Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Xâm hại tình dục : "Phụ nữ Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc tố giác"

Đăng ngày:

Vụ tai tiếng xâm phạm tình dục của nhà sản xuất điện ảnh Mỹ Harvey Weinstein lộ ra làm ngòi châm thuốc nổ. Làn sóng tố cáo tệ nạn quấy nhiễu tình dục đối với phụ nữ trên thế giới ngày càng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, không còn hạn chế trong giới điện ảnh và trở nên công khai. Thế nhưng, tại Việt Nam, do mang đậm nét văn hóa châu Á, người phụ nữ vẫn còn mặc cảm trong việc đi tố giác.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong bộ tranh Tố nữ thuộc thể loại "tranh Tứ Bình", dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong bộ tranh Tố nữ thuộc thể loại "tranh Tứ Bình", dòng tranh dân gian Hàng Trống. Wikipedia
Quảng cáo

Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, ban Tiếng Việt đài RFI có buổi nói chuyện với bà Lê Tuyết Ánh, cựu giảng viên, nguyên trưởng khoa Tâm Lý học trường đại học Khoa học-Xã hội Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, về cảm nhận, quan điểm của phụ nữ Việt Nam về những sự kiện trên. Đồng thời bà điểm lại những tiến bộ cũng như những điều chưa đạt trong cuộc đấu tranh bình quyền nam-nữ tại Việt Nam hiện nay.

RFI : Thưa thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, vụ tai tiếng Weinstein xâm hại tình dục được báo chí phương Tây loan báo ầm ĩ. Vậy báo chí trong nước loan tải vụ tai tiếng này như thế nào ?

Bà Lê Tuyết Ánh : « Đưa rất là hời hợt. Họ có đưa một cái tin vậy thôi. ‘Các cô gái kiện ông này xâm hại tình dục người ta’. Tại vì mình không xoáy vào những chuyện đó, nhưng mà có đưa tin. »

Vì sao như vậy ? Phải chăng là báo chí và công luận Việt Nam không quan tâm đến vấn nạn này ?

Thật ra ở mình đưa ra công luận chính thức rầm rộ là không có. Nhưng mình vẫn có đề cập đến vấn đề này. Bởi vì, ở Việt Nam cũng phát hiện ra nhiều trường hợp vậy, nhưng những chuyện ở công sở hay trong giới điện ảnh họ không có nói, mà là nói chung ở dạng nhân dân thôi (…)

Công sở còn ít đề cập, điện ảnh cũng ít nói đến. Người ta không nói đến nghề nào, mà người ta chỉ nói ở khía cạnh con người, xã hội. Tình trạng xâm hại tình dục là có và người ta cũng lên án hiện tượng đó, vậy thôi.

Họ xem như là một hiện tượng xã hội. Ở phương Tây rầm rộ là vì nó như là một trào lưu bây giờ người ta rộ ra. Ở Việt Nam từ lâu vẫn xem việc xâm hại tình dục là xấu. Người ta nói là vô đạo đức, làm băng hoại nhân tâm, xâm phạm thân thể người khác.

Xin bà giải thích rõ hơn vì sao Việt Nam không thể có làn sóng tố cáo rầm rộ như ở phương Tây ?

Bây giờ ai phát hiện người cụ thể thì bị khởi tố, nếu như có tố cáo. Nhưng có một tình trạng, ở Việt Nam, do văn hóa lâu đời của mình, họ vẫn nghĩ rằng nếu nói ra họ bị mất sĩ diện, cho nên chỉ im lìm chịu đựng. Nói gì thì nói tâm lý của người ta vẫn nặng nề, người ta vẫn tổn thương. Nhưng tố giác thì họ lại ít tố giác. Chỉ có ai thật sự mạnh mẽ thì họ mới đưa ra công luận tố giác thôi, chứ không người ta cũng im. Bản thân mình bị xâm hại mà mình im, thì người ngoài đâu có quyền để họ can thiệp mà nói.

Nếu nói như vậy có nghĩa là phụ nữ Việt Nam không thật sự quan tâm đến những chủ đề này ?

Người Việt mình, cái quan tâm của họ về chuyện xâm hại như vậy, họ nghe và biết vậy thôi, chứ thật ra họ không quan tâm nhiều. Bởi vì sao ? Thật ra, Việt Nam mình họ quan tâm đến chuyện kiểu như làm ăn thế nào, công việc, rồi con cháu học hành… họ quan tâm đến những chuyện đó nhiều hơn. Ít có quan tâm đến sự việc mà họ cho là liên quan đến cá nhân.

Nhưng cũng sự việc đó mà nếu là con em của họ, của người Việt đưa ra, mà đặc biệt là với những người chưa trưởng thành, những người bị xâm hại là những người chưa trưởng thành thì họ mới nói nhiều. Còn những người lớn rồi, anh đủ chịu trách nhiệm về hành vi của anh, mà anh rơi vào tình trạng như vậy, thì người ta sẽ cho là xã hội rối loạn quá vậy thôi, đạo đức sút kém quá, đánh giá chung chung vậy đó.

Như bà nói ở Việt Nam cũng có tệ nạn xâm hại tình dục. Vậy làm thế nào để đánh động dư luận, nhất là giới chị em để tự bảo vệ mình ?

Kể cả báo đài người ta vẫn nói đưa ra vấn đề tăng cường giáo dục con người, ý thức về giới tính như thế nào cho trẻ em để lớn lên sống yên bình tự bảo vệ bản thân. Hướng lên án người này, người kia đi xâm hại tình dục có đề cập nhưng không có phải mà đeo đẳng để mà nói quá mức về các vấn đề đó. Nhưng mà người ta quay trở lại giáo dục đứa trẻ thật kỹ để đứa trẻ lớn lên mà nó có một sự bảo đảm an toàn cho chính mình và ý thức đúng về quan hệ giới tính, tình dục cũng như là ý thức đụng chạm thân thể người khác thế nào… là phải nên dạy nhiều, giáo dục về kỹ năng sống cho đứa trẻ.

Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03, bà đánh giá như thế nào về tình hình bình đẳng nam-nữ hiện nay ở Việt Nam ?

Mình kêu gọi bình đẳng một cách tương đối thôi. Nhưng nhiều đánh giá trong các hội nghị về phụ nữ, người ta vẫn nói Việt Nam là một trong những quốc gia có bình đẳng về nam - nữ rất là tốt. Ví dụ, lương, vị trí như nhau là hưởng như nhau. Ở một số quốc gia, phụ nữ lương khác nam cho dù cùng một vị trí.

Thứ hai nữa là, cái quyền ở trong gia đình, thì ở nhà thật ra phụ nữ có quyền hơn ở trong gia đình chứ không giống như là một người phụ thuộc vào chồng. Họ vẫn có quyền quyết định trong các công việc xã hội, trong lao động xã hội của họ.

Họ cũng có một khoảng không gian riêng cho cá nhân của họ. Như vậy rõ ràng là nó tương đối hơn trước đây. Nhưng cái điều để thay đổi nó đòi hỏi phải có một thời gian rất là dài, chứ không thể một sớm một chiều để mà tôi bình đẳng ngay.

Bản thân người phụ nữ phải phấn đấu. Cho nên phụ nữ Việt Nam ngày nay họ biết đấu tranh để mà họ có được một sự xứng đáng hơn ở trong gia đình và ngoài xã hội.

Còn tại sao ngày xưa bất bình đẳng là bởi vì phụ nữ họ không chịu. Họ nghĩ mình sinh ra là sẽ phụ thuộc vào gia đình, phụ thuộc vào người đàn ông. Mà một khi phụ thuộc vào ai đó thì bình đẳng không bao giờ có.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhiều than phiền là cánh mày râu chưa thật sự chia sẻ việc quán xuyến gia đình với phụ nữ. Bà nghĩ như thế nào về ý kiến này ?

Đó là một hiện tượng xã hội. Lý do mà các anh chểnh mảng việc nhà còn có các lý do khác nữa. Rượu chè nè, bạn bè, công sở xong rủ nhau ra quán ngồi, quán bia riết rồi rà rà thì việc đón con về, lo tắm rửa giặt giũ cơm nước cho con, lo cho con bài vở thì bà mẹ, bởi vì mẹ đâu có bỏ con được. Chính vì thế mà tạo cho người đàn ông trong gia đình có cái gì đó tách ra khỏi gia đình. Đi nhậu rề rà rề rà rồi không tham gia, tạo thành một cái nếp. Đó là những tầng lớp trung niên trở lên. Lớp trẻ giờ thì không có nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.