Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

RSF kêu gọi gây áp lực để Việt Nam chấm dứt đàn áp các nhà tranh đấu

Hôm qua, 05/04/2018, ngay sau khi tư pháp Việt Nam kết án nặng nề các nhà đối lập, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới – RSF - đã ra thông cáo tố cáo vụ xử chóng vánh 6 blogger thuộc Hội Anh Em Dân Chủ, và tuyên những mức án nặng nề chưa từng thấy. RSF kêu gọi các đối tác của Việt Nam gây áp lực đối với chính quyền Hà Nội nhằm chấm dứt các vụ đàn áp những nhà tranh đấu dân chủ, nhà báo công dân.

Luật sư Nguyễn Văn Đài trong phiên xử ở Hà Nội ngày 05/04/2018.
Luật sư Nguyễn Văn Đài trong phiên xử ở Hà Nội ngày 05/04/2018. VNA/Lam Khanh via REUTERS
Quảng cáo

Tư pháp Việt Nam cáo buộc 6 thành viên Hội Anh Em Dân Chủ đã có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền và tuyên án luật sư Nguyễn Văn Đài : 15 năm tù giam và 5 năm quản chế, kế đến là ông Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức, mỗi người 12 năm tù và 3 năm quản chế ; ông Nguyễn Bắc Truyển : 11 năm tù và 3 năm quản chế, bà Lê Thu Hà : 9 năm tù, 2 năm quản chế. Người bị án nhẹ nhất là ông Phạm Văn Trội cũng bị 7 năm tù, 1 năm quản chế.

RSF kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu hãy bỏ phiếu phủ quyết việc triển khai thỏa thuận tự do trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, theo dự kiến được đưa ra bỏ phiếu trong năm nay 2018. Đồng thời, RSF cũng kêu gọi Hoa Kỳ hãy đòi chính quyền Việt Nam phải có những hành động cụ thể tôn trọng quyền tự do thông tin của công dân, và coi đó là điều kiện để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại trong những tuần tới.

Trong số các bị cáo, đáng chú ý là trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài, bị bắt sau một cuộc tiếp xúc với giới chức Liên Hiệp Châu Âu về nhân quyền. Trả lời ban Pháp Ngữ RFI, ông Otto Volgenant thuộc hiệp hội phi chính phủ Avocats pour Avocats (Các luật sư vì giới luật sư) đã ghi nhận mức độ ngày càng nặng nề của việc trấn áp đối lập tại Việt Nam :

« Ủy Ban Liên Hiệp Quốc chống giam giữ tùy tiện đã từng cho ý kiến về trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, và cho rằng ông cần phải được trả tự do. Tuy nhiên ông vẫn bị kết án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Rõ ràng là chính phủ Việt Nam không lắng nghe các tổ chức quốc tế, các nhóm vận động nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ hay các nước khác..., mà chỉ làm theo ý muốn của họ.

Tình hình rủi thay ngày càng tồi tệ hơn, bất cứ ai lên tiếng chống lại chính quyền hiện nay đều bị đàn áp, đã có rất nhiều vụ bắt giữ các luật sư, blogger... Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đài hoàn toàn không phải là duy nhất, mà phản ánh một xu thế tiêu cực chung trong lãnh vực nhân quyền.

Nhiều người Việt Nam mong muốn được nhiều quyền tự do ngôn luận hơn và rất muốn nói về dân chủ. Chúng ta đã từng thấy trong những dịp khác là mọi người sẵn sàng biểu tình… Điều đó cho thấy là dân Việt Nam không đồng ý với chính quyền, và chính quyền lại không lắng nghe tiếng nói của người dân ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.