Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến thăm của USS Carl Vinson

Đăng ngày:

Từ ngày 5 đến 9/03/2018, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ, chiếc USS Carl Vinson, ghé thăm một cảng của Việt Nam, một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ giữa hai nước cựu thù tiếp tục được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Chiến đấu cơ F-18 hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến tuần tra Biển Đông và ghé thăm cảng Philippines ngày 14/02/2018.
Chiến đấu cơ F-18 hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến tuần tra Biển Đông và ghé thăm cảng Philippines ngày 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Quảng cáo

Chuyến ghé cảng Đà Nẵng của chiếc USS Carl Visnon là một chuyến viếng thăm lịch sử, vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước khi thăm cảng Đà Nẵng, trong tháng 2, chiếc USS Carl Vinson đã ghé Vịnh Manila của Philippines trong 5 ngày. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên đến Philippines của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 2014, khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại những khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này.

Việc triển khai chiếc USS Carl Vinson đến 2 quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc thể hiện những ưu tiên an ninh mới của chính quyền Donald Trump nhằm đối lại với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc và nhằm tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Biển Đông.

Nếu như chuyến viếng thăm của chiếc USS Carl Vinson đến Vịnh Manila được xem là một “biểu hiện bình thường” của liên minh quân sự Mỹ - Philippines, thì chuyến ghé cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm này là một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ quân sự giữa Washington và Hà Nội tiếp tục được thắt chặt.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 26/02/2018, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nêu lên ý nghĩa chuyến viếng thăm này của chiếc Carl Vinson:

“ Chuyến thăm Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một chỉ dấu nữa cho thấy quan hệ quốc phòng Việt  Mỹ đang phát triển rất mạnh mẽ. Chuyến viếng thăm lần này có ý nghĩa biểu tượng rất là quan trọng, cho thấy có sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa hai bên trong lĩnh vực quốc phòng.

Vào năm 2009-2010, các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng đã neo ở ngoài khơi Việt Nam và các quan chức Việt Nam lúc đó đã phải đi trực thăng ra viếng thăm các tàu đó. Nhưng Carl Vinson lần này cập cảng Đà Nẵngvà như vậy đúng theo nghĩa đen thì đã có sự xích gần lại nhau đáng kể giữa hai bên và cho thấy có sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai cựu thù trong chiến tranh lạnh.

Trong chuyến đi lần này, hai bên sẽ có những trao đổi khác nữa chứ không chỉ có ý nghĩa biểu tượng, sẽ có những bước đi tiếp theo nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ quốc phòng giữa hai bên, trong đó có việc Việt Nam sẽ mua sắm các trang thiết bị quân sự, các vũ khí của Mỹ.

Một trong những động lực lớn nhất đã giúp thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai bên trong thời gian qua là mối quan tâm chung của hai nước về mặt chiến lược, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và đe dọa các lợi ích của cả hai bên. Chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một biểu tượng cho thấy xu hướng đó ngày càng vững chắc”.

Hiện giờ thì Việt Nam sẽ không đi đến việc thiết lập một liên minh quân sự với Mỹ giống như là Philippines, nhưng Hà Nội có thể trông chờ những gì từ việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington? Ông Lê Hồng Hiệp trả lời:

" Trước tiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, Việt Nam luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc "ba không": không có liên minh quân sự với nước khác, không có căn cứ quân sự của nước khác trên lãnh thổ Việt Nam, không lợi dụng quan hệ của Việt Nam với một nước khác để chống một nước thứ ba.

Theo tôi, trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc "ba không" này. Nếu không phải là liên minh quân sự với Mỹ, thì Việt Nam có thể mong đợi gì từ mối quan hệ này?

Theo tôi, ý nghĩa quan trọng nhất là về mặt ngoại giao, chiến lược. Việc phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa biểu tượng hoặc có tiếng vang lớn, sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy thế, nâng cao vị thế đàm phán, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ hiện là quốc gia duy nhất đó đủ năng lực cũng như đủ ý chí nhất trên thế giới để mà có thể kềm chế tham vọng của Trung Quốc vê lãnh hải, về hải quân. Điều này rất phù hợp với lợi ích của Việt Nam.

Bên cạnh các lợi ích về mặt chiến lược như vậy, Việt Nam có thể trông chờ nhận được các sự hỗ trợ của của Hoa Kỳ. Ví dụ như Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam các trang thiết bị, như tàu tuần tra, để giúp Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Việt Nam cũng có thể sẽ mua các trang thiết bị, vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực của hải quân, năng lực giám sát hàng hải của mình, để quản lý tốt hơn các vùng biển của mình, cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông."

Mặc dầu Việt Nam rất muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, nhưng Hà Nội vẫn không mấy vội vã trong việc mua vũ khí của Mỹ, mặc dù Washington đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam từ năm 2016. Hiện giờ Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia mua vũ khí của Nga nhiều nhất thế giới, nhưng nay Hà Nội mua ngày càng nhiều vũ khí từ những nước khác như Israel hay Ấn Độ.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của trang Sputnik vào tháng 2 vừa qua, thiếu tướng Lê Văn Cương, một chuyên gia quân sự Việt Nam, cho biết có nhiều lý do khiến Việt Nam chưa mua nhiều vũ khí của Mỹ. Thứ nhất, toàn bộ các binh chủng của quân đội Việt Nam hiện đang được trang bị các loại vũ khí của Liên Xô trước đây và của Nga hiện nay. Theo tướng Lê Văn Cương, trong quân đội Việt Nam, việc sử dụng vũ khí Nga đã là một truyền thống và không dễ gì một sớm một chiều bỏ đi truyền thống đó.

Thứ hai, tình hình kinh tế hiện nay không cho phép Việt Nam thay đổi triệt để trong việc mua sắm vũ khí và các thiết bị quốc phòng, nhất là vũ khí của Mỹ rất là đắt tiền. Tướng Cương dự báo rằng cho dù Việt Nam đang đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, nhưng vũ khí Nga vẫn là thành tố chủ chốt, vũ khí của Mỹ sẽ chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10%.

Ông Lê Hồng Hiệp cũng có nhận định tương tự, nhưng theo ông thì trước mắt Việt Nam có thể mua một số trang thiết bị quân sự của Mỹ như máy bay không người lái:

" Việc mua sắm các trang thiết bị, vũ khí của Hoa Kỳ có thể là cột mốc tiếp theo mà hai bên có thể sẽ hướng tới trong thời gian tới. Việt Nam có nhu cầu mua một số trang thiết bị vũ khí của Hoa Kỳ để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga, đặc biệt là trong bối cảnh mà Nga đang có quan hệ rất nồng ấm với Trung Quốc.

Mặt khác, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí sẽ là một động lực để thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ Việt-Mỹ và đặc biệt là để giành được thêm sự ủng hộ của chính quyền Mỹ và nhất là của tổng thống Donald Trump cho việc phát triển quan hệ Việt Mỹ, vì ông đã từng tuyên bố rằng hai bên cần giảm bớt thâm hụt thương mại và ông muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.

Bản thân Việt Nam cũng muốn sử dụng các thương vụ vũ khí này như một con bài mặc cả để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có những trở ngại cho ý định này. Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào các trang thiết bị vũ khí của Nga. Bây giờ nếu mua các trang thiết bị mới từ Hoa Kỳ, thì có thể gặp vấn đề về sự tương thích giữa các nền tảng công nghệ, các vũ khí với nhau.

Trở ngại thứ hai có lẽ là vấn đề ngân sách, vì Việt Nam hiện đang gặp khó khăn về ngân sách, trong khi đó các trang thiết bị, vũ khí của Mỹ có giá đắt hơn là các vũ khí cùng loại từ Nga hoặc từ các nguồn khác.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể quan tâm đến một số trang thiết bị như máy bay không người lái phục vụ cho công tác giám sát, thu thập thông tin trên biển. Tôi nghĩ đó có thể là những trang thiết bị phù hợp với khả năng tài chính của Việt Nam, cũng như với nhu cầu hiện tại của Việt Nam, và cũng không gây ra những vấn đề về tương thích giữa các loại vũ khí.

Theo tôi hiểu thì Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận hoặc đã có những thỏa thuận ban đầu về việc Mỹ bán các máy bay không người lái như vậy. Trong thời gian tới khi mà nhu cầu của hai bên trở nên gần gũi hơn và năng lực tài chính của Việt Nam được cải thiện hơn, có thể sẽ có những thỏa thuận lớn hơn và có ý nghĩa thật sự đối với sức mạnh quốc phòng của Việt Nam hơn.

Nếu những thỏa thuận này được triển khai thì đó sẽ là một lực đẩy tốt cho quan hệ song phương nói chung và quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng."

Sau hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, cũng trong tháng 3, tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Hoa Kỳ sẽ cập cảng Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương 2018. Chương trình này đã được khởi động sau trận sóng thần năm 2004, tác động nặng nề đến nhiều nước vùng ven Thái Bình Dương.

Tàu bệnh viện Mercy lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2008, neo ở ngoài khơi Nha Trang. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tổ chức từ thiện Operation Smile đã phẫu thuật miễn phí trên tàu Mercy cho trẻ em bị hở môi, hàm ếch ở tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.