khinh hạm Kamorta, do chính chuẩn đô đốc Dinesh K. Tripathi, tư lệnh Hạm Đội Đông Hải Ấn Độ dẫn đầu.

Ngoài các hoạt động thông thường như tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp chính quyền và chỉ huy Hải Quân, cùng với các sinh hoạt giao lưu thể thao, văn nghệ, tham quan, trọng tâm chuyến ghé cảng Việt Nam lần này của Hải Quân Ấn Độ sẽ là một cuộc diễn tập chung mà rất ít chi tiết được tiết lộ.

Hải Quân Ấn Độ chỉ nói rằng « một cuộc tập trận » sẽ được tổ chức trong bối cảnh chung của chiến dịch triển khai hoạt động của Hải Quân nước này tại khu vực Đông Nam Á và Tây Bắc Thái Bình Dương. Bộ Quốc Phòng Việt Nam cũng không nói rõ gì hơn, chỉ xác định rằng đó sẽ là một cuộc « diễn tập song phương » giữa hai bên trước khi tàu Ấn Độ rời Đà Nẵng.

Trước khi tàu Ấn Độ đến Đà Nẵng, truyền thông hai phía đã nhận mạnh đến ý nghĩa của cuộc tập trận Hải Quân đó : Cho thấy sức mạnh của Ấn Độ và Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành động quyết đoán trên Biển Đông.

Đối với The Diplomat, quả đúng là vấn đề Biển Đông và Trung Quốc là mối ưu tư của cả hai bên, nhưng những hoạt động chung của Hải Quân Ấn Độ và Việt Nam phải được lồng vào trong khuôn khổ đà mở rộng và nâng cao quan hệ quốc phòng giữa hai bên, trong mọi lãnh vực. Dưới góc độ đó, chuyến thăm Việt Nam sắp tới đây của bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ là một sự kiện rất đáng chú ý.

Ấn Độ và Việt Nam luôn luôn là chỗ dựa cho nhau

Phân tích sâu hơn về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ, chuyên gia Ấn Độ Arushi Vig thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình và Tranh Chấp Institute for Peace and Conflict Studies IPCS, trong một bài viết đăng trên trang mạng EURASIA ngày 22/05/2018, đã nêu bật các động cơ đã thúc đẩy New Delhi và Hà Nội xích lại gần nhau hơn.

Theo tác giả bài viết, Ấn Độ và Việt Nam gần đây đã ký một thỏa thuận hợp tác bao gồm ba phần chính : Hợp tác hạt nhân, hợp tác nông nghiệp và thương mại, và liên kết kinh tế.

Hợp tác hạt nhân được ghi nhận trong một biên bản ghi nhớ ký kết vào năm 2018, quy định việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình, mở rộng địa hạt nghiên cứu về lò phản ứng hạt nhân, qua các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật hạt nhân, và nhiên liệu và vật liệu nguyên tử. Thỏa thuận này đã được quyết định trước đó vào năm 2016 khi thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Việt Nam và cả hai nước quyết tâm hợp tác để xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và thịnh vượng, với một kiến trúc an ninh khu vực dựa trên luật lệ. Ấn Độ và Việt Nam cũng quan tâm đến việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, thăm dò dầu khí, an ninh hàng hải…

Việt Nam và Ấn Độ luôn luôn là điểm tựa quan trọng cho nhau. Cả hai nước đều chia sẻ một lịch sử hợp tác lâu dài: Ấn Độ ủng hộ Việt Nam giành độc lập từ Pháp, ủng hộ Hà Nội thời Mỹ tham chiến tại Việt Nam và ủng hộ sự thống nhất của Việt Nam. Và cả hai nước đều đã thiết lập những mối quan hệ song phương tốt trong thương mại, hợp tác kinh tế, giáo dục, nông nghiệp, dầu khí và công nghiệp nhẹ.

Việt Nam là điều phối viên phụ trách Ấn Độ trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), một trọng tâm của chính sách Act East - Hành Động Hướng Đông - của Ấn Độ. Ấn Độ giúp Việt Nam thông qua nhiều khoản tín dụng. Ví dụ, gần đây Ấn Độ đã mở rộng một khoản tín dụng trị giá 500 triệu đô la để giúp Việt Nam mua thiết bị quân sự, ngoài con số 100 triệu đô la được cấp vào năm 2014 để mua bốn tàu tuần tra hiện đang được đóng trong các nhà máy ở Ấn Độ.

Về mặt quốc phòng, do việc Ấn Độ sở hữu một quân đội lớn thứ tư thế giới, tại Châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc, hợp tác với Ấn Độ là lợi ích của Việt Nam. Còn Việt Nam quan trọng đối với Ấn Độ trên bình diện thương mại và dự án đường cao tốc hiện thời chỉ là ba bên - giữa Ấn Độ, Miến Điện và Thái Lan - nhưng đang được đàm phán để kéo dài đến Việt Nam. Đây là một phần của chính sách Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ.

Ba động lực hợp tác Ấn-Việt, đi đầu là mong muốn đối phó với Trung Quốc

Cho dù hợp tác hạt nhân Ấn Độ-Việt Nam còn rất mơ hồ, có rất ít chi tiết được công bố, nhưng theo EURASIA, câu hỏi vẫn được đặt ra về những nguyên nhân thúc đẩy New Delhi và Hà Nội tăng cường hợp tác trên mọi mặt. Theo tác giả, có ba động cơ chủ yếu :

Trước tiên hết, cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều muốn củng cố vị thế của mình trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với uy lực và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ riêng của Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên phản đối việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ (ONGC) thăm dò và khai thác các lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Bắc Kinh cũng phủ nhận phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông, và vẫn đòi giải quyết vấn đề một cách song phương với từng nước liên quan.

Mặc dù Việt Nam duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ đã thúc đẩy Việt Nam thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương với Ấn Độ trong tư thế làm đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ tuyên bố của Ấn Độ theo đó cần phải duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực Biển Đông.

Ngoài ra, trong tư cách điều phối viên phụ trách Ấn Độ trong ASEAN, Việt Nam đóng vai trò là một mắt xích quan trọng cho chính sách Hành Động Hướng Đông của Ấn Độ. Chính sách Act East tìm cách tăng cường mối quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN và Nhật Bản. Quan hệ đối tác chặt chẽ với Việt Nam, nước có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và hình ảnh của một « Nhà Nước có quyết tâm », chắc chắn sẽ có lợi cho Ấn Độ.

Sau cùng, Việt Nam có thể đóng vai trò đầu cầu cho Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á, một vai trò tương tự - mặc dù không giống hệt - như vai trò của Pakistan đối với Trung Quốc ở Nam Á. Việt Nam có một đường lối ngoại giao thông minh – như không do dự kết bạn với Mỹ để có sức kháng lại Trung Quốc.

Mặc dù sẽ không từ bỏ quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với các quốc gia mạnh trong khu vực - như Ấn Độ - để làm đối trọng cho đà vươn lên của Trung Quốc và chống lại thái độ bắt nạt của Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.