Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt-Pháp 2018 : 45 năm hợp tác song phương

Đăng ngày:

Năm 2018 đánh dấu tròn 45 năm Hiệp định Paris chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Paris đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian và tổ chức các cuộc hòa đàm phán. Năm 2018 cũng đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Pháp.

Logo kỉ niệm 45 năm quan hệ Pháp - Việt Nam.
Logo kỉ niệm 45 năm quan hệ Pháp - Việt Nam. Sứ quán Pháp tại Việt Nam
Quảng cáo

Sau quá trình đàm phán dài từ tháng 05/1968, Hiệp định đình chiến và tái lập hòa bình ở Việt Nam, còn được gọi là Hiệp định Paris, được bốn bên ký ngày 27/01/1973. Nhắc lại sự kiện lịch sử này, nhân lễ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp được tổ chức ngày 12/04/2013, tổng lãnh sự Pháp Fabrice Mauries tại thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu :

« Hiệp định Paris chính thức chấm dứt cuộc chiến, được gọi là “chiến tranh Mỹ”, và để Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Việt Nam, và cũng định ra những điều kiện đình chiến vào năm 1973. Chính từ thời điểm này, Việt Nam đã nối lại quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước trên thế giới ».

Ngày 06/06/1973, sau Hiệp định Paris, Pháp quyết định nâng quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên cấp sứ quán, thay cho phái đoàn của Pháp hoạt động từ những năm 1954. Quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng ở lịch sử chính trị và ngoại giao mà theo tổng lãnh sự Pháp Fabrice Mauries, đó còn là quan hệ nhân văn giữa hai dân tộc Pháp và Việt, được ông ví như một cây xanh, ngày càng lớn nhanh và cắm sâu rễ trong lòng đất Việt.

1989 : Việt Nam trước sự sụp đổ của Bức tường Berlin

Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên ủng hộ chính sách cải cách của Việt Nam, đồng hành với sự phát triển và mở cửa, đồng thời triển khai tại Việt Nam sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực hỗ trợ và phát triển. Quan hệ Pháp-Việt là một niềm hy vọng đối với Hà Nội vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, chỉ ba năm sau khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi Mới.

Trả lời Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) năm 2014, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison (1989-1993) nêu lên ba nguyên nhân. Thứ nhất, vào năm 1989, Việt Nam vẫn là một nước thiếu thốn sau 35 năm chiến tranh, thêm vào đó là lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Yếu tố thứ hai là Việt Nam đã không nhanh chóng bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc như mong muốn, sau cuộc xung đột đẫm máu tại biên giới Việt-Trung. Yếu tố thứ ba chính là những dấu hiệu khó khăn đầu tiên trong khối Xô Viết mà Việt Nam là một thành viên. Ông Claude Blanchemaison giải thích :

« Pháp cho là chính sách cấm vận của Mỹ đã lỗi thời, cần được dỡ bỏ. Cần phải cổ vũ Việt Nam thực hiện những cải cách kinh tế được đề ra ba năm trước đó, tiếp theo là hỗ trợ Việt Nam áp dụng nền kinh tế thị trường như Trung Quốc đã làm nhiều năm trước (…).

Thực ra, ngay từ năm 1954, Pháp đã duy trì đối thoại chính trị với Hà Nội thông qua « Phái đoàn Cộng Hòa Pháp tại Hà Nội » (Délégation générale de la République française à Hanoi), mà trên thực tế là một cơ quan ngoại giao. Pháp vẫn giữ một số chương trình hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, như y tế và nông học. Đó là những hợp tác nhỏ nhưng rất có ý nghĩa, vì Việt Nam có rất ít chương trình hợp tác với phương Tây trong giai đoạn đó, ngoại trừ với Phần Lan và Thụy Điển ».

Tổng thống Pháp François Mitterrand và đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, năm 1993. Ảnh chụp màn hình kênh 2, đài truyền hình Pháp.
Tổng thống Pháp François Mitterrand và đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, năm 1993. Ảnh chụp màn hình kênh 2, đài truyền hình Pháp. RFI / Tiếng Việt

1993 : Tổng thống Mitterrand mở đường cho những chuyến công du

Không để chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam chi phối, « cũng không thực hiện chính sách « đối đầu » với Việt Nam, Pháp đã tìm cho mình một mối đi riêng trong mối quan hệ với Việt Nam » (1), bắt đầu từ những chuyến thăm cấp bộ trưởng và đỉnh điểm là chuyến công du lịch sử của tổng thống Pháp François Mitterrand. Ngày 09/02/1993, tổng thống Mitterrand trở thành nguyên thủ phương Tây đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam kể từ khi Việt Nam giành được độc lập từ năm 1954.

Đông Dương trở lại màn ảnh với các bộ phim Người tình (lAmant), Điện Biên PhủĐông Dương (Indochine) gần như ra mắt cùng năm 1992 và đều gặt hái thành công. Tuy nhiên, hai nước quyết định lật sang trang mới với lần lượt các buổi gặp gỡ cấp cao song phương : 4 chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Pháp (1993, 1997, 2004, 2016), chuyến thăm của thủ tướng François Fillon vào tháng 11/2009.

Về phía Việt Nam có các chuyến thăm của chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, của tổng bí thư đảng Cộng Sản Lê Khả Phiêu năm 2005, của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, 2013 và 2015 và chuyến thăm Paris của tổng bí thư đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng năm 2018. Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều chương trình hợp tác rất đa dạng ở các cấp, các ngành và giữa các địa phương, theo giải thích của cựu đại sứ Pháp Claude Blanchemaison :

« Các chương trình hợp tác được triển khai trong các lĩnh vực y tế, hàng trăm bác sĩ trẻ Việt Nam được cử sang các bệnh viện tại Pháp đào tạo nội trú. Tiếp theo là trong lĩnh vực hiện đại hóa Nhà nước. Rất nhiều công chức của bộ Tài Chính Pháp sang công tác tại Việt Nam để hướng dẫn cách lập kho bạc nhà nước, cơ quan quản lý thuế.

Trong lĩnh vực tư pháp, cũng như trong việc thực hiện bộ luật thương mại, nội dung luật dân sự, mọi việc được bắt đầu gần như cùng lúc với việc mở cửa Nhà Pháp luật tại Hà Nội (Maison du Droit).

Ngoài ra, còn phải kể đến lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Chúng tôi đã thành lập một kiểu trường kinh doanh ở Hà Nội, ngay trong lòng đại học Kinh Tế Quốc Dân. Ở đó, học viên được học cách quản lý doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Tiếp theo đó, một chi nhánh đã được mở ở Thành phố Hồ Chí Minh ».

Tổng thống Pháp François Hollande (G) tại hội thảo Pháp-Việt Nam: Quan hệ đối tác hướng đến tương lai, ngày 06/09/2016 tại Hà Nội.
Tổng thống Pháp François Hollande (G) tại hội thảo Pháp-Việt Nam: Quan hệ đối tác hướng đến tương lai, ngày 06/09/2016 tại Hà Nội. CC/Bùi Tuấn

2013 : Quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Việt

Ngày 25/09/2013, nhân chuyến thăm Pháp của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Pháp đã ký thỏa thuận Đối tác Chiến lược với mục đích là tăng cường quan hệ trong mọi lĩnh vực (chính trị, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hóa).

Chuyến công du Việt Nam năm 2016 của tổng thống François Hollande được đánh giá mang tính biểu tượng cao, trong bối cảnh Việt Nam tìm kiếm những đối tác chiến lược quan trọng mới để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, không ngừng gây hấn ở Biển Đông, theo giải thích năm 2016 với Trung tâm Phân tích chính trị-chiến lược (Centre d'Analyses Politico-Stratégiques) của nhà nghiên cứu Emmanuel Lincot, chuyên gia về Trung Quốc :

« Cần nhắc lại là để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam có chính sách rất thực dụng, bởi vì từ vài năm gần đây, Việt Nam đã ký khoảng 13 hiệp định đối tác chiến lược với nhiều nước khác nhau, như Ấn Độ, Anh Quốc, Pháp, Nhật Bản. Với Tokyo, Hà Nội duy trì mối quan hệ ngày càng gần gũi và cùng tổ chức các cuộc tập trận chung. Hà Nội cũng phát triển quan hệ gần gũi với Matxcơva, một trong những đối tác được Việt Nam ưu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, mà chính xác là nhằm làm đối trọng với một số nước Cộng sản khác, như Trung Quốc (…).

Chính vì vậy, Việt Nam tìm mọi cách để gây dựng một kiểu lá chắn chiến lược, đồng thời phát triển một chương trình trang bị vũ khí đầy tham vọng. Từ năm 2004 đến 2013, chi phí quân sự của Việt Nam đã tăng 113%. Một con số rất lớn. Hà Nội đã mua của Nga 6 tầu ngầm lớp kilo để tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam trước những đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam còn mua chiến đấu cơ Sukhoi 30, Sukhoi 27, một số máy bay tuần duyên do Canada sản xuất ».

Pháp luôn là nước tài trợ thứ hai của Việt Nam, sau Nhật Bản, với gần 2 tỉ euro vốn dành cho Cơ quan Phát triển Pháp AFD từ năm 1994. Pháp là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn thứ ba Liên Hiệp Châu Âu và thứ 16 thế giới, với khoảng 3,4 tỉ đô la, và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ.

Lĩnh vực giáo dục là chất kết nối quan trọng mối quan hệ song phương. Sinh viên Việt Nam hiện là cộng đồng sinh viên châu Á lớn thứ hai ở Pháp, với gần 6.000 du học sinh. Ngoài ra, Pháp và Việt Nam đã cùng phát triển rất nhiều dự án đại học và khoa học, trong đó có trường Khoa Học và Công nghệ Hà Nội (USTH), được thành lập năm 2009…

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (T), tại điện Elysée, Paris ngày 27/03/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (T), tại điện Elysée, Paris ngày 27/03/2018. REUTERS/Charles Platiau

Phát biểu tại điện Elysée ngày 27/03/2018 khi đón tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tổng thống Pháp Emmnauel Macron đánh giá 45 năm quan hệ song phương cho phép hình dung ra một chặng đường mới, đồng thời ông nhấn mạnh đến vai trò của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á :

« Trong mắt tôi, Đông Nam Á là một vùng quan trọng đối với an ninh chung, nơi nước Pháp phải hiện diện nhiều hơn nữa. Việt Nam là một đối tác tự nhiên để đào sâu những mối quan hệ này. Hai nước chúng ta có chung những lợi ích chiến lược trong vùng. Chúng ta cùng gắn kết với nhau trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải. Việc nước Pháp là một cường quốc hàng hải trong khu vực, cũng như Pháp có khả năng hỗ trợ tự chủ chiến lược của các đối tác, là một yếu tố quan trọng về mặt này ».

Chuyến thăm Việt Nam năm 2019 của tổng thống Pháp Macron, theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ còn củng cố thêm quá trình hợp tác-trao đổi giữa hai nước.

***

(1) TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Hà Nội), « 20 năm quan hệ Pháp - Việt Nam (1975-1995) », tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, n° 8 (143).2012.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.