Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Facebook và sự coi nhẹ tính bảo mật của người Việt Nam

Đăng ngày:

Việt Nam là một trong những nước có số người sử dụng mạng xã hội Facebook nhiều nhất trên thế giới, với 64 triệu tài khoản, chiếm 3% số người dùng toàn cầu. Facebook không chỉ rất phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, mà người trưởng thành, kể cả người có tuổi, cũng sử dụng mạng xã hội Facebook.

Logo của mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa.
Logo của mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa. REUTERS/Dado Ruvic
Quảng cáo

Mục đích chủ yếu là giao lưu, tương tác với nhau, tìm kiếm thông tin, đặc biệt từ những người thân, những người có cùng định hướng, cùng mối quan tâm trên Facebook hoặc để đáp ứng các nhu cầu khác, như giải trí, kinh doanh online trên Facebook.

Sau tai tiếng công ty Cambridge Analytica khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook, trong đó có 427.446 tài khoản của người Việt, chủ yếu đăng ký tại Mỹ, người Việt đánh giá sự việc như thế nào và có cảm thấy lo sợ về việc thông tin cá nhân của họ cũng có thể bị đánh cắp hay không ? RFI tiếng Việt đã có dịp trao đổi với tiến sĩ Trần Hoàng Nam, chuyên gia tâm lý, hiện giảng dạy tại Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Facebook : “Cảnh sát xã hội”

Không thể phủ nhận được những tiện ích của mạng Facebook. Ngoài ra, tại Việt Nam, Facebook còn được sử dụng như một phương tiện truyền thông có sức lan tỏa rất nhanh. Nhiều vụ tai tiếng như cô giáo phạt đánh học sinh hoặc bảo mẫu tát, lắc trẻ nhỏ khi cho ăn, bạo lực học đường… thường được truyền tải trên Facebook trước khi báo chí và truyền thông chính thức nhập cuộc. Ông Trần Hoàng Nam nhận xét :

“Rõ ràng Facebook là một mạng xã hội phản ánh thông tin của họ rất là nhanh và cũng có thể là bị định hướng theo một trào lưu gì đấy. Thậm chí bây giờ, Facebook còn được xem như là “cảnh sát xã hội”. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo và đưa tin. Tuy nhiên, những thông tin của họ có thể là những thông tin một chiều, chỉ nhìn những sự kiện thôi mà không nhìn thấy quá trình diễn ra trước đó và sau đó.

Đó là chưa kể, đôi khi, những thông tin đưa lên, họ có thêm mắm dặm muối vào. Và có những thông tin chúng ta đã thấy và chứng kiến, đó là những thông tin giả, thông tin sai sự thật, được đưa lên với mục tiêu là thu hút sự chú ý của những người quan tâm. Thậm chí, ở một khía cạnh nào đấy, vì những mục tiêu cá nhân nào đó, họ cũng gây hoang mang cho xã hội”.

Nhận thức bảo mật dữ liệu cá nhân còn kém

Tại Việt Nam, vụ tai tiếng tiết lộ thông tin chỉ được đề cập tức thời, dấy lên trong một khoảng thời gian, còn dư luận xã hội lại tập trung vào vấn đề khác, theo quan sát của chuyên gia tâm lý Trần Hoàng Nam.

Trong tổng số 87 triệu tài khoản Facebook bị công ty Cambridge Analytica khai thác trái phép, có hơn 427.000 tài khoản của người Việt, chủ yếu đăng ký ở Mỹ. Theo bà Võ Dương Tú Diễm, đại diện một công ty bảo mật ở Việt Nam, nếu Cambridge Analytica có chủ đích khai thác người dùng Việt Nam, họ có thể thu thập đến hàng chục triệu người dùng rất dễ dàng, bởi đông đảo người dùng Việt rất chủ quan khi dùng Facebook”. Đây cũng là nhận định của tiến sĩ Trần Hoàng Nam :

“Cá nhân tôi, tôi thấy rằng ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng còn kém. Họ không ý thức được mức độ trầm trọng của nguy cơ lây nhiễm mã độc lấy thông tin cá nhân của mình. Tôi cũng thấy rằng, nhìn chung, năng lực thông tin và truyền thông của một số người Việt là cũng chưa được nhận thức đầy đủ. Đối với những người mà tôi được tiếp xúc, họ thậm chí không biết cách sử dụng các cách phân quyền, cách mã hóa lưu trữ dữ liệu dưới dạng mật mã. Còn ở trong trường học, những kỹ năng về năng lực thông tin truyền thông cũng không được đưa vào trong chương trình học phổ thông.

Liên quan đến thói quen, cá nhân và một số công ty cũng ít chịu đầu tư vào các giải pháp bảo vệ, phòng chống việc lộ thông tin. Có nhiều nơi, tôi thấy là họ không có ý thức về bản quyền, chủ quyền của các phần mềm bảo vệ và toàn dùng các phần mềm “fake” (giả) và chính những phần mềm “fake” đấy cũng có thể là những phần mềm đã cài sẵn mã độc.

Về những thói quen xấu của người Việt, ví dụ sử dụng thẻ USB thì họ cắm USB từ máy tính này đến máy tính khác. Rồi mở email ở ngoài hàng để in thì lại quên thoát ra khỏi email đó trước khi dời đi. Đến mật khẩu, họ cũng chỉ dùng một mật khẩu cho các loại tài khoản. Khi lựa chọn mã số cho mật khẩu thì toàn sử dụng những số dễ nhớ, như toàn số 0, hoặc tám số 8.

Có nhiều người có ý muốn thích khoe, mạnh hơn là ý thức về việc bị lộ thông tin cho nên ví dụ, khi apply có được visa đi Mỹ chẳng hạn thì chụp ảnh cả cái visa, với tất cả thông tin, số liệu đều đăng lên trên đó hết, không che giấu gì cả”.

Facebook : Bạn tâm giao

Thực ra, người sử dụng các mạng xã hội có thể hạn chế khả năng tiết lộ thông tin cá nhân, như đóng chế độ công khai, chỉ để bạn bè của mình xem. Họ cũng có thể hạn chế “check-in”, “cúng Facebook”, những cụm từ vẫn được dùng để “khoe” thông tin về địa điểm, thời gian, thói quen riêng tư... Ông Trần Hoàng Nam giải thích :

“Có nhiều người coi Facebook cứ như người bạn cho nên là Facebook hỏi gì thì mình cứ trả lời thôi, rất là thật thà ! Tôi thì nghĩ rằng một số người khi tiếp cận với thế giới mạng xã hội Facebook, cứ đặt mình vào chỉ với tư cách cá nhân, chứ không đặt mình vào trong hệ thống. Vì vậy, mảng thông tin của anh cứ để hết trên mạng mà không có các biện pháp bảo mật. Họ không hiểu được rằng tài khoản của mình bị haker phá, rồi tất cả những người bạn, cả một hệ thống những người liên quan, họ cũng bị như vậy.

Cũng có thể có những người bắt đầu ý thức được là thông tin cá nhân không phải là điều dễ dàng mà chia sẻ đâu. Thế nhưng, họ lại không cưỡng lại nổi một số cái gọi là “cảm xúc tích cực” khác bằng việc chia sẻ thông tin. Chẳng hạn như tôi vừa apply được visa đi Mỹ, vui quá, tặc lưỡi một cái, thế là đưa thông tin đó lên trên mạng. Hoặc là bạn bè nào đấy hỏi số điện thoại cá nhân của bạn là gì cho tôi liên lạc, họ cũng quên mất, hứng thú quá, không gửi riêng hay inbox mà cứ gửi trực tiếp lên mạng xã hội. Đúng là vẫn có những hiện tượng như thế.

Vụ bê bối của Facebook cũng chỉ là một hồi chuông dấy lên, mọi người bắt đầu quan tâm hơn đối với việc việc bảo mật của Facebook. Nhưng sau đấy, những sự kiện khác ập đến, rồi những thói quen, những ý thức chưa được cao, việc quan tâm chưa đọng lại trong họ”.

Tiện ích trước, bảo mật sau

Ở Việt Nam, có một lĩnh vực phát triển mạnh, không thể chối cãi được, đó là bán hàng online trên Facebook. Tiện ích ở chỗ, người mua nhận được những quảng cáo trên trang chính, đúng sở thích của họ, như thời trang, mỹ phẩm, nội thất... Họ có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên bài đăng hoặc hỏi qua “chat” messenger. Thành công của bán hàng online nói riêng và việc truyền tin đến đối tượng có cùng mối quan tâm nói chung, một phần có được là nhờ quảng cáo dựa trên phân tích thói quan, tâm lý của người dùng. Người sử dụng Facebook tại Việt Nam có sợ việc dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác không? Tiến sĩ Trần Hoàng Nam giải thích :

“Tôi nghĩ rằng có một số người ý thức được vấn đề đấy. Nhưng mà chúng ta có một tâm lý, là những gì phải lo xa xa thì chúng ta lại hay quên mất. Chúng ta chỉ nhìn vào những cái ngắn hạn thôi, như là hút thuốc thì làm tăng tỉ lệ ung thư nhưng mà chúng ta chẳng bao giờ sợ ung thư cả nên vẫn hút thuốc hàng ngày vì nó đem lại một cảm giác thích thú...

Đấy là chưa kể họ cũng coi nhẹ. Ví dụ họ nói rằng vì mình khai thông tin rất thật thà cho mạng xã hội như vậy, thì cái chuyện đấy giúp cho mỗi lần vào mạng, mình đỡ phải tìm kiếm thông tin gì vì máy tính ,với trí tuệ nhân tạo, đưa ra những một thông tin gần nhất với mong muốn của mình, sở thích của mình. Đấy cũng là một tiện nghi. Nhiều người lại coi trọng tiện nghi đấy hơn là nguy cơ, có thể là xác suất nhỏ. Đấy chính là lý do khiến một số người, mặc dầu ý thức được nguy cơ, nhưng rất ít người bỏ Facebook sau sự kiện vừa rồi”.

Cảm giác chơi vơi, lạc hậu vì không có Facebook

Một xã hội không Facebook liệu có thể xảy ra ở Việt Nam hay không ? Người dùng mạng xã hội sẽ phản ứng ra sao nếu giả sử bỗng dưng một ngày Facebook đóng cửa hoặc ngừng hoạt động ở Việt Nam ? Tiến sĩ Trần Hoàng Nam và nhóm đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc điều tra và phân tích “72 giờ không sử dụng Facebook” và kết quả khá thú vị :

“Nghiên cứu này được triển khai đầu tiên là khảo sát đại trà và cho thấy rằng mức độ bạn trẻ, sinh viên, học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở, gắn bó với Facebook khá là nhiều. Tất cả những gì về thời trang, những định hình, nhận diện về bản sắc của bản thân đều được các bạn xác định thông qua Facebook và thông qua phản hồi của mọi người trên Facebook, cũng như là theo xu hướng thời trang được cập nhật dựa theo xu hướng mà các bạn thấy ở trên Facebook.

Và khi thực hiện “72 giờ không sử dụng mạng Facebook”, có một điểm thú vị là trong 24 giờ đầu, mặc dầu đã cam kết không vào Facebook, nhưng gần 50% những người cam kết lại vi phạm, vào Facebook và họ có những lý do này, lý do khác để giải thích việc đó. Rồi cảm giác lo âu, cảm giác mình lạc hậu, mất kết nối, không còn biết được mọi thứ xung quanh, làm tăng cảm giác lo lắng và tự tiêu cực ngay trong vòng 24 giờ đầu.

Với cách thức như vậy, tôi nghĩ rằng nếu mạng xã hội Facebook bị đóng cửa ở Việt Nam, nó sẽ gây ra một số hệ lụy về mặt cảm xúc đối với cả giới trẻ. Có thể là sau đấy, giới trẻ họ sẽ tìm được một mạng xã hội khác để kết nối với nhau. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, thì kết nối thực sự là không thể đảo ngược. Có thể là không biết như thế nào, nhưng nếu chúng ta quản lý tốt, thì có thể Việt Nam có một số mạng xã hội riêng, cách thức quản lý giống Trung Quốc. Lúc nào đấy có thể tình hình sẽ khác, mọi người sẽ xây dựng một thói quen mới”.

Facebook sẽ tiếp tục tương lai sáng lạn ở Việt Nam, vì người dùng mạng xã hội này vẫn chuộng những ứng dụng tiện lợi của Facebook, ngồi một chỗ mà cập nhật được thông tin từ khắp nơi. Ngoài ra, Facebook chưa bị đánh thuế thu nhập ở Việt Nam vì một số ý kiến cho rằng nhờ những công cụ này mà các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ngày càng có cơ hội được sử dụng miễn phí dịch vụ mà các nhà công nghệ này cung cấp để gây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư. Và như vậy, người sử dụng Facebook ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục là đối tượng để quảng cáo có chọn lọc nhắm đến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.