Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

Chờ đợi gì trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trần Đại Quang ?

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đến Ấn Độ hôm nay 02/03/2018, và theo The Diplomat, có rất nhiều vấn đề được đề cập đến trong chương trình của cả hai bên. Trong chuyến viếng thăm này, Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ ký kết một thỏa thuận hợp tác nguyên tử dân sự, và triển khai một cảng ở tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang (trái) tới thăm chùa Mahabodhi, Bodhgaya Ấn Độ ngày 02/03/2018.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang (trái) tới thăm chùa Mahabodhi, Bodhgaya Ấn Độ ngày 02/03/2018. AFP
Quảng cáo

Mặc dù Việt Nam tham gia dự án Diễn đàn Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc vào tháng 5/2017, Hà Nội vẫn quan ngại về các động cơ chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là tại Biển Đông.

Việt Nam phản bác yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển chiến lược này, còn Bắc Kinh phản đối các hoạt động thăm dò của tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC (Oil and Natural Gas Corporation) Videsh Limited ở Biển Đông. Dù Ấn Độ không hề có đòi hỏi chủ quyền tại đây, nhưng tuyến đường biển này rất quan trọng cho thương mại hai chiều với Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương.

Một trong những cột trụ của chính sách đối ngoại Ấn Độ dưới thời chính phủ ông Modi, là « Chính sách Hành động Phương Đông », nhằm thắt chặt quan hệ với các nước Đông Nam Á và Đông Á. Việt Nam là nhân tố chủ chốt của chính sách này (trước đó được gọi là « Chính sách Hướng Đông »).

Hà Nội rất quan trọng đối với nỗ lực của New Delhi nhằm tiếp cận các nước trong khu vực, bên cạnh các kế hoạch tăng cường kết nối với các quốc gia thành viên ASEAN. New Delhi đang xây dựng xa lộ Ấn Độ-Miến Điện-Thái Lan, dự kiến hoàn thành năm 2019, sẽ nối liền với các tuyến đường sẵn có tại Việt Nam.

Hồi tháng Giêng, lãnh đạo các nước ASEAN đã đến New Delhi dự lễ Quốc khánh – kỷ niệm ngày thành lập Cộng Hòa Ấn Độ, chứng tỏ các nước Đông Nam Á đang xích gần lại với Ấn Độ hơn.

Chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là một sự đáp lễ thân thiện với việc thủ tướng Ấn Narendra Modi thăm Hà Nội năm 2016. Trong chuyến viếng thăm này, New Delhi đã cho Việt Nam vay 500 triệu đô la để mua thiết bị quốc phòng. Hơn nữa, thông cáo chung trong dịp này đã nhấn mạnh « Việt Nam và Ấn Độ, với tư cách Nhà nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cổ vũ tất cả các bên chứng tỏ sự tôn trọng tối đa UNCLOS, công ước đã thiết lập trật tự pháp lý quốc tế trên biển và đại dương ».

Tuy nhiên không phải mọi việc đều mang màu hồng trong mối quan hệ đang tiến triển này. Trên đấu trường kinh tế, hai nước còn rất nhiều việc  phải làm. Thương mại giữa New Delhi và Hà Nội còn rất khiêm tốn, mặc dù đôi bên đã định ra mục tiêu là đến năm 2020 lượng trao đổi sẽ đạt 15 tỉ đô la. Để so sánh, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2017 lên đến 93,8 tỉ đô la.

Thêm vào đó, quan hệ giữa các cá nhân đôi bên vẫn chưa chặt chẽ. Chủ tịch Trần Đại Quang lần này sẽ đi thăm Bodh Gaya - nơi thái tử Tất Đạt Đa đắc đạo - mang ý nghĩa lớn lao trong việc kết nối Phật giáo hai nước. Dù vậy số du khách từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại đều khá ít ỏi.

Tuy có những thông tin nói rằng Việt Nam muốn mua hỏa tiễn BrahMos của Ấn, New Delhi dường như hiện vẫn chưa quyết định.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ phải chứng kiến việc Trung Quốc thâm nhập sâu vào những láng giềng của mình, từ Nepal, Sri Lanka, hay mới nhất là Maldives. Từ nay rất có thể New Delhi sẽ lật ngược thế cờ, tiến vào những nơi lâu nay vốn là sân sau của Bắc Kinh.

The Diplomat kết luận, trong lúc quan hệ Ấn-Việt đang tiến triển nhanh trên mọi lãnh vực, điều quan trọng cho cả hai bên là vượt qua được những thách thức phải đối mặt, để đạt được tầm mức tương xứng với tiềm năng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.