Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Trung Quốc dùng lá bài du lịch Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền

Đăng ngày:

Tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc thông qua các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa các đảo chiếm đóng, rồi thúc đẩy phát triển các tour du lịch « yêu nước » tại vùng Biển Đông giầu tài nguyên được đề cập trong một phóng sự ngắn của kênh truyền hình Pháp France 2 (12/11/2017) nhân thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.

Du khách Trung Quốc trên đảo Ba Ba, nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh chụp màn hình France 2.
Du khách Trung Quốc trên đảo Ba Ba, nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng. Ảnh chụp màn hình France 2. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Có mặt trên đảo Ba Ba (Trung Quốc gọi là Áp Công/Ya Gong Dao), nằm trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, và trên huyện đảo Lý Sơn (của Việt Nam), phóng viên France 2 tường trình :

« Ngoài khơi Biển Đông, những du khách Trung Quốc giầu có đi du thuyền đến đây không phải chỉ để ngắm mặt trời mọc, mà họ đến những vùng đất đã được chinh phục, vì với họ, không nghi ngờ gì cả, những hòn đảo này thuộc về Trung Quốc.

Một du khách nói : « Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy được những cơ sở quân sự của chúng tôi trên hòn đảo ngoài kia. Tôi chưa bao giờ đến đó, nhưng điều đó cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc ».

Hiện diện quân sự và giờ đến lượt dân sự. Ở đây, chỉ có công dân Trung Quốc mới được đặt trên lên những bãi cát mịn. Với khoảng 1.200 euro, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tham gia các chuyến du lịch yêu nước trên những con tầu lớn (croisière).

Một nữ du khách nói : « Ở đây, chúng tôi ở nhà của mình. Đây là đất nước chúng tôi ». Một người khác nói : « Tôi rất hài lòng vì tôi đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc ».

Trên đảo Ba Ba, một buổi lễ « yêu nước » được tổ chức cho nhóm du khách Trung Quốc với lễ thượng cờ, rồi quốc ca. Hướng dẫn viên du lịch hô lớn : « Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) là của chúng ta, thuộc Trung Quốc. Chúng ta sẽ không để bất kỳ kẻ xâm lược nào chiếm lấy, dù chỉ là một hạt cát hay một giọt nước ».

Việt Nam tố cáo hành động xâm lược

Các tour du lịch « yêu nước » bằng tầu thủy đang ăn khách. Bất chấp phản đối của quốc tế, du khách Trung Quốc vẫn đánh dấu lãnh thổ của mình. Nhưng có đúng là họ đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc hay không ? Theo phóng viên của France 2, không phải ai cũng có chung ý kiến này, nhưng một điều chắc chắn là chỉ trên một rạn san hô, Bắc Kinh đã đổ bê-tông toàn bộ, xây dựng đường bay cho các chiến đấu cơ để kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực giầu nguồn tài nguyên, trữ lượng cá và chất đốt :

« Với nước Việt Nam láng giềng, đây đơn giản làm hành động xâm lấn. Khu vực biển và đảo đó là của họ. Trong bảo tàng trên đảo Lý Sơn, các bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên những đảo nhỏ này có vẻ được chứng minh rõ, theo phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Trường, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam.

Ông nói : « Hãy nhìn tấm bia này, những hàng chữ cho thấy chủ quyền của chúng tôi. Tấm bia được người Pháp dựng trong thời Pháp thuộc trên quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có những bằng chứng chắc chắn và lâu đời, nhưng Trung Quốc lại phản đối vì họ muốn biến Biển Đông thành ao nhà ».

Trung Quốc : Tập Cận Bình thay Chúa Giê-su ở huyện Dư Can

Tại Trung Quốc, Chúa Giê-su không còn là vị cứu tinh của khoảng 10% giáo dân trên tổng số một triệu dân ở huyện Dư Can, tỉnh Giang Tây, mà là từ đảng Cộng Sản. Những giáo dân tại đây có nguy cơ bị xóa khỏi danh sách những người được trợ cấp của Nhà nước nếu không chịu phá mọi dấu hiệu tôn giáo ở nhà riêng.

Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt, thêm một ví dụ mới cho thấy Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu bao dung đối với tự do tôn giáo và chủ nghĩa sùng bái cá nhân quanh chủ tịch Tập Cận Bình vẫn phát triển mạnh :

« Làm thế nào để một gia đình nghèo có thể có thêm cơ hội nhận được trợ cấp của Nhà nước tại Trung Quốc ? Chẳng có gì đơn giản hơn : Chỉ cần gỡ các cây thập tự và ảnh chúa Giê-su, cất các tràng hạt và treo giữa phòng khách chân dung của chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lời khuyên của chính quyền huyện Dư Can, trong chiến dịch mang tên « Cùng biến những tín đồ tôn giáo thành những tín đồ của Đảng ! »

Nhật báo South China Morning Post trích phát biểu của một quan chức địa phương, theo ông : « Rất nhiều người thiếu hiểu biết, họ tưởng rằng Chúa có thể cứu họ, nhưng sau khi các cán bộ của chúng tôi qua, họ hiểu ra sai lầm và nói rằng để nhận được hỗ trợ, nên tin vào Đảng hơn là vào Chúa ».

Hơn 1.000 chân dung của nhân vật đứng đầu Trung Quốc đã tìm được chỗ đứng trong nhà của dân làng. Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nguyện thay đổi cách trang trí này, theo khẳng định của một người dân ở Dư Can, vì « nếu từ chối, người ta không được nhận trợ cấp từ quỹ chống đói nghèo nữa ».

Tại Dư Can, như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, chính quyền dường như bị ám ảnh bởi ý nghĩ số giáo dân không ngừng tăng, có thể sẽ vượt qua con số 89 triệu đảng viên ».

Trung Quốc muốn xây đường ngầm dẫn nước tưới hoang mạc Tân Cương

Các kỹ sư Trung Quốc đang xúc tiến nghiên cứu dự án xây một đường ống ngầm dài 1.000 km để dẫn nước từ vùng núi Tây Tạng đến sa mạc Taklamakan (còn gọi là Tháp Khắc Lạp Mã Can), thuộc khu tự trị Tân Cương, cực tây Trung Quốc.

Theo nhật báo South China Morning Post, ý tưởng được các kỹ sư đưa ra là lấy nước từ sông Yarlung Tsangpo (đổ vào dòng sông Brahmapoutre khi chảy qua lãnh thổ Ấn Độ), ở phía nam Tây Tạng, để tưới cho sa mạc Taklamakan.

Để « luyện tập » cho dự án đồ sộ này, Trung Quốc đã khởi công xây dựng một đường ống ngầm dài 600 km tại Vân Nam. Được chia thành 60 đoạn, đường ống ngầm này sẽ đi qua nhiều dãy núi, đôi khi cao vài trăm mét so với mực nước biển, và đặc biệt có khả năng đứng vững dù điều kiện địa lý trong vùng không ổn định.

Ông Lobsang Yangtso, một nhà nghiên cứu thuộc Mạng lưới Quốc tế vì Tây Tạng, khẳng định với Quartz : « Không ai nghĩ rằng một ngày nào đó tầu hỏa có thể chạy qua Tây Tạng, thế mà Trung Quốc đã làm được điều này. Dĩ nhiên, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công đường hầm đó ».

Dù sao, dự án đường ống ngầm dài nhất thế giới sẽ là một phương tiện để Trung Quốc tăng cường tiếng tăm của mình trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Singapore : Trút giận, xả stress trong « Phòng Đập phá »

Ném bát đĩa, đập vỡ chai, phá máy in bằng cây gậy bóng chày… để xả stress dường như không có gì xa lạ ở Nhật Bản và Hàn Quốc… và giờ du nhập sang Singapore. « Fragment room » (tạm dịch « Phòng Đập phá ») tại đây giúp nhân viên và sinh viên, bị áp lực lớn tại đảo quốc, có thể hả giận và giải tỏa stress mà vẫn tránh được những cái nhìn soi mói.

Thông tín viên RFI Margaux Bédé đã đến nơi được mệnh danh là « ngôi đền đập phá » này :

« Cầm trong tay một chiếc gậy bóng chày và nhốt mình trong căn phòng rộng 3m2, hai cô bạn phá tất cả những gì nằm trong tầm tay… Nhưng phải chờ vài phút rồi người ta mới nghe thấy tiếng thủy tinh rơi vỡ.

Tại Singapore, « xả giận » vẫn còn ít phổ biến. Chính vì thế, Royce Tan đã lập ra Fragment room, để giúp đồng hương của mình giải tỏa cảm xúc. Anh nói :

« Trong nền giáo dục của chúng tôi, người ta dạy chúng tôi không nói về các vấn đề khó khăn, cảm xúc của mình. Vì thế, chúng tôi giữ hết trong lòng, rồi điều này làm tổn thương nội tâm.

Những gì chị nhìn thấy ở đây, đó là một địa điểm an toàn, nơi chị có thể làm gì chị muốn. Nếu chị muốn đến đây để gào thét, khóc lóc, cười… thì chị cứ làm. Chỉ cần để cái ác trong lòng chúng ta thoát ra ngoài. Đây không phải là nơi để người ta phán xét về chị. Đây là một địa điểm kín và an toàn ».

« Một nơi đáng tin cậy » để tránh những cái nhìn và kể cả trên internet… Devina, một phụ nữ Singapore 29 tuổi, hiếm khi thể hiện cảm xúc của mình vì sợ bị đưa lên Stomp, mạng xã hội Singapore. Cô nói :

« Không biết chị có biết Stomp hay không, có những người chụp ảnh hoặc quay phim chị và đưa lên trang này, theo kiểu : « Ồ, nhìn khách hàng này đang tức giận kìa ! ». Chỉ là một kiểu giải trí, giống như một dạng Facebook không lành mạnh và cả cuộc sống của chị có thể bị phơi bày trên đó…

Thật sự ở Singapore, người ta không có nơi để giải tỏa mà không sợ bị người xung quanh nhòm ngó. Đây là một nước nhỏ bé, mọi người quen biết nhau. Ngay cả ở nhà, người ta cũng khó lòng mà úp đầu vào gối hét lên mà không bị ai nghe thấy… ».

Còn theo Vanessa, « Đừng có tốn tiền vào điều trị, mà hãy đến Fragment room ! Đi gặp một chuyên gia tâm lý phân tích tinh thần và các vấn đề của chị với giá 160 euro/giờ, thì chị có thể làm y chang như vậy tại đây với giá 45 euro/30 phút, còn hời hơn ! »

Lời khuyên của Vanessa, 30 tuổi, khiến một số chuyên gia lo ngại, như bà Jeanie Chu, bác sĩ tâm lý ở bệnh viện Resilienz, Singapore.

« Việc đó không giúp gì được vì không làm sáng tỏ nguồn gốc của cơn giận, vì cá nhân đó không giãi bày được vấn đề của mình nhưng lại xả (stress) qua hành động. Việc đó dạy cho mọi người rằng đó là cách duy nhất để giải phóng sự giận dữ của mình. Điều này không hề lành mạnh và trong tương lai, thậm chí còn có thể khiến một số người trở nên hung hăng ngay khi họ bắt đầu tức giận… Vì vậy, tôi không nghĩ đó là cách lành mạnh nhất (để bớt sức ép) và việc này đáng lo ngại ».

Từ khi mở cửa cách đây 6 tháng, hơn 200 người đã đến thử « Phòng Đập phá » ở Singapore ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.