Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Pháp hỗ trợ truyền thông độc lập của Việt Nam

Đăng ngày:

Cơ quan Pháp về hợp tác truyền thông ( CFI ), một cơ quan trực thuộc bộ Châu Âu và Ngoại Giao Pháp, từ nhiều năm qua vẫn tích cực hỗ trợ cho truyền thông của các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó dĩ nhiên có cả Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn khổ dự án có tên là 4M ASIA. Đây là một dự án nhằm hỗ trợ cho những người làm truyền thông độc lập tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà quyền tự do báo chí ít được tôn trọng hoặc hoàn toàn không có.

Từ trái sang phải: Ông Abdul Manan, Chủ tịch Liên hiệp các nhà báo độc lập, Indonesia, Đại sứ Pháp tại Jakarta Jean-Charles Berthonnet, ông David Hivet, Giám đốc châu Á, CFI, tại Diễn đàn 4M ASIA, Jakarta, 07/04/2018.
Từ trái sang phải: Ông Abdul Manan, Chủ tịch Liên hiệp các nhà báo độc lập, Indonesia, Đại sứ Pháp tại Jakarta Jean-Charles Berthonnet, ông David Hivet, Giám đốc châu Á, CFI, tại Diễn đàn 4M ASIA, Jakarta, 07/04/2018. Ảnh : RFI
Quảng cáo

Trong khuôn khổ dự án 4M ASIA, trong hai ngày 7 và 8/04/2018, CFI đã tổ chức một diễn đàn để các nhà báo Đông Nam Á và các nhà báo châu Âu có dịp trao đổi kinh nghiệm với nhau về làm truyền thông độc lập, truyền thông cộng đồng.

Nhân dịp tham dự diễn đàn ở Jakarta, Indonesia, RFI Việt ngữ đã tìm hiểu về những dự án của CFI hỗ trợ cho truyền thông độc lập của Việt Nam. Là người đã làm việc lâu năm với Việt Nam, ông David Hivet, giám đốc đặc trách Địa Trung Hải - Châu Á của CFI, nhận định về nền báo chí Việt Nam hiện nay :

« Theo tôi biết thì những người làm truyền thông độc lập hiện giờ chủ yếu là những người hoạt động bên ngoài Việt Nam, vì tôi nghĩ là rất khó cho báo chí độc lập hoạt động trong nước. Dĩ nhiên là các phương tiện truyền thông độc lập đó chủ yếu dựa vào những người trong nước và dù ở bên ngoài, họ cũng làm được truyền thông với chất lượng tốt.

Nhưng ngay trong truyền thông Nhà nước của Việt Nam, chúng ta cũng thấy nổi lên những nhà báo đang nỗ lực làm công việc của họ một cách tốt nhất có thể được, trong một khuôn khổ còn nhiều hạn chế. Không phải là cứ thuộc báo chí Nhà nước thì sản phẩm báo chí của họ có chất lượng kém hơn. Các nhà báo ở bên ngoài không có những bó buộc đó. Đúng hơn là công việc của hai nhóm nhà báo này bổ túc cho nhau.

Có thể là một ngày nào đó các nhà báo độc lập đó sẽ được phép làm việc ở Việt Nam, vì tôi nghĩ là Việt Nam cũng đang trên đường chuyển biến tích cực, nhất là với các mạng xã hội, mà hiện nay có tác động ngày càng lớn lên báo chí thông thường, nhất là báo chí Nhà nước. Tôi nghĩ là Việt Nam đang trên đường tiến tới một môi trường truyền thông mới. »

Từ nhiều năm qua, cơ quan CFI đã thực hiện một số dự án hỗ trợ cho truyền thông của Việt Nam, đầu tiên là với đài truyền hình Việt Nam VTV. Ông Hivet cho biết :

« Với VTV, từ lâu chúng tôi đã làm việc với các trung tâm đào tạo, nhất là ở Hà Nội, để đào tạo nhân viên cho nhiều kênh truyền hình. Gần đây, chúng tôi đã thỏa thuận hợp tác với VTV về một dự án lớn mang tên VTV 24, một kênh truyền hình thông tin liên tục, một loại đài CNN Việt Nam. Đây là một dự án táo bạo đối với một quốc gia như Việt Nam, bởi vì kênh thông tin liên tục có nghĩa là phải có rất nhiều tường thuật trực tiếp, có nghĩa là sẽ có ít kiểm soát hơn. Tôi thấy dự án kênh thông tin liên tục này rất là thú vị. Hiện dự án đang tạm ngưng thực hiện, nhưng tôi nghĩ rằng, sớm hay muộn nó cũng sẽ được khởi động trở lại.

Điều mà tôi phát hiện qua dự án này đó là một thế hệ phóng viên trẻ của Việt Nam, đang khát khao làm báo chí theo cách khác. Họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề kinh tế, đến đời sống thường nhật của người dân Việt Nam hơn là chính trị. Họ chú ý đến những gì đang vận hành tốt ở Việt Nam, nhưng cũng đề cập đến những gì chưa được tốt trong các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

Hàng trăm phóng viên trẻ đã được tuyển mộ cho "kênh truyền hình CNN Việt Nam" này và những phóng viên này rất mong muốn làm báo chí theo cách khác. »

Ngoài VTV, CFI còn đang hợp tác với Vietnamplus, tức Thông tấn xã Việt Nam, trong một dự án về một dạng báo chí mới, báo chí dữ liệu ( data journalism ). Ông Hivet đánh giá rất cao tiềm năng của Vietnamplus :

« Vietnamplus là một truyền thông mà chúng tôi biết rất rõ từ nhiều năm qua và có thể được xem như là biểu tượng của sự đổi mới trong hệ thống báo chí Việt Nam. Chúng ta có thể có cảm tưởng là báo chí Việt Nam hơi bị lạc hậu, nhưng thật ra Vietnamplus đưa ra một hình ảnh hiện đại, đầy sáng tạo. Chúng tôi đã mời họ nhiều lần, nhất là sang Pháp, và có lần đã để họ tiếp xúc với các nhà báo Sénégal vốn là biên tập viên một bản tin thời sự bằng nhạc ráp. Vietnamplus sau đó cũng đã tung ra một bản tin thời sự tiếng Việt bằng nhạc ráp. Điều này cho thấy là Vietnamplus rất sẵn sàng đi theo xu hướng của xã hội Việt Nam hiện nay.

Về dự án báo chí dữ liệu trong khuôn khổ 4M Asia, Vietnamplus cũng đã rất nhiệt tình tham gia và họ có đủ nguồn nhân lực để làm việc đó. Đây là dự án báo chí dữ liệu về an toàn giao thông ở Việt Nam, một vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Họ đã làm rất tốt dự án về an toàn giao thông này. »

Bài báo dữ liệu « Tai nạn giao thông – Bao giờ mới hết nỗi đau » ( http://special.vietnamplus.vn/tngt )  của Vietnamplus vừa được đăng trên mạng vài ngày trước khi được nhà báo Võ Hoàng Long, tác giả của bài này giới thiệu với các đồng nghiệp Đông Nam Á và Pháp tại diễn đàn Jakarta.

Nhưng không chỉ hỗ trợ cho báo chí chính thức, cơ quan CFI còn trợ giúp về mặt kỹ thuật cho các nhà báo độc lập Việt Nam ở nước ngoài như blogger trẻ Effy Nguyễn, tức Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, hiện sống tại Philippines. Anh là con trai của mục sư Nguyễn Trung Tôn, vừa bị tuyên án 12 năm tù trong phiên xử cùng với nhiều nhà hoạt động khác ở Việt Nam ngày 05/04/2018.

Là một trong những diễn giả tham gia diễn đàn Jakarta, anh Effy Nguyễn cho biết trang blog video ( vlog ) của anh đã được CFI trợ giúp như thế nào :

« Chúng tôi đã được CFI hỗ trợ về mặt hậu cần để đi đến các cơ sở ở Bangkok và nay là đến Jakarta. Tại đây, CFI tạo ra cho chúng tôi một diễn đàn để chúng tôi có thể kết nối với những người có cùng ý tưởng về làm truyền thông cộng đồng trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài cơ hội tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau, CFI cũng đưa những chuyên gia, những nhà báo Pháp từng làm việc ở châu Á đến để chia sẻ kinh nghiệm về việc tác nghiệp báo chí cho chúng tôi để chúng tôi nâng cao kỹ năng của mình về vấn đề xin tài trợ, kỹ năng truyền thông đến khán giả trong Việt Nam, kỹ năng xây dựng nội dung trang blog.

Dự án của tôi là dự án video blog mang tên Effi vlog, nơi tôi làm các bài không phải là bài viết mà là bài video, nói về Nhà nước pháp quyền, nhân quyền, về nạn công an lạm dụng quyền lực ở Việt Nam, về tự do dân chủ, theo một cách trẻ trung, năng động của tuổi thanh niên. Trong vlog của tôi nhắm tới đối tượng khán giả là những bạn trẻ, vì giới trẻ sẽ là những người lãnh đạo trong tương lai, hy vọng hướng các bạn quan tâm đến xã hội, đến vấn đề dân chủ và tự do hơn.

Qua những kinh nghiệm mà chúng tôi học hỏi được từ CFI, tôi cũng đã có những thay đổi về nội dung của mình, để làm những video có tính chất trưởng thành hơn, nhân bản hơn một chút, con người hơn một chút, để đánh động lương tâm con người, hơn chỉ là những nụ cười đơn giản."

Một truyền thông độc lập khác được CFI hỗ trợ đó là trang phát thanh tiếng Anh trên mạng chuyên về tình hình Việt Nam mang tên LOA ( https://www.loa.fm/ ) . Cũng có mặt tại Jakarta nhân diễn đàn 4M ASIA, cô Nguyễn Quốc Trinh, tổng biên tập của trang LOA, cho biết trang phát thanh của cô đã được CFI hỗ trợ cho dự án của họ về báo chí dữ liệu liên quan đến thảm nạn môi trường biển do công ty Formosa gây ra:

« CFI hỗ trợ cho LOA và các tổ chức truyền thông khác của Đông Nam Á để phát triển các bài viết sử dụng dữ liệu ( data ) điều tra về những công trình mà không thể được nêu lên nếu không có các dữ liệu đó.

Trên Facebook có rất nhiều người viết về Formosa, trong khi chúng tôi thấy báo chí ở Việt Nam không có nói nhiều về đề tài này. Cho nên LOA đang theo dõi để làm sao những người trên Facebook và các mạng xã hội khác viết nhiều về Formosa, để tác động lên báo chí trong nước.

CFI hỗ trợ cho LOA từ tháng 3 năm ngoái. Lúc đó, chúng tôi chưa chọn đề tài của dự án này. Nhưng sau khi dự các buổi huấn luyện của CFI, LOA đã chọn đề tài Formosa. Mỗi buổi huấn luyện của CFI chủ yếu tập trung về kỹ năng kiếm các dữ liệu trên mạng, rồi cách viết bài, làm các biểu đồ, làm website dựa trên các dữ liệu đó để cho bài viết hay hơn."

Thật ra, như lời ông Davif Hivet, mục tiêu của CFI khi trợ giúp cả báo chí chính thức lẫn truyền thông độc lập chính là nhằm thúc đẩy đối thoại giữa hai bên :

« Chúng tôi không đứng về bên nào. Tại đa số các nước, chúng tôi làm việc với cả báo chí chính thống lẫn báo chí độc lập. Chúng tôi cố gắng nối nhịp cầu đối thoại hoặc trao đổi ( giữa các truyền thông ), vì chúng tôi nghĩ rằng sự thật thường nằm ở giữa các bên, và dẫu sao, vì có sự phát triển, vì hòa bình, vì sự gắn kết của quốc gia, cần phải có một sự đối thoại giữa những nhóm không có cùng chung quan điểm, trao đổi với nhau không có nghĩa là cuối cùng phải đồng ý với nhau.

Chúng tôi không có cùng logic với những tổ chức khác, những tổ chức vẫn huy động xã hội công dân để đối lại với chính quyền hoặc ngược lại. Chúng tôi cố tìm ra một con đường trung dung, không phải là nhằm tạo thuận lợi cho phe này hay phe kia, mà chỉ nhằm thúc đẩy đối thoại.

Sự hỗ trợ của chúng tôi thuần túy là về mặt kỹ thuật, như đào tạo về báo chí dữ liệu, huấn luyện sử dụng các công cụ để thu thập dữ liệu, sàng lọc dữ liệu, lập các cơ sở dữ liệu, các biểu đồ. Nói chung là chúng tôi giúp tăng cường năng lực về mặt kỹ thuật, chứ không có hậu ý chính trị nào ».

Thực ra, bên cạnh truyền thông độc lập mang tính chính trị và báo chí chính thống, còn có mảng truyền thông mang tính cộng đồng, mang tính xã hội hơn. Là cán bộ truyền thông của Trung tâm Kiến thức Bản địa và Phát triển, Quảng Bình, Việt Nam ( http://cird.org.vn/ ) anh Lương Tiến Mạnh cũng đã được bầu chọn là thành viên hội đồng điều hành của Liên minh Truyền thông Cộng đồng Đông Nam Á. Trả lời RFI Việt ngữ tại Jakarta, anh Lương Tiến Mạnh, nêu lên tầm quan trọng của truyền thông cộng đồng đối với người dân sắc tộc thiểu số ở Quảng Bình:

« Quan tâm lớn nhất của tôi khi đến đây là học hỏi từ các community media ( truyền thông cộng đồng ) khác cũng có quan tâm đến các hệ thống dân tộc bản địa ở các quốc gia khác nhau, học hỏi kinh nghiệm của họ về thu thập dữ liệu, về tiếp xúc với người dân, xem có thể áp dụng những kinh nghiệm đó vào việc hỗ trợ cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực của mình hay không.

Mục đích của Liên minh các tổ chức truyền thông độc lập là kết nối các tổ chức cũng như là cá nhân từ các quốc gia khác nhau để tạo thuận lợi cho việc chia sẽ dữ liệu độc lập với nhau về thông tin, truyền thông giữa các quốc gia. »

Lạc quan về tương lai của nền báo chí Việt Nam, ông David Hivet cho biết CFI rất muốn thực hiện các dự án khác, đặc biệt là trong lĩnh vực khí hậu, môi trường :

« Chúng tôi rất muốn phát triển dự án khu vực, với cơ sở đặt ở Việt Nam, về báo chí khoa học hướng về môi trường. Như ông đã biết, Pháp và Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn hợp tác về đào tạo phóng viên. Tại Việt Nam có những nhà báo được đào tạo rất tốt từ các trường của Pháp, đã quen làm việc với các đồng nghiệp Pháp, cho nên Việt Nam là một mảnh đất rất mầu mỡ để phát triển một dự án Pháp - Việt mới.

Đó là một điều rất quan trọng với CFI, vì chúng tôi không làm một mình, mà trong các dự án của chúng tôi bao giờ cũng có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà đào tạo của quốc gia hay của vùng mà chúng tôi làm việc. Chẳng hạn như trong dự án về báo chí dữ liệu ở Việt Nam, chúng tôi đã mời các chuyên gia Cam Bốt và Malaysia tham gia đào tạo vì chúng tôi cho rằng rất cần những người nắm rõ về bối cảnh khu vực. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.