Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

TPP được cứu vãn, Việt Nam hy vọng Mỹ quay trở lại

Đăng ngày:

Sau nhiều nỗ lực, nhất từ những quốc gia như Nhật Bản hay nước chủ nhà Việt Nam, đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP -11 bên lề thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng vào tuần trước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận, tuy không phải hoàn toàn như mong muốn ban đầu, nhằm duy trì một hiệp định không có sự tham gia của Mỹ.

Cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên còn lại của TPP tại Đà Nẳng ngày 09/11/2017.
Cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên còn lại của TPP tại Đà Nẳng ngày 09/11/2017. Reuters
Quảng cáo

Theo thông báo của hai bộ trưởng Thương Mại Việt Nam và Nhật Bản ngày 11/11/2017, trong các cuộc đàm phán từ ngày 08/11, các bộ trưởng thương mại đã thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ, nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để “bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước”. Các bộ trưởng cũng đã quyết định đổi tên hiệp định TPP thành “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, gọi tắt theo tiếng Anh là CPTPP.

Nhật Bản đã là quốc gia thúc đẩy TPP-11 mạnh mẽ nhất vì đối với Tokyo, hiệp định này là chính là một công cụ để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam thì dù TPP không còn Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, cũng mong muốn duy trì hiệp định này để tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới và qua đó giữ được một mức tăng trưởng cao, đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Ngoài Nhật Bản, đang muốn nắm vai trò đầu đàn về kinh tế ở châu Á, có lẽ Việt Nam là quốc gia mong muốn TTP thành tựu nhất, với hy vọng là một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ quay trở lại hiệp định này, như nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời RFI Việt ngữ từ Hà Nội:

"Việt Nam từ đầu đã rất trông chờ có một TPP. Đối với Việt Nam, có lẽ không có đàm phán nào khó khăn như đàm phán TPP hay có cam kết nào như trong TPP mà Việt Nam phải chấp nhận để tham gia. Việc Mỹ rút ra đã là một cú sốc với Việt Nam rồi, bởi vì lợi ích lớn nhất của Việt Nam ở TPP nói thẳng ra là lợi ích ở thị trường Mỹ, chứ còn những thị trường lớn khác như Nhật Bản thì Việt Nam đã có ít nhất là hai kênh qua hiệp định giữa Nhật với Việt Nam và hiệp định giữa Nhật với ASEAN.

Không có Mỹ đã là khó với Việt Nam rồi, nhưng Việt Nam vẫn muốn TPP tiếp tục được thực hiện với các nước còn lại. Dù sao một kênh đa phương như vậy cũng giúp cho Việt Nam mở rộng hơn quan hệ kinh tế với các nước khác, chứ không bó hẹp trong phạm vi của ASEAN hay trong RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện). Đặc biệt là trong RCEP vai trò của Trung Quốc rất lớn, cho nên Việt Nam mong muốn có những kênh khác để hội nhập ngoài những kênh mà ảnh hưởng Trung Quốc quá lớn.

Tôi cho rằng TPP là kênh vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Ít nhiều thì 11 nước thành viên còn lại của TPP cũng vẫn hy vọng rằng nếu thực hiện được TPP trong một thời gian nhất định và thực hiện tốt thì có thể khiến cho Mỹ xem xét lại lợi ích của họ và thấy là việc Mỹ tham gia TPP sẽ giúp cho lợi ích của Mỹ được đảm bảo tốt hơn,  chứ không phải chỉ cho các nước khác. Vẫn có một kỳ vọng là có TPP để một ngày nào đó Mỹ sẽ quay trở lại. Kỳ vọng đó cũng đúng thôi vì xu hướng hội nhập hoặc mong muốn phát triển liên kết với nhau như thế này, tạo thành những khối đối trọng với những lực lượng khác quá như Trung Quốc chính là mong muốn của nhiều bên, trong đó có cả Hoa Kỳ.

Hiện nay ông Trump đang muốn tập trung vào nước Mỹ và muốn đàm phán song phương, nhưng đâu phải đàm phán song phương nào hoặc những hiệp định song phương nào cũng có thể giải quyết được những vấn đề mang tính chất tổng thể hơn đâu?"

Trả lời RFI Việt ngữ từ Sài Gòn, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cũng cho rằng hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ trở lại TPP chính là động lực lớn nhất thúc đẩy Việt Nam và các nước khác tiếp tục đàm phán:

" Chính đó mới là yếu tố quan trọng, có nghĩa là người nghĩ rằng trong tương lai với sự duy trì hoạt động của TPP 11 nước, sẽ có một ngày nào đó chính quyền Mỹ sẽ suy nghĩ lại và sẽ gia nhập TPP. Đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy 11 nước còn lại đàm phán trong gần một năm qua.”

Nhưng tại Đà Nẵng tuần qua, đàm phán về TPP-11 có lúc tưởng đã đi vào bế tắc sau khi thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ không đến dự cuộc họp của các lãnh đạo TPP-11 vào tối thứ sáu 10/11.

Sau khi hai bộ trưởng Thương Mại của Việt Nam và Nhật thông báo đạt thỏa thuận về TPP, bộ trưởng Thương Mại Canada François-Philippe Champagne đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được, nhưng phía Canada trong một thông cáo cũng đã nhấn mạnh là « vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết ».

Canada vẫn có hai bất đồng lớn về hiệp định này, đó là về quyền sở hữu trí tuệ và các miễn trừ văn hóa.  Nhưng trong các phiên họp ban đầu về TPP-11, Nhật Bản thì vẫn dứt khoát không chấp nhận bất cứ một sự biệt đãi nào về văn hóa.

Không chỉ có Canada, mà một số nước khác, kể cả nước chủ nhà Việt Nam, cũng có những bất đồng với những nước khác trong TPP-11. Chẳng hạn như Việt Nam có quan điểm khác biệt về vấn đề miễn giảm thuế quan đối với các mặt hàng vải sợi. Cụ thể, Việt Nam không đồng ý với quy định là nguyên liệu nhập từ các nước không thuộc TPP sẽ không được miễn giảm thuế quan. Lý do là vì Việt Nam là một trong nước nước xuất khẩu rất nhiều hàng may mặc, mà phần lớn nguyên liệu là nhập từ Trung Quốc.

Nếu như Hoa Kỳ còn ở lại trong TPP, các công ty Việt Nam có thể chỉ cần chuyển sang nhập nguyên liệu từ Hoa Kỳ và xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường này nhiều hơn nữa. Nay các doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại là sẽ phải điều chỉnh lại sản xuất do những  thay đổi về nguồn cung cấp nguyên liệu. Những công ty nào còn nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ bị bất lợi. Chính vậy trong giới doanh  nghiệp Việt Nam không phải ai cũng ủng hộ TPP-11.

Một vấn đề khác mà Việt Nam cũng muốn có một số sửa đổi, như vấn đề quyền lao động. Hiệp định TPP-12, tức là có sự tham gia của Hoa Kỳ, yêu cầu Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập. Nhưng nay TPP không có Mỹ nữa, Việt Nam có vẻ không muốn chịu áp lực trên vấn đề này. Hiện giờ, các công đoàn ở Việt Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản, chưa có công đoàn nào là độc lập.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc Việt Nam đòi hỏi những sửa đổi trong TPP là không có gì quá đáng, vì nhiều nước khác cũng đòi như vậy: 

"Không riêng Việt Nam mà cả 11 nước đều muốn đàm phán lại. Khi đạt được TPP-12 trước đây, có rất nhiều điều, có những cam kết do sức ép của Mỹ và do mong muốn có được mối quan hệ trên một nền tảng mới với Mỹ, nên các nước đã chấp nhận để tạo thành một cam kết chung. Nhưng bây giờ không có Mỹ nữa thì các nước cũng không có lý do để mà tiếp tục yêu cầu nhau là phải duy trì những điều đó. Không chỉ Việt Nam, mà nước nào cũng có những điều muốn đàm phán lại."

TPP nay đã được cứu vãn và được “tân trang” với tên mới là CPTPP. Nhưng thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cho biết là còn rất nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận chung cuộc về hiệp định tự do mậu dịch này, trong các lĩnh vực như quyền lao động, bảo vệ môi trường, công nghiệp xe hơi,v.v…Nói cách khác, chưa có gì thật sự bảo đảm là CPTPP sẽ trở thành hiện thực.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở Sài Gòn, kể từ khi tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho khả năng không có TPP, chứ không trông chờ vào một TPP không có Hoa Kỳ:

" Với việc Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần "hậu TPP", có nghĩa là họ chuẩn bị kế hoạch phát triển sắp tới mà không có TPP. Cho nên khi Nhật Bản và một số nước muốn duy trì TP-11, các doanh nghiệp đón nhận tin đó một cách hết sức dè dặt, không lạc quan lắm, tại vì khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP những năm trước đây, kỳ vọng của các doanh nghiệp Việt Nam chính là thị trường Mỹ.

Họ muốn rằng thông qua những điều kiện của TPP, thì chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách mạnh mẽ để có thể giúp đỡ các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phát triển để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và hướng vào việc thâm nhập thị trường Mỹ và các thị trường khác của TPP-12, nhưng quan trọng nhất vẫn là thị trường Mỹ.

Khi tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho một tương lai là không có TPP đối với các kế hoạch phát triển của họ từ 2017 trở đi."

 Hiện giờ, theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn, để có thể tiếp tục xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam trông chờ vào hiệp thương mại Mỹ-Việt, nhưng hiệp định này cũng có thể phải được thương lượng lại theo yêu cầu của chính quyền Trump:

" Việt Nam đang có một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Hiệp định đó thì nghe nói sẽ được thương lượng lại. Dầu sao thì hiện nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn được điều chỉnh bởi hiệp định song phương đó. Ngoài ra còn có những thỏa ước bên cạnh thúc đẩy quan hệ thương lại Việt-Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam cũng thấy rằng ông Trump thường xuyên đòi xem xét lại tất cả những hiệp định song phương và đa phương mà Mỹ đã ký trước đây, cho nên việc phải thương lượng lại một hiệp định thương mại tốt đẹp cho cả đôi bên, đó là điều mà chính quyền Việt Nam cũng đang chuẩn bị."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.