Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Báo chí được phân phối như thế nào trong thời thuộc Pháp?

Đăng ngày:

Nam Kỳ là cái nôi của nền báo chí Việt Nam - với một loạt công báo tiếng Pháp và tờ báo quốc ngữ đầu tiên, Gia định báo, ra đời năm 1865, sau đó là sự phát triển của báo chí tư nhân, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Báo chí xuất hiện ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX, bắt đầu từ công báo, sau đó là những tờ báo tư nhân nhưng cũng là cơ quan ngôn luận của chính phủ thuộc địa.

(Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới) Bìa của tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, tòa soạn Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn) và trụ sở Avenir du Tonkin (Hà Nội).
(Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới) Bìa của tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, tòa soạn Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn) và trụ sở Avenir du Tonkin (Hà Nội). RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được thông tin qua phương tiện này, do đa phần người dân mù chữ (chữ Hán), trong khi tiếng Pháp chỉ được sử dụng trong một bộ phận nhỏ (giới phiên dịch), vì người dân coi là chữ của kẻ xâm lược, còn chữ quốc ngữ chưa được phổ biến. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ lại là chữ viết được chính quyền thuộc địa cũng như giới trí thức ủng hộ phát triển, vì dễ học và dần sẽ tách được Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Hán học.

Đặt báo tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ

Tại Nam Kỳ, đến đầu thế kỷ XX, tất cả công báo đều do đích thân chính quyền thuộc địa đảm nhiệm. Mỗi địa phương trích ngân sách để đặt mua công báo hoặc kỉ yếu của các hội. Sau đó, báo sẽ được phân phát về từng cơ quan, trường học và các văn phòng địa phương. Tư nhân có thể đặt mua trực tiếp với nhà in và đến bưu điện nhận báo.

Ngay năm 1869, Trương Vĩnh Ký, với tư cách là tân chánh tổng tài, đã nhắc đến cách hùn tiền đặt báo trong phần Tạp Vụ của Gia-Định báo số 20 (ngày 24/09/1869) :

“… Khuyên ai nấy mua lấy nhựt trình nầy mà coi, một tháng một quan sáu hay là một quan bảy thì chẳng bao nhiêu để xài việc khác có khi chẳng ra ích gì. Mà như trong làng nào người ta không được giàu cho mấy thì ba chủ hiệp lại chung tiền cho một người đứng mua.

Những kẻ muốn mua nhựt trình thì phải tới mà mua hay là sai người nhà tới tại dinh quan thượng thơ nói cho thông ngôn biên tên biên chỗ ở, lại lãnh cái giấy mà lên kho đóng bạc rồi về nhà, chẳng còn lo chi nứa, và cả năm sẽ được nhựt trình người ta gởi cho mà coi chẳng sai. Những người khác tỉnh, khác phủ thì cũng làm như vậy tại dinh quan tham biện sở tại mình”.

Kể từ năm 1881, khi tự do báo chí được áp dụng ở Nam Kỳ, mạng lưới các nhà sách phát triển khá nhanh tại Sài Gòn. Và để công báo được ký gửi bán tại tiệm của mình, chủ hiệu sách làm đơn gửi đến phòng Nội Vụ (phòng Ba) của chính phủ. Đối với một số làng quá nghèo, chính phủ cấp báo miễn phí để đảm bảo chính sách tuyên truyền, như quyết định ngày 03/07/1905 của thống đốc Nam Kỳ, dùng ngân sách địa phương để cấp công báo cho 5 làng nghèo nhất ở mỗi tỉnh.

Tại Bắc Kỳ, sau khi bình định và thành lập Liên bang Đông Dương, công báo được giao trực tiếp cho tư nhân in ấn, cụ thể là François-Henri Schneider. Chính quyền thuộc địa cung cấp thông tin và công văn để in trong báo. Cho đến những năm 1920, ngoài những tờ công báo bằng tiếng Pháp, Bắc Kỳ có tổng cộng 7 tờ báo tư nhân bằng chữ quốc ngữ, kiêm luôn vai trò “cơ quan ngôn luận” của chính quyền thuộc địa, trong đó 6 tờ thuộc về F. H. Schneider. Cũng như Sài Gòn, có hai cách đặt báo tại Bắc Kỳ : trích ngân sách địa phương đặt báo và tư nhân đăng ký mua báo.

Để phổ biến rộng rãi thông tin và “định hướng công luận”, thống sứ Bắc Kỳ vừa trả tiền đặt mua một số lượng báo hàng năm, vừa trả phí đăng tin. Ví dụ, với tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, thống sứ Bắc Kỳ chi 5.000 đồng Đông Dương để đặt 5.000 bản trong giai đoạn 1891-1902, sau đó là 16.000 đồng Đông Dương cho 10.000 bản từ 1903-1906.

Hầu hết các tờ báo đều được in thành khổ lớn, một mặt, để có thể dán tại đình làng nhằm thu hút sự tò mò của người dân. Danh sách số lượng đặt báo của mỗi tỉnh do phủ thống sứ Bắc Kỳ lập và sau đó được gửi đến ông F. H. Schneider. Nhà in tự in địa chỉ và gửi báo đến tận tay người đặt theo danh sách được cấp : tri huyện, tri châu, tri phủ, đốc học, tuần phủ, quan án, tổng đốc tại các tỉnh Bắc Kỳ.

Tham nhũng và tắc trách

Báo cũng được giao đến quan lại ở các tỉnh để đội lệ phân phát đến các làng. Tại đây, lý trưởng là người chịu trách nhiệm dán báo ở đình làng để phổ biến thông tin. Ngay trong giai đoạn này đã xảy ra tình trạng tham nhũng. Tại một số tỉnh miền Bắc, các quan huyện hay nhân viên hành chính bản địa, chịu trách nhiệm đưa báo về các làng (như trường hợp tờ Đăng-Cổ tùng-báo), đã bắt các làng phải trả ít nhất một quan tiền cho mỗi số báo.

Ngoài ra, chính quyền thuộc địa cũng nhận thấy nhiều đội lệ lười phân phát báo mà để tích vài tuần trong trại lính. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền buộc mỗi phủ, huyện, châu phải lập sổ phân phát báo, ghi rõ ngày ra báo và ngày phát báo để kiểm soát thực và quy trách nhiệm cho người không làm tròn nhiệm vụ.

Ngoài ra, từ đầu thế kỷ XX, các cá nhân có thể mua báo tại hai cửa hàng sách ở Hà Nội : một của nhà Schneider và một của Crébessac. Ông chủ nhà in Schneider còn có một cửa hàng sách khác ở Hải Phòng. Ngoài những tờ công báo, độc giả có thể mua được Extrême-Orient (thành lập năm 1894), L’Avenir du Tonkin

Bán báo dạo - ki-ốt báo

Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ năm 1927 nhờ lực lượng “tân học” và chữ quốc ngữ trở thành chữ viết quốc gia. Nhiều tờ báo quốc ngữ tư nhân ra đời và cạnh tranh nhau khốc liệt. Thông tin liên tục được cập nhật nhờ đội ngũ cộng tác viên rộng khắp và kỹ thuật truyền thông hiện đại. Để bán được nhiều báo nhất, các nhà in, chủ báo tuyển đội ngũ bán báo dạo, với khoản thù lao ít ỏi, len lỏi vào mọi ngõ ngách của thành phố.

Chính vì vậy, chính quyền đã phải áp dụng sắc lệnh ngày 04/12/1927 về việc rao bán báo và bán báo trên hè phố tại Bắc Kỳ. Người bán báo phải làm đơn xin phép trước và cung cấp thông tin cá nhân nghề nghiệp, nguyên quán… ; tám ngày sau đó, họ sẽ nhận được thẻ hành nghề. Từ ngày 20/5/1937 đến 06/08/1940, thống sứ Bắc Kỳ đã cấp miễn phí 79 thẻ bán báo (1).

Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa cho rằng những quy định này quá tự do và gây ra nhiều phiền toái, từ trộm cướp đến truyền đơn (2) gây mất trật tự và xúi giục kích động. Đến năm 1937, chính quyền Bắc Kỳ chấm dứt quyền tự do bán báo, nhưng vì không thể đi ngược với đạo luật tự do báo chí năm 1927, nên thẻ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã được điều tra rõ ràng về lý lịch và đạo đức và có thể bị từ chối nếu người xin cấp thẻ chưa từng hành nghề bán báo. Chính quyền hoàn toàn có quyền rút thẻ hành nghề của người bán báo gây rối trật tự. Thành phố cũng cấm rao báo, chào mời, bấm chuông, đánh gõ bất kỳ phương tiện gì gây ồn để thu hút khách. Những người bán báo phải ngừng hoạt động trên đường phố từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Song song với nghề bán báo dạo, ngay năm 1933, thành phố Hà Nội cũng dự định xây nhiều ki-ốt cố định bán sách báo. Danh sách được lập gồm 25 ki-ốt được lập thành 5 lô, ví dụ như ở góc phố Hàng Than và kè Paul Doumer, góc phố Hàng Khoai và phố Hàng Giấy, Cửa Bắc thành Thăng Long trên đại lộ Carnot (Cửa Bắc)… Mỗi cá nhân có thể thầu một hoặc nhiều lô với thời hạn hợp đồng 2 năm. Dù có thể là thủ công, không đẹp bằng những ki-ốt báo ở Paris, nhưng kích thước ki-ốt cũng được quy định chặt chẽ :

“Ki-ốt có thể là hình tròn, sáu cạnh hoặc tám cạnh ; kích thước của đế ki-ốt không được vượt quá chu vi 1,50 m. Các sạp gỗ không được nhô ra ngoài quá 1,70 m và mái không được cao qua 2 m. Nền của ki-ốt phải cao khoảng 20 cm so với mặt đất để có thể quét dọn dưới gầm” (3).

Từ những năm 1930, nghề in, nghề báo và nghề xuất bản phát triển nhanh hơn nhờ đội ngũ “tân học” và du học sinh từ Pháp trở về. Cũng từ thời điểm này, kiểm duyệt được áp dụng chặt chẽ hơn, sẵn sàng cắt bỏ những phần bị cho là nhạy cảm, tác động đến danh tiếng của chính phủ thuộc địa. Và cũng từ thời điểm này, sách báo mang tư tưởng phương Tây, tuyên truyền chống Pháp cũng được bí mật truyền tay nhau, một phần nhờ đội ngũ bán báo dạo.

***

(1) CAOM, Résidence supérieure du Tonkin (RST), hồ sơ 612.

(2) CAOM, Résidence supérieure du Tonkin (RST), hồ sơ 581.

(3) Hà Nội, Fonds de la Mairie de Hanoi, hồ sơ 2606.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.